Chuyển động ICT

Sự vận động của thị trường bưu chính và các doanh nghiệp

Nguyễn Thị Bích Hảo 19/07/2023 09:13

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các doanh nghiệp (DN) bưu chính đã có những chuyển biến nhanh, trở thành DN số với nhiều thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất.

Tóm tắt:
- Đặc điểm của dịch vụ bưu chính trong bối cảnh mới: (1) Chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào yếu tố quy mô doanh nghiệp, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật và tính chủ quan của con người; (2) Bắt đầu hình thành bưu cục ảo trên môi trường số.

- Sự vận động của bưu chính trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: (1) Dịch vụ bưu chính vận hành với tính tự động hóa cao và lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn; (2) Ứng dụng khoa học công nghệ trong bưu chính góp phần bảo vệ môi trường: tiết kiệm năng lượng, giảm lãng phí nhân công (cung cấp dịch vụ số).

- Dự báo: (1) Doanh nghiệp bưu chính có nhiều khách hàng mới với nhiều nhu cầu mới cần đáp ứng. Dự báo xu hướng tăng của khối lượng bưu kiện trung bình là 7,5%/năm cho các năm tiếp theo; (2) Ứng dụng công nghệ số là yêu cầu tất yếu để tạo lợi thế cạnh tranh.

Bưu chính luôn khẳng định vai trò là một ngành thiết yếu trong xã hội, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế số, xã hội số. Hơn nữa, bưu chính còn có tiềm năng phát triển xa hơn trong tương lai khi áp dụng những thành quả của công nghệ số, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội hiện nay.

Đặc điểm của dịch vụ bưu chính trong bối cảnh mới

Mặc dù hình thành và phát triển trong những giai đoạn khác nhau, địa điểm khác nhau, hình thức tổ chức và quản lý khác nhau nhưng những dịch vụ cốt lõi của bưu chính vẫn giữ nguyên giá trị. Bao gồm: bưu chính chuyển phát (chấp nhận, vận chuyển, phát thư, tài liệu và các kiện hàng hóa), tài chính bưu chính (nhận, chuyển, trả tiền) và các dịch vụ đại lý khác. Bưu chính truyền thống được xây dựng và hoạt động dựa trên các mục tiêu: Hoạt động kết nối giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức bằng quá trình truyền đưa thông tin và các kiện hàng.

Là một ngành dịch vụ, bưu chính có đặc điểm: quá trình sản xuất gắn liền với quá trình tiêu thụ. Vì thế, chất lượng dịch vụ được xác định ngay trong thời gian thực hiện. Có thể thấy, chất lượng dịch vụ cũng phụ thuộc vào yếu tố quy mô DN, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật và tính chủ quan của con người.

Do đó, khi cách vận hành của DN thay đổi theo hướng hiện đại hóa sản xuất thì chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên rõ rệt. Về phía khách hàng sử dụng dịch vụ: khách hàng không mua một sản phẩm mà mua một giải pháp cho một mong muốn, một yêu cầu phát sinh trong cuộc sống nên khách hàng cũng gặp phải một mức độ rủi ro nhất định khi tham gia vào quá trình tiêu thụ.

Bưu chính có hình thái đa dạng về dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng theo không gian và thời gian. Bưu chính có mặt trong đời sống hàng ngày của mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi gia đình và mỗi cá nhân. Vì thế, bưu chính có khả năng thúc đẩy sự phát triển của văn hóa xã hội, tham gia vào hoạt động kinh tế, tạo sự gắn kết giữa các vùng miền và các quốc gia. Mọi người dân đều có quyền bình đẳng khi sử dụng dịch vụ bưu chính.

buu-chinh(1).jpg
(Ảnh minh họa)

Mức độ tư nhân hóa bưu chính ngày càng cao, nhiều công ty tư nhân tham gia vào thị trường bưu chính với phương thức quản lý năng động, đầu tư hạ tầng hiện đại, giảm thiểu chi phí nhân công, mang lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng. Bưu chính ngày nay mang đậm nét thương mại, phát triển với mục tiêu lợi nhuận nên thị trường bưu chính rất sôi động và có sự cạnh tranh quyết liệt.

Chính vì thế, giá cước dịch vụ bao gồm các loại phí dịch vụ, thuế, quy trình phục vụ, giải quyết khiếu nại, bồi thường được công khai niêm yết tại các điểm phục vụ, trên các website chính thức của DN cung cấp dịch vụ bưu chính. Bưu chính cũng bắt đầu hình thành bưu cục ảo trên môi trường số thay vì phải mở các bưu cục thực, tạo sự thích ứng linh hoạt và bắt mắt, phù hợp với nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Sự thay đổi của bưu chính trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Dịch vụ bưu chính với nòng cốt là dịch vụ chuyển phát đã tồn tại hàng trăm năm nay trong môi trường vật lý. Ngày nay, trong bối cảnh ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến dịch vụ này bởi cuộc cách mạng đã mở ra cho dịch vụ bưu chính môi trường công nghệ số và môi trường ảo.

Do đó, hoạt động bưu chính trong môi trường vật lý cũ cũng phải vận động, chuyển hóa, biến đổi theo điều kiện mới với những dịch vụ mới, cách thức vận hành mới như dịch vụ bưu chính công nghệ hay phát huy năng lực logistics. Dịch vụ bưu chính vận hành với tính tự động hóa cao và lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn.

Mặc dù vậy, con người không thể tách rời khỏi thiết bị và công nghệ trong hệ thống tạo thành một chuỗi liên kết có sự tham gia của khách hàng và mang lại giá trị cho khách hàng. Mọi hoạt động được hệ thống ghi lại trong thời gian thực, địa điểm được định vị chính xác với mức giá gắn với loại dịch vụ và tốc độ vận chuyển để khách hàng có nhiều lựa chọn khi sử dụng. Đặc điểm nổi bật của dịch vụ lúc này là sự công khai về thời gian, vị trí, giá tiền, phương tiện vận chuyển hay cách thức thực hiện. Bưu chính phát triển rất nhiều các lợi ích, thay đổi mô hình hoạt động và thương mại, chia sẻ dữ liệu từ các nước thành công.

Dịch vụ bưu chính có vị trí không nhỏ trong nền kinh tế quốc gia về phát triển công nghệ thông tin, đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT). Khách hàng sử dụng mạng Internet để kết nối và hàng hóa được chuyển phát đến địa điểm theo yêu cầu. Quá trình này làm cho sự lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.

Đồng thời, bưu chính cũng đảm nhiệm vai trò kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo, thúc đẩy sự phát triển của cả hai môi trường này. Hoạt động thương mại chuyển dịch vào môi trường thực tế ảo với mức độ ồ ạt, tạo thành dòng chảy dữ liệu lớn cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Tốc độ chuyển dịch hàng hóa của bưu chính theo dòng chảy dữ liệu đã phản ánh quá trình tiêu thụ của người dùng và đánh giá được mức độ phát triển của TMĐT.

Điểm nổi bật trong sự vận động của bưu chính là ứng dụng khoa học công nghệ. Thành tựu nổi bật trong bưu chính phải kể đến là: Máy bay không người lái. Bưu chính sử dụng hệ thống này ngày càng phổ biến trong việc phát bưu gửi với đặc điểm là sử dụng hệ thống sóng riêng. Hệ thống sóng điều kiển của máy bay không người lái rất an toàn, tiện lợi và không đòi hỏi chi phí quá lớn, không cần đào tạo và trả lương cho phi công.

Lợi ích tiếp theo mà bưu chính mang lại cho xã hội từ cuộc cách mạng này là vấn đề bảo vệ môi trường. Hệ thống bưu chính vận hành tiết kiệm điện năng bằng các thiết bị giảm thiểu tiêu thụ năng lượng như sử dụng hệ thống đèn LED; giảm thiểu khí thải bằng việc sử dụng xe điện trong quá trình phát hàng.

Tiếp nữa là việc chia sẻ dữ liệu, đây là điều kiện tiên quyết để cung cấp dịch vụ số, đơn giản hóa quy trình, thay đổi mô hình tổ chức, cách thức cung cấp dịch vụ. Chính nhờ sự chia sẻ dữ liệu bưu chính mang đến sự cải thiện giá trị bưu chính trong nền kinh tế số, giảm lãng phí nhân công, góp phần trách nhiệm với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại đáng kể do lượng cacbon thải ra. Sự chuyển đổi từ bưu chính truyền thống sang bưu chính điện tử nhờ ứng dụng các công nghệ phần mềm máy tính và các tiện ích như: hộp thư bưu chính điện tử, chuyển tiền điện tử, hóa đơn điện tử…

Trong tương lai, bưu chính có thể mở rộng phạm vi khách hàng sử dụng không chỉ trong khuôn khổ quốc gia và phát triển trên phạm vi toàn cầu dựa trên việc quản lý khách hàng số và các giao dịch số. Công nghệ mới giúp quyền lợi của khách hàng bưu chính được bảo đảm và chất lượng dịch vụ nâng cao hơn. Nhờ sự kết nối thông tin đa chiều mà khách hàng có thể thay đổi nhu cầu một cách linh hoạt. Chẳng hạn như, thay đổi địa điểm phát hay trì hoãn việc giao hàng vào thời điểm thích hợp.

Hoạt động của DN bưu chính

Thị trường bưu chính là thị trường toàn cầu, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia ngày càng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trong môi trường kinh doanh mới, DN bưu chính có nhiều khách hàng mới với nhiều nhu cầu mới cần đáp ứng. Điều này cũng tạo ra môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu ở mức độ hiện đại và quy mô DN mà ở đó, công nghệ là vũ khí lợi hại cho các DN dẫn đầu.

Giá trị bưu chính được xác định là “chuỗi giá trị” hay “chuỗi cung ứng”, bao hàm thiết bị hiện đại, quy trình vận hành, điện toán đám mây. DN bưu chính sử dụng công nghệ trong quản lý nhân lực, quản trị quan hệ khách hàng, quản lý chuỗi cung ứng. Mỗi DN bưu chính vận hành hệ thống mang tính độc lập với bí mật kinh doanh riêng. Điều này có thể thấy rõ ở các khía cạnh quy trình, thiết bị, nhân lực, uy tín thông qua hình ảnh DN và sự cảm nhận dịch vụ của khách hàng. Công nghệ thể hiện ở sự khác biệt trong quy trình chia chọn và phát.

666.jpg
(Ảnh minh họa)

Qua đó, thấy rõ tốc độ xử lý đơn hàng ở mức độ tự động hóa cao của mỗi DN. Phát triển hệ thống tự động hóa tiến tới sử dụng các thiết bị ứng dụng công nghệ cao như máy bay không người lái, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ chưa từng có trước đó.

Xu hướng vận chuyển các bưu kiện tăng lên đối với bưu chính toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì thế, các DN bưu chính hoạt động tại Việt Nam tập trung khai thác khía cạnh này một cách mạnh mẽ. DN đẩy mạnh đầu tư vào việc mở rộng năng lực phân loại và tự động hóa mạng lưới để đáp ứng tăng trưởng về lưu lượng giao hàng TMĐT và cải thiện hơn nữa thời gian giao hàng.

Vì thế, DN cũng đặt ra yêu cầu về chế độ bảo quản, phương thức vận chuyển và cách thức giao hàng lên mức độ cao hơn. DN bưu chính bắt nhịp nhanh với TMĐT bằng cách liên kết với các sàn thương mại, mở rộng phạm vi và khối lượng giao hàng, cam kết chất lượng và thời gian chuyển phát.

Trong thị trường bưu kiện, cạnh tranh vẫn diễn ra rất mạnh mẽ khi các DN chuyển phát bưu chính tiếp tục cạnh tranh để giành được hợp đồng mới. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ điện tử lớn ngày càng đầu tư vào mạng lưới hậu cần để tối đa hóa lợi nhuận và khẳng định thương hiệu mạnh. Ngoài ra, những công ty mới tham gia thị trường cũng đang tìm cách tăng thị phần trên thị trường giao hàng chặng cuối.

buu-chinh.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

Tại Việt Nam, năm 2021, TMĐT giữa DN với cá nhân (B2C) tăng trưởng khoảng 16% - 17%, đạt mốc 13,7 tỷ USD, chiếm gần 6% tổng mức tiêu dùng hàng hóa cả nước. DN còn khẳng định thương hiệu và vị thế bằng cách chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống logistics như dịch vụ kho vận, vận chuyển với chi phí thấp, và đặc biệt là giao hàng chặng cuối.

Dịch vụ logistics đang phát triển mạnh bằng cách có sự liên kết các hãng tư nhân trong việc chuyển phát, gia tăng lợi ích dịch vụ và chia sẻ tài nguyên của các bên. Quan hệ bưu chính ngày càng được mở rộng, chất lượng chuyển phát ngày càng được cải thiện. Trong khi đó, sự chuyển dịch khối lượng từ thư sang bưu kiện cũng sẽ tiếp tục đòi hỏi các nhà khai thác bưu chính phải đổi mới và cung cấp các dịch vụ giao hàng nhanh chóng, đáng tin cậy, thuận tiện và giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mặt khác, mức độ cạnh tranh cao làm cho các DN bưu chính khó tăng giá, doanh thu sụt giảm và mức độ chi phí tăng tại các vùng nông thôn. Khách hàng ngày càng mong đợi các DN bưu chính áp dụng đồng giá cho kiện hàng trong khoảng khối lượng rộng hơn với chi phí thấp hơn. Đây cũng là một thách thức đối với DN trong việc tính toán giữa khu vực thành thị và nông thôn để đảm bảo thuận tiện cho người dùng, tăng tính cạnh tranh và có lợi nhuận.

Một số DN bưu chính đối mặt với chi phí cố định cao về nhà cửa, hệ thống thiết bị và phương tiện vận chuyển cũ, lực lượng lao động đông dẫn đến số lượng dôi dư khi ứng dụng robot và dây chuyền tự động hóa chia chọn; tình trạng các DN lợi dụng chính sách giảm giá, khuyến mại, chiết khấu để cung cấp dịch vụ bưu chính với giá thấp, thậm chí dưới giá thành, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.

Báo cáo Tổng kết công tác năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, doanh thu dịch vụ toàn ngành bưu chính năm 2022 ước đạt 52.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2021, vượt khoảng 2,5% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hai “cánh chim đầu đàn” của ngành bưu chính sẽ thấy sự suy giảm về doanh thu và lợi nhuận.

Tại Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), năm 2022 đạt doanh thu khoảng 24.426 tỷ đồng, chỉ bằng 73,1% kế hoạch mà Bộ TT&TT giao và bằng 93,7% thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của VNPost dự kiến cả năm 2022 đạt 550 tỷ đồng, bằng 91,7% kế hoạch Bộ TT&TT giao và bằng 86,9% thực hiện năm 2021.

Còn tại Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), năm 2022 đạt tổng doanh thu khoảng 21.235 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 389,44 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, Viettel Post ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.452 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 295,89 tỷ đồng.

Các DN bưu chính Việt còn phải đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng thị trường của các công ty chuyển phát xuyên biên giới không ngừng mở rộng đại lý nhượng quyền, đầu tư hạ tầng, giảm giá vận chuyển dưới giá thành để cạnh tranh giành thị phần.

Về lưu lượng bưu chính thế giới, theo dữ liệu báo cáo của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) năm 2022: mức độ vận chuyển hàng hóa toàn cầu giai đoạn từ năm 2019 đến 2021: khối lượng bưu kiện tăng 33,6%, khối lượng thư giảm 13,6% (thay thế điện tử là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm lưu lượng thư truyền thống). Dự báo xu hướng tăng của khối lượng bưu kiện trung bình là 7,5%/năm cho các năm tiếp theo.

Theo kết quả báo cáo sơ bộ được Hiệp hội Bưu chính Quốc tế (IPC) công bố, các nhà khai thác bưu chính trên toàn thế giới đã chứng kiến doanh thu tăng trưởng trung bình 3,8% trong năm 2021, so với mức tăng 1,4% vào năm 2020. Có thể thấy, các DN bưu chính đang phải nỗ lực đầu tư để nâng cao chất lượng, hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh của khoa học, công nghệ trong đời sống xã hội./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Sự vận động của thị trường bưu chính và các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO