Hậu COVID-19, nở rộ kinh doanh đa cấp biến tướng

Trang Trang| 29/10/2021 17:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước tình trạng kinh doanh theo phương thức đa cấp diễn biến phức tạp, có dấu hiệu biến tướng, tiềm ẩn các hành vi có tính chất lừa đảo sau dịch COVID-19, ngày 28/10/2021, Bộ Công thương đã đưa ra các cảnh báo mới.

Theo đó, tại các địa phương dừng giãn cách xã hội, các hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng có dấu hiệu hoạt động trở lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Hậu COVID-19,  nở rộ kinh doanh đa cấp biến tướng - Ảnh 1.

Sinh viên là đối tượng dễ bị dụ dỗ tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp biến tướng ở Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: Dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công thương cấp; Các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử… Do đó, nhận biết được chân tướng các doanh nghiệp này sẽ giúp người muốn tham gia loại hình đa cấp không vướng vào tình cảnh "tiền mất tật mang".

Theo đó, người tiêu cùng cần cẩn trọng với những hoạt động kinh doanh đa cấp hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn hay chủ yếu tập trung tuyển dụng, không chú trọng bán hàng, tiêu thụ sản phẩm… Bán hàng đa cấp chỉ là một hình thức bán hàng, phân phối hàng hóa, không phải là một hình thức đầu tư, do đó cần cân nhắc khi nghe những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận. Người bán chỉ thực sự có thu nhập nếu bán được hàng hóa và những người do bạn giới thiệu bán được hàng hóa.

Khi cá nhân được giới thiệu về một  doanh nghiệp bán hàng đa cấp, cần quan sát các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp đó. Nếu như doanh nghiệp đó chỉ chú trọng tổ chức các buổi tuyển dụng mà không tổ chức đào tạo bán hàng cho nhà phân phối thì cần cẩn trọng. Khi cá nhân được mời tham gia một doanh nghiệp bán hàng đa cấp cần lưu ý, việc tiêu dùng hoặc bán hàng hóa của doanh nghiệp là tùy thuộc nhu cầu, khả năng của bản thân. Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không được tìm cách làm cho người tham gia phải bỏ tiền ra mua để được tham gia.

Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng. Những doanh nghiệp như vậy sẽ không tồn tại được khi không tuyển thêm được người hoặc khi người được tuyển không mua hàng, vì họ không chú trọng bán hàng, không có nguồn doanh thu từ việc tiêu thụ hàng hóa.

Hiện trên cả nước có 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Số lượng doanh nghiệp này đã được giữ ổn định trong 2 năm vừa qua. Năm 2020, Bộ Công thương đã triển khai công tác thanh tra chuyên ngành về chấp hành pháp luật quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và xử phạt 3 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt 1,46 tỷ đồng về các vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp. Tại các địa phương, số tiền phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp chỉ hơn 400 triệu đồng, giảm nhiều so với thời gian trước.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hậu COVID-19, nở rộ kinh doanh đa cấp biến tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO