Hiệp hội Bưu chính Việt Nam chính thức đi vào hoạt động đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh
12 doanh nghiệp (DN) bưu chính đã tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hiệp hội Bưu chính Việt Nam (VPA) lần thứ nhất nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Ngày 20/10/2023, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post) đăng cai tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hiệp hội Bưu chính Việt Nam (Vietnam Postal Association - VPA).
Tham dự Đại hội có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, đại diện Bộ Nội vụ, các nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT là Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Nguyễn Minh Hồng và Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) Nguyễn Thành Hưng.
Trước yêu cầu cấp thiết về một tổ chức đóng vai trò tập hợp, liên kết các DN trong ngành tận dụng các lợi thế, gia tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy nền bưu chính quốc gia phát triển nhanh và bền vững, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã khuyến nghị thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam. Theo đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ là 1 trong 2 đơn vị đầu mối, thực hiện kêu gọi, tập trung quy tụ các DN thành lập Hiệp hội.
Ngày 20/4/2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-BTTTT về việc công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam gồm 12 thành viên: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post); Tổng công ty Cổ phần (CP) Bưu chính Viettel (Viettel Post); Tổng công ty CP Vận tải Sài Gòn; Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thuận Phát; Công ty CP Giao nhận hàng hóa NASCO; Tổng công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS Việt Nam); Công ty CP Giao nhận hàng không AAL; Công ty CP vận tải thương mại và đầu tư An Việt; Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận hàng hóa Tân Sơn Nhất; Công ty CP Fado Express Việt Nam; Công ty cổ phần Interserco Mỹ Đình; Công ty CP Giao hàng tiết kiệm.
Trên cơ sở đề nghị của Ban Vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, ngày 22/6/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam.
Tạo dựng một môi trường lành mạnh để ngành Bưu chính phát triển
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chúc mừng Đại hội thành công tốt đẹp và nhấn mạnh: “Bưu chính là lĩnh vực hoạt động lâu đời trên thế giới và tại Việt Nam. Nhu cầu chuyển phát hàng hóa là nhu cầu tự nhiên, cơ bản và thiết yếu của con người. Nền kinh tế của chúng ta đã và đang chuyển dịch từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số (KTS). KTS không chỉ là cú hích lớn để phát triển kinh tế mà còn là công cụ để bình ổn và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực của ngoại cảnh”.
Thứ trưởng đánh giá Bưu chính đã và đang từng bước trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền KTS, đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT). Lĩnh vực bưu chính Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển nhanh chóng trong 5 năm trở lại đây và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trước những diễn biến bất thường trong một thế giới mơ hồ, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh COVID-19.
Để thúc đẩy lĩnh vực bưu chính, triển khai chiến lược bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong thời gian qua, Thứ trưởng cho biết Bộ TT&TT đã chỉ đạo Ban vận động thành lập Hiệp hội Bưu chính Việt Nam, tiến hành các quy trình, thủ tục cần thiết để ra mắt Hiệp hội và ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của ban vận động thành lập Hiệp hội đã rất cố gắng để hoàn thiện các thủ tục cần thiết để tổ chức Đại hội.
VPA có vai trò rất quan trọng trong việc tham gia phản biện, góp ý, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực bưu chính. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các DN Bưu chính, là cánh tay nối dài của các đơn vị thuộc Bộ TT&TT trong việc phát triển lĩnh vực Bưu chính tại Việt Nam.
Để tạo ra thị trường Bưu chính lành mạnh, thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đặt ra đến năm 2025 và 2030, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nêu ra một số đề nghị mang tính chất định hướng với Hiệp hội.
Thứ nhất, mong Hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá để thu hút đông đảo DN bưu chính tham gia, trong đó bao gồm cả các DN có thị phần lớn, DN mạnh trong từng loại hình dịch vụ bưu chính, các DN bưu chính mạnh về công nghệ để hiệp hội thực sự là đại diện cho gần 700 DN bưu chính đang hoạt động hiện nay.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng không gian hoạt động của Hiệp hội không chỉ giới hạn trong các DN bưu chính mà còn cả các DN logistics, TMĐT, vì đây đều là các DN trong cùng một cộng đồng, hệ sinh thái liên quan chặt chẽ với nhau.
Thứ hai, đề nghị Hiệp hội quan tâm, chủ động trao đổi, giám sát hoạt động của thị trường bưu chính để đưa ra những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp cụ thể với Bộ TT&TT để nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là vấn đề đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Thứ ba, trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tập trung nghiên cứu, tổng kết và có đề xuất kế hoạch sửa đổi Luật Bưu chính cho phù hợp với bối cảnh mới. “Rất mong Hiệp hội sẽ tham gia chủ động và là một nhân số tích cực để hoàn thiện thể chế về bưu chính tại Việt Nam”.
Xây dựng chuỗi cung ứng hoàn hảo
Ra đời với sứ mệnh tạo dựng một môi trường lành mạnh để ngành Bưu chính phát triển theo đúng quỹ đạo, VPA sẽ đóng vai trò là một tổ chức đại diện, một cộng đồng kết nối các DN trong ngành khai thác hiệu quả các lợi thế của mỗi đơn vị nhằm xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn hảo, đảm bảo hạn chế tối đa lãng phí cơ sở hạ tầng, nguồn lực.
Đồng thời, Hiệp hội có vai trò bảo vệ lợi ích hợp pháp của các DN tham gia, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tạo thế chủ động trong khai thác thị trường trong nước, quy tụ sức mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là tại phân khúc thị trường bưu chính chất lượng cao. Qua đó, hỗ trợ các DN trong ngành phát huy hết nội lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy nâng cao năng lực Bưu chính quốc gia vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững song hành cùng nền KTS.
VPA cũng có vai trò tư vấn, phản biện, giám sát đối với chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước. “Tiếng nói” của Hiệp hội đại diện cho nhiều DN, trực tiếp phản ánh những khó khăn, vướng mắc, bình luận, đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp phù hợp về điều kiện tham gia thị trường, giá cước, chất lượng,…. với sức nặng và ở quy mô của ngành thay vì mang tính “đơn lẻ”, đặc thù của từng DN.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội sẽ là thành tố cốt yếu trong xúc tiến, hỗ trợ mối quan hệ: Nhà nước - DN - Người sử dụng và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, góp phần phát triển bền vững của thị trường bưu chính quốc gia trong thời gian tới.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023 - 2028 của VPA mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kiện toàn bộ máy, tổ chức và định hướng toàn bộ hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn 5 năm đầu sau thành lập. Trong đó, tập trung thực hiện mục tiêu trở thành hiệp hội mạnh, là chỗ dựa tin cậy của các DN thành viên và cộng đồng người sử dụng dịch vụ bưu chính, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chiến lược phát triển Bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Đại hội đã thực hiện một số nội dung trọng tâm bao gồm: Công bố quyết định thành lập VPA; Thông qua Điều lệ, Phương hướng và Chương trình hoạt động của Hiệp hội trong Khóa I, nhiệm kỳ 2023-2028; Ra mắt Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Ban Thường vụ và các chức danh nhân sự chủ chốt của Hiệp hội trong Khóa I, nhiệm kỳ 2023-2028; Thông qua Nghị quyết Đại hội. Ngay tại Đại hội, Công ty CP thương mại và chuyển phát nhanh Nội Bài đã nộp đơn tham gia Hiệp hội.
Đại hội đã bầu ông Nguyễn Trường Giang, phụ trách Thành viên HĐTV làm Chủ tịch Hiệp hội. Ông Nguyễn Đắc Luân - Thành viên HĐQT Tổng công ty CP Bưu chính Viettel: Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng thư ký Hiệp hội. Ông Nguyễn Hồng Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vận tải Sài Gòn: Phó Chủ tịch Hiệp hội. Đại hội cũng đã bầu ra Ban thường vụ, Ban Kiểm tra của Hiệp hội.
Tham gia vào VPA với vai trò là DN bưu chính quốc gia và là một trong những thành viên chủ chốt, đại diện cho Ban Vận động thành lập Hiệp hội, Tổng công ty BĐVN sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ hợp tác cùng các DN trong Hiệp hội trên cơ sở khai thác lợi thế cùng phát triển, tạo dựng một cộng đồng Bưu chính vững mạnh.
Đồng thời, không ngừng phát huy những thế mạnh về cơ sở hạ tầng, mạng lưới, nhân lực, sản phẩm dịch vụ đóng góp vào sứ mệnh nâng cao hiệu quả kết nối chuỗi cung ứng, đảm bảo dòng chảy hàng hóa, phục vụ cộng đồng, hoàn thiện thể chế và kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh của VPA. Từ đó, đóng góp vào thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia, làm nền tảng cho Chính phủ số, KTS, xã hội số, khẳng định vị thế của bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế./.