Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt để tạo dấu ấn

Thế Phương| 20/01/2022 16:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Với việc startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa,… hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt (tipping point) để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam là "ngôi sao đang lên" của khu vực Đông Nam Á

Báo cáo "Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021" do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) và BambuUP thực hiện được công bố gần đây đã đưa ra bức tranh về thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam 9 tháng đầu tiên của năm 2021. 

Theo đó, COVID-19 được nhận định là chất xúc tác thúc đẩy các mô hình kinh doanh độc đáo phát triển mạnh mẽ. Đại dịch đã tạo ra những thay đổi lớn trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) khi mà các hoạt động nhanh chóng chuyển dịch lên trực tuyến. Cùng với những cải tiến, đổi mới không ngừng của công nghệ và các ngành hàng vốn đã phát triển mạnh mẽ như thương mại điện tử (e-commerce) hay công nghệ tài chính (fintech), các ngành như công nghệ y tế (Medtech), công nghệ giáo dục (Edtech), truyền thông trực tuyến (Online media), và các giải pháp số cho doanh nghiệp dự kiến sẽ tạo nên sự bức phá thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Theo báo cáo Golden Gate Ventures công bố vào tháng 7/2021, Việt Nam được đánh giá là "ngôi sao đang lên" của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba sau Indonesia và Singapore. Việt Nam cũng sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của các quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực Đông Nam Á trong ít nhất 2-3 năm tới do có lợi thế về môi trường chính trị ổn định và kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

"Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã nhanh chóng trở lại sau một năm đầy sóng gió. Đáng chú ý, số lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 108 thương vụ. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư vào 9 tháng đầu năm 2021 là 604 triệu USD, đạt gần 70% so với mức cao nhất được ghi nhận trong cả năm 2019", báo cáo khẳng định.

Startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới

Về tiềm năng phát triển, đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam, theo báo cáo, trong giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ ghi nhận thêm những dấu ấn mới ấn tượng khi Hệ sinh thái khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo đang có nhiều tiềm năng và động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nhờ vào: Bối cảnh khởi nghiệp thuận lợi; doanh nghiệp và tập đoàn lớn tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo nhiều hơn; sự hỗ trợ từ các tổ chức và Chính phủ. "Chính sự cộng hưởng của cả ba yếu tố này chắc chắn sẽ tạo ra những tác động rất tích cực lên toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong thời gian tới", báo cáo cho biết thêm.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của quỹ đầu tư Do Ventures tin rằng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt (tipping point) để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới nhờ vào ba yếu tố chính. Đầu tiên, đó là việc các startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa, tiêu biểu có thể kể đến như Ecomobi sang thị trường Thái Lan và Indonesia hay Trusting Social sang Ấn Độ, Indonesia, Philippines…

Yếu tố tiếp theo đến từ việc các startup Việt Nam đã có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao như giải pháp trí tuệ nhân tạo của Palexy hay sản phẩm blockchain của Kyber Networ. Đặc biệt, thị trường đã có những công ty đủ trưởng thành để trở thành nhà đầu tư cho thế hệ nhà sáng lập đi sau như VNG đầu tư vào Tiki, Telio, Got It… hay ví điện tử MoMo với các thương vụ vào Pique, Nhanh.vn…

Chưa kể, COVID-19 cũng chính là cơ hội cho các startup thay đổi và phát triển nhanh chóng khi thói quen của người tiêu dùng thay đổi.

Song song với đó, các doanh nghiệp lớn cũng dần nhận thức vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và việc đầu tư, ứng dụng những ý tưởng mới vào hoạt động của mình. Ý tưởng và giải pháp đổi mới sáng tạo không những giúp các đơn vị này thực hiện mục tiêu hàng đầu là tối ưu hóa lợi nhuận theo một cách mới, còn đồng thời cũng là cách để các DN bắt kịp với nhu cầu và xu hướng mới chuyển đổi không ngừng của thị trường.

Theo ông Nguyễn Huy Minh, Chủ tịch Sunshine Holding, một điểm thuận lợi của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam là sự ủng hộ của Chính phủ. Điều này thể hiện ở việc ngày 18/5/2016, thủ tướng chính phủ cũng đã phê duyệt đề án "hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Bộ GD&ĐT cũng đang bắt đầu đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên tại một số trường như khối trường kỹ thuật, thương mại… giúp sinh viên trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp của mình vì ngoài việc có tinh thần, nhiệt huyết, người khởi nghiệp phải có kiến thức về khởi nghiệp. Tuy nhiên, các kiến thức về quản trị cho DN, hoạt động quản lý về thị trường và tiền tệ nhiều khi chưa được dạy một cách đầy đủ.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt để tạo dấu ấn - Ảnh 1.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy: Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt (tipping point) để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và trên thế giới.

Khoảng trống vườn ươm và số lượng quỹ nội đủ tiềm lực tham gia vòng Series B

Trong 3 năm trở lại đây, đầu tư công nghệ tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên theo nhận định của chuyên gia thì thị trường Việt Nam vẫn còn non trẻ so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh việc startup cần liên tục cải tiến và hoàn thiện năng lực để tăng khả năng cạnh tranh thì hệ sinh khởi nghiệp Việt Nam còn đang gặp hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước. Số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam chưa nhiều so với số lượng ra đời của startup. Điều này dẫn đến một số khoảng trống về vốn chưa được khai thác hết. 

Về vấn đề này, theo bà Vy, khoảng trống đầu tiên là các vườn ươm (incubators và accelerators) khi các startup mới ra đời ở giai đoạn Pre-Seed. Hiện nay tại Việt Nam đã có một số vườn ươm uy tín đang hoạt động như SHi - Songhan Incubator, tuy nhiên số lượng còn rất ít so với số lượng startup đang ra đời mỗi ngày. Vì vậy, cần có nhiều hơn những đơn vị hỗ trợ startup trong giai đoạn sớm để các nhà sáng lập có đủ năng lực bước vào giai đoạn gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm.

Khoảng trống thứ hai ở vòng Series B khi giá trị vòng gọi vốn của startup lên đến 15-20 triệu USD. Tuy nhiên, số lượng quỹ nội địa có khả năng tham gia vào vòng này còn rất hạn chế. Vì vậy, startup sẽ không thể gọi vốn ở thị trường Việt Nam mà phải tìm đến các quỹ nước ngoài. Khi cơ hội gọi vốn bị giới hạn, các công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tạo được những tăng trưởng đột phá.

Chính vì vậy, hệ sinh thái startup Việt Nam rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm mang lại nguồn vốn dồi dào cho sự phát triển của công ty ở mọi giai đoạn.

Bên cạnh các cơ hội, startup Việt cũng còn nhiều vấn đề tồn đọng, cần cải thiện hay cần làm tốt hơn để thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân đầu tư trong và ngoài nước. Với góc nhìn của một nhà đầu tư thiên thần, bà Lê Mỹ Nga đã đưa ra ba nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư giai đoạn thiên thần và cũng rất quan trọng trong tiến trình phát triển một dự án khởi nghiệp. 

Đầu tiên là tạo ra một sản phẩm, mô hình kinh doanh không giải quyết được "nỗi đau" chung của thị trường, không mang tính khác biệt lớn, khó thay thế giải pháp hiện hữu, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu thị trường ngay tức thì và khó tăng quy mô. Từ đó, doanh nghiệp rất khó gọi vốn để tăng trưởng như kỳ vọng. Điều này dẫn đến dự án không đủ tài chính để tiếp tục phát triển, buộc phải dừng lại.

Mặt khác, các startup không ứng dụng công nghệ mới hoặc có ứng dụng công nghệ nhưng chưa đủ để tạo sản phẩm đột phá, đủ khả năng đăng ký sáng chế mang tầm quốc gia và quốc tế; chưa sở hữu sản phẩm hoặc mô hình có thể kiểm soát được thị trường mới, để đối thủ cạnh tranh khó có thể bắt chước trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và phát triển (R&D) liên tục nhằm giúp sản phẩm, mô hình kinh doanh phát triển bền vững trong tương lai không được các nhà sáng lập chú trọng hoặc không được đề cao.

Cuối cùng là đội ngũ các nhà sáng lập dự án không đủ mạnh, không đủ năng lực lãnh đạo để có thể dẫn dắt công ty tinh gọn có thể phát triển nhanh trên thị trường. Trong khi đó, các sáng lập viên, thường là các nhân sự mạnh về năng lực công nghệ và kỹ thuật, không sẵn sàng chia sẻ cổ phần để sở hữu những nhân sự giỏi, đối tác chiến lược, bổ sung những điểm yếu mình không thể khắc phục trong thời gian ngắn; đặc biệt là khả năng quản trị và tiếp thị đúng nghĩa để có thể chiếm lĩnh thị trường nhanh nhất có thể, mà không "đốt" quá nhiều tiền, vốn rất ít ỏi từ nguồn vốn tự thân ban đầu hoặc được huy động từ gia đình, bạn bè của các sáng lập viên.

"Để tránh những sai lầm cơ bản nêu trên, các sáng lập viên nên tham gia các chương trình ươm tạo và tăng tốc chuyên nghiệp để được hướng dẫn bởi các cố vấn khởi nghiệp chính thống, tham gia các chương trình tranh tài khởi nghiệp chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, kết nối với các chiến lược gia về công nghệ, thị trường, vận hành,… kết nối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể tiến đến các vòng gọi vốn mạo hiểm, đủ tiềm lực tài chính và nhân lực, đủ khả năng tung sản phẩm và phát triển thị trường trong thời gian ngắn", bà Nga cho biết thêm./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt để tạo dấu ấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO