Xây dựng đề án đổi mới công tác khuyến nông
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông là một trong những lĩnh vực có đội ngũ vô cùng hùng hậu, với khoảng 35.000 cán bộ, cộng tác viên. Với gần 30 năm phát triển, hệ thống khuyến nông đã khẳng định được vai trò, thương hiệu của mình đối với nền nông nghiệp. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, chuyển từ nền SXNN sang nền kinh tế nông nghiệp, hệ thống khuyến nông cần phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu đó.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng đề án đổi mới công tác khuyến nông, với 6 nhóm vấn đề cần đổi mới: Bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, gần đây nhất là Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về khuyến nông; Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông Việt Nam, trong đó xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút nhân lực chất lượng cao và hệ thống khuyến nông cơ sở; Đổi mới các nội dung hoạt động khuyến nông; Đổi mới hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư; Chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ; Tăng cường năng lực cho hoạt động khuyến nông.
"Việc tăng cường năng lực của hệ thống rất quan trọng, và vấn đề này phải là trách nhiệm của chính trung tâm khuyến nông các tỉnh, hệ thống khuyến nông địa phương, bởi nếu xóa đi sau này khôi phục lại là hết sức khó khăn. Cần quan tâm hơn nữa tới điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, phòng làm việc… Cố gắng theo hướng không tăng biên chế, nhưng tăng chất lượng", ông Lê Quốc Thanh cho biết.
Với những yêu cầu đó, việc xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng trong thời gian tới phải thành thạo những kĩ năng để kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất; trang bị, xây dựng những mô hình hiệu quả, làm cơ sở nhân rộng.
Cũng theo ông Lê Quốc Thanh, hiện có những nơi tư vấn khuyến nông thành lập hợp tác xã (HTX) mới, có nơi thành lập tổ tư vấn cho các HTX hiện có; chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, tư vấn, kết nối các dịch vụ liên quan đến thị trường, như chứng nhận, xây dựng quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc, dịch vụ kết nối thị trường; tư vấn và thực hiện CĐS… Bản chất đó vẫn là hoạt động khuyến nông. "Riêng vấn đề CĐS trong hoạt động khuyến nông, chúng tôi đã xây dựng 1 đề án, mời nhiều doanh nghiệp (DN) tư vấn cho khuyến nông CĐS, xây dựng phần mềm, giải pháp để chia sẻ với các địa phương…".
Một trong những hoạt động xuyên suốt của khuyến nông chính là thông tin tuyên truyền, trong đó có nhiều hoạt động đã trở thành thương hiệu của khuyến nông, như Diễn đàn khuyến nông và nông nghiệp, kết nối thông tin tuyên truyền với các cơ quan thông tấn, báo chí theo hướng đa dạng hình thức, nội dung...
Xã hội hóa khuyến nông
Giám đốc Lê Quốc Thanh cho biết, về công tác đào tạo huấn luyện, phải nhìn nhận lại, phải thay đổi toàn diện công tác đào tạo của khuyến nông. Khuyến nông có đặc thù riêng, không phải đào tạo nghề, cũng không phải đào tạo kiến thức, mà tập trung chuyển đổi tư duy từ SXNN sang kinh tế nông nghiệp. Cán bộ khuyến nông phải nhận thức được thế nào là thay đổi tư duy.
Phải đổi mới và đa dạng hóa hình thức đào tạo, phải cập nhật yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Nếu như trước đây chỉ trông chờ giáo trình của các viện, trường, thì bây giờ phải biến các kinh nghiệm của DN, nông dân thành giáo liệu, phục vụ đào tạo.
Đối với hoạt động xây dựng các dự án, mô hình, trước đây chủ yếu tập trung chuyển giao kỹ thuật, bây giờ sẽ phải dành nguồn lực cho những câu chuyện lớn hơn, phải có sự tích hợp, liên kết với hợp tác xã, góp phần xây dựng thành vùng nguyên liệu lớn có sự kết nối với thị trường, DN tiêu thụ, có truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nền nông nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế thì các mô hình khuyến nông phải tích hợp các tư duy đó, theo hướng nâng cao giá trị. Các hoạt động đào tạo, truyền thông sẽ xoay quanh mô hình đó, đồng thời chú trọng kết nối với văn hóa, du lịch cộng đồng…
Nhiệm vụ quan trọng của khuyến nông giai đoạn tới cũng phải đặc biệt chú trọng đến phát triển các loại hình tư vấn, dịch vụ; xã hội hóa khuyến nông, đưa những người làm khuyến nông trở thành người giàu có. Phải kết nối được với DN, nông dân, để thu phí từ các hoạt động khuyến nông sinh lời.
"Làm được điều này phải có cơ chế, hành lang pháp lý, xã hội hóa nguồn lực chứ không chỉ dựa vào ngân sách nữa. Hiện, đã có nhiều địa phương khai thác được kinh phí từ xã hội hóa nhờ các hoạt động dịch vụ do khuyến nông triển khai", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cán bộ khuyến nông phải bám sát cơ sở, đa dạng hóa hoạt động, liên kết với DN và mở rộng vùng nguyên liệu. Khi bám sát cơ sở, khuyến nông viên có thể kết hợp làm các dịch vụ từ các hoạt động trong sản xuất.
Tổ khuyến nông cộng đồng phải có 5 chức năng: chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tư vấn xây dựng HTX; thông tin thị trường giá cả, hướng dẫn nông dân trồng được cây gì con gì thì cũng cần hướng dẫn được bán sản phẩm ở đâu; hướng dẫn nông dân về ứng dụng công nghệ số; tư vấn phát triển ngành nghề nông thôn.
"Khuyến nông cũng cần tạo ra chỗ dựa để mở ra nguồn lực bên cạnh nguồn lực từ ngân sách. Đó là liên kết với DN tạo chuỗi giá trị. Các đề tài thời gian tới phải xác định ưu tiên việc liên kết DN, mở rộng vùng nguyên liệu để huy động nguồn lực của DN cùng tham gia. Cùng với đó là các dự án cho an sinh xã hội, giảm nghèo", Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý./.