Truyền thông

Hiệu quả truyền thông về giao thông đường bộ trên mạng xã hội

TS. Trần Thị Hòa, Trần Thị Diễm My - Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng 10/11/2023 13:45

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và sự bùng nổ của truyền thông xã hội hiện nay, bên cạnh báo chí và các kênh truyền thống, hiện đã có thêm kênh mới có thể tham gia vào hoạt động thông tin về giao thông đường bộ và tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ: Đó chính là các mạng xã hội.

Tóm tắt:

- Nội dung trên mạng xã hội chủ yếu:

+ Hướng dẫn luật giao thông đường bộ.

+ Thông tin về tai nạn giao thông.

- Phần lớn công chúng có quan tâm thông tin trên mạng xã hội về các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, công chúng mong đợi những thông tin tích cực hơn, chất lượng hơn.

- Mạng xã hội không tạo ra hiệu quả truyền thông cao như kỳ vọng

Nhu cầu truyền thông về các quy định pháp luật giao thông đường bộ

Việc nắm được các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật này có ý nghĩa rất quan trọng. Luật Giao thông đường bộ ra đời cùng các văn bản dưới luật đã thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến đến với người dân thông qua nhiều hình thức như báo chí [1], tuyên truyền trực tiếp trên các tuyến đường thông qua các bandroll, hoặc thông qua giáo dục trực tiếp tại trường học… Điều 7 Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội nước ta thông qua năm 2008 có quy định “Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân”.

Nhu cầu truyền thông về các quy định pháp luật giao thông đường bộ

Việc nắm được các quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật này có ý nghĩa rất quan trọng. Luật Giao thông đường bộ ra đời cùng các văn bản dưới luật đã thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến đến với người dân thông qua nhiều hình thức như báo chí [1], tuyên truyền trực tiếp trên các tuyến đường thông qua các bandroll, hoặc thông qua giáo dục trực tiếp tại trường học… Điều 7 Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội nước ta thông qua năm 2008 có quy định “Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân”.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và sự bùng nổ của truyền thông xã hội hiện nay, bên cạnh báo chí và các kênh truyền thống, hiện đã có thêm kênh mới có thể tham gia vào hoạt động thông tin về giao thông đường bộ và tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ: đó chính là các mạng xã hội (MXH).

Vậy MXH có hiệu quả như thế nào trong thông tin, tuyên truyền về các quy định pháp luật giao thông đường bộ? Nghiên cứu này được thực hiện để bước đầu tìm hiểu mức độ hiệu quả tác động của những thông tin liên quan đến pháp luật giao thông đường bộ được đăng tải trên MXH đối với công chúng truyền thông, từ đó đưa ra một số gợi ý về nâng cao chất lượng của thông tin MXH về vấn đề này.

Nghiên cứu thực tế hiệu quả truyền thông của MXH trong vấn đề thông tin, tuyên truyền về các quy định pháp luật giao thông đường bộ

Tại Việt Nam hiện nay, với sự phổ biến của điện thoại thông minh và sự phổ cập của dịch vụ Internet, việc sử dụng MXH đã trở thành thói quen phổ biến của nhiều người dân. Các MXH như Facebook, Zalo… thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Cuộc khảo sát trên 308 công chúng truyền thông ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được thực hiện trong tháng 5 năm 2023 cho thấy mức độ phổ biến của MXH và những MXH đang được sử dụng phổ biến hiện nay. 95% người được hỏi cho biết họ có sử dụng MXH, trong khi chỉ có thiểu số 5% không sử dụng các nền tảng này.

Dữ liệu thu được cho thấy trong số những người có sử dụng MXH, hơn 88% sử dụng Facebook, hơn 77% sử dụng Zalo, hơn 76% sử dụng YouTube, hơn 67% sử dụng TikTok và hơn 43% sử dụng Instagram. Những MXH phổ biến nhất được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp là: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok, Instagram.

h1.jpg
Hình 1. Biểu đồ thể hiện những mạng xã hội được ưa chuộng nhất.

Với khả năng chuyển tải thông tin phong phú của mình, MXH là một trong những kênh cung cấp cho công chúng những thông tin liên quan đến nội dung và việc thực hiện các quy định của luật giao thông đường bộ. Ví dụ, các MXH YouTube, TikTok hiện có nhiều video clip dạy lái xe ô tô và xe mô tô, dạy về luật giao thông đường bộ. Những clip này được thực hiện bởi các cơ sở đào tạo lái xe, các giáo viên dạy lái xe, hoặc của những cá nhân, tổ chức có kiến thức, kỹ năng và muốn chia sẻ với mọi người hiểu biết, kinh nghiệm trong việc lái xe ô tô, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy… Bên cạnh đó, còn có nhiều video clip giới thiệu về quy tắc lái xe, quy tắc giao thông ở nước ngoài mà người lái xe Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi nếu có nhu cầu.

Có thể nói MXH YouTube là một kho kiến thức về luật giao thông mà công chúng có thể khai thác miễn phí vào bất kì thời điểm nào mà họ muốn. YouTube là nền tảng nơi mà các chương trình livestream, các video clip được đăng tải có thể được sử dụng như những lớp học online cho những người có nhu cầu tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ. MXH TikTok cũng có các phòng livestream của các giáo viên dạy lái xe ô tô. Những phòng này chuyên hướng dẫn về Luật Giao thông đường bộ để giúp các học viên lái xe học Luật Giao thông hoặc ôn tập phục vụ các kì thi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Một buổi livestream dạy 600 câu hỏi ôn thi Luật Giao thông đường bộ hoặc 120 tình huống mô phỏng giao thông có thể thu hút đến trên 200 người xem và nhiều lượt like, follow. Những buổi livestream đều đặn hàng ngày này sẽ có khả năng phục vụ nhu cầu thông tin, học tập Luật Giao thông đường bộ của nhiều người có nhu cầu từ khắp nơi trên cả nước.

Như vậy, MXH cung cấp các lớp học online về pháp luật giao thông giúp kết nối cộng đồng người học lái xe và phục vụ nhu cầu học tập cho đông đảo công chúng trên toàn quốc, thậm chí cả ở nước ngoài. Đây là một ưu thế lớn mà MXH có được trong thông tin về pháp luật giao thông đường bộ.

Ngoài ra, trên mạng TikTok cũng có đăng tải các clip ngắn dạy về các quy tắc tham gia giao thông, các clip hướng dẫn về ý nghĩa của các biển báo giao thông… Đây cũng là nguồn tham khảo khá tốt dành cho những người đang có nhu cầu quan tâm tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ. Sự ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và gần gũi của những clip này giúp cho việc tiếp thu kiến thức của người học luật giao thông được thuận lợi và dễ dàng, giúp cho họ gia tăng hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 308 công chúng truyền thông [2] ở Đà Nẵng và Quảng Nam cũng cho thấy những nội dung thông tin về giao thông đường bộ mà công chúng thường tiếp cận trên MXH như hình 2:

h2.jpg

Từ biểu đồ trên cho thấy: nội dung thông tin về giao thông được quan tâm hàng đầu trên MXH chính là nội dung hướng dẫn luật giao thông, dạy lái xe, với hơn 57% số người được hỏi cho biết về sự tiếp cận với nội dung này. Đây là nội dung rất thiết thực, bổ ích. Tiếp đến là nội dung tin tức về tai nạn giao thông, với hơn 42% số người được hỏi thể hiện sự chú ý. Trên thực tế, tin tức từ các vụ tai nạn cũng gián tiếp cung cấp cho công chúng thông tin về các vi phạm luật giao thông và những bài học, kinh nghiệm rút ra cho mọi người trong việc tuân thủ pháp luật về giao thông.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy hơn 91% người được hỏi cho biết họ có học về Luật Giao thông đường bộ qua Internet hoặc MXH. Khoảng gần 50% người được hỏi đã từng tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ qua 2 MXH là Facebook và YouTube. Với MXH TikTok, hơn 50% số người được hỏi đã từng lướt thấy clip hoặc livestream về giao thông và có sự quan tâm với những clip này. Mạng Facebook được đánh giá là hữu ích nhất trong việc cung cấp thông tin, giúp tìm hiểu về các quy định giao thông đường bộ.

Những số liệu trình bày trên đây cho thấy các nội dung thông tin trên MXH về giao thông có xuất hiện và thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, khi được hỏi về một quy định cụ thể là tốc độ tối đa dành cho một loại phương tiện giao thông rất phổ biến ở Việt Nam là xe mô tô, thì có tới hơn 68% người trả lời là không biết, một số khác đưa ra câu trả lời chưa chính xác.

Sự mâu thuẫn giữa một bên là mức độ tiếp cận MXH khá cao và thông tin về pháp luật giao thông đường bộ được đăng tải trên MXH dồi dào với một bên là sự chưa nắm vững hoàn toàn quy định pháp luật về một vấn đề rất cơ bản trong giao thông đường bộ trong công chúng truyền thông tham gia khảo sát cho thấy hiệu quả tác động của MXH trong việc tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ hiện nay chưa thực sự sâu sắc.

Bên cạnh đó, công chúng được phỏng vấn cũng đưa ra một số góp ý hoặc ý kiến cá nhân đối với việc đăng tải thông tin về giao thông trên MXH.

- Cần đăng tải, tuyên truyền nhiều clip về an toàn giao thông thật ý nghĩa trên các trang MXH.

- Nên tham gia tìm hiểu kỹ càng luật giao thông, để trở thành một người công dân tham gia giao thông an toàn, cẩn thận.

- Các trang MXH nên đầu tư hơn về những thông tin có ích. Không nên đưa quá nhiều thông tin liên quan đến tai nạn. Nếu có đưa thì có thể lồng ghép, kết hợp những bài học về Luật cho người xem biết hơn.

- Cần hạn chế những tin về tai nạn giao thông trên Facebook.

- Hiện tại MXH có nhiều tin tiêu cực về giao thông.

Tác động của các bài đăng trên MXH về các quy định pháp luật giao thông đường bộ

Kết quả khảo sát thể hiện trên biểu đồ dưới đây cho thấy các bài đăng trên MXH với nội dung về giao thông đường bộ có khả năng gây tò mò với gần 60% công chúng được hỏi, gây cảm giác thích thú và bổ ích với trên 35% công chúng được hỏi, nhưng cũng có tới hơn 13% công chúng không cảm thấy có tác động về cảm giác từ các bài đăng và hơn 12% cho rằng các bài đăng không đáp ứng được nhu cầu thông tin của họ về vấn đề tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ.

h3.jpg
Hình 3. Tác động của các thông tin về giao thông đường bộ đăng trên MXH đối với công chúng tham gia khảo sát.

Về hình thức thể hiện: Kết quả phân tích khảo sát cho thấy hơn 50% công chúng thích các bài đăng/post ngắn, trong khi chưa đến 50% khác thích post dài về pháp luật trên MXH. Hình ảnh và âm nhạc chính là yếu tố thu hút mạnh của các post.

Khảo sát cũng cho thấy hơn 65% công chúng được hỏi cho rằng các bài đăng có ý nghĩa, trong khi trên 19% công chúng chỉ xem cho vui, các post không có tác động đến nhận thức, thái độ và hành động của họ trong tham gia giao thông đường bộ. Khoảng trên 18% bỏ qua các bài liên quan hoặc đơn giản không bao giờ gặp các bài liên quan đến nội dung này.

h4.jpg

Tuy nhiên, hơn 85% công chúng cho rằng MXH là kênh phù hợp để đăng tải các nội dung thông tin về quy định pháp luật giao thông và tin tưởng ở hiệu quả của các post, trong khi hơn 14% cho rằng MXH không phù hợp với việc đăng tải nội dung này và không bày tỏ sự tin tưởng ở hiệu quả của các post. Khảo sát sơ bộ cho thấy một bộ phận khá lớn công chúng có quan tâm, hứng thú và có sự tiếp cận, chú ý đến thông tin trên MXH về các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, họ mong đợi những thông tin có tính chất tích cực hơn, được thanh lọc hơn, được tăng cường chất lượng, và người tạo ra và đăng tải nội dung cần chú ý đến vấn đề chất lượng hình ảnh và âm thanh của các bài đăng tải.

h5.jpg

Kết luận

Như vậy, nghiên cứu thực tiễn cho thấy MXH hiện nay đã có sự tham gia vào quá trình tuyên truyền kiến thức về các quy định pháp luật giao thông đường bộ. MXH là nguồn cung cấp thông tin khá dồi dào, phong phú về quy định pháp luật giao thông đường bộ, tạo sự tiện lợi lớn cho người có nhu cầu tiếp cận thông tin, song nội dung thông tin cần có sự sàng lọc và định hướng phù hợp hơn, hướng về kiến thức hơn là đi quá nhiều hay quá sâu vào những yếu tố giật gân, tiêu cực, bi đát như các vụ tai nạn thảm khốc.

Khảo sát cũng cho thấy hiệu quả tác động của MXH trong vấn đề này chưa cao, tương ứng với quan điểm của thuyết Truyền thông có hiệu quả thấp nhất. Kết quả khảo sát cho thấy MXH được sử dụng để tìm hiểu về luật giao thông nhằm phục vụ nhu cầu của người dân (như học luật để thi lấy bằng lái xe). Kết quả này tương thích với quan điểm của thuyết Sử dụng và thỏa mãn về hiệu quả truyền thông, nhấn mạnh các công chúng truyền thông thực hiện hoạt động truyền thông để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy hiệu quả truyền thông của MXH không cao lắm mặc dù nội dung thông tin về pháp luật giao thông đường bộ trên MXH khá dồi dào và phong phú.

Với hiện trạng như vậy, MXH có thể được sử dụng như một trong những kênh để cung cấp thông tin về Luật Giao thông đường bộ cho người dân, song cần có sự can thiệp chủ động để nâng cao chất lượng, độ lôi cuốn, hấp dẫn của những nội dung này trên MXH để người dân tiếp cận. Cũng không nên chỉ trông đợi vào MXH mà vẫn cần phải tích cực sử dụng những kênh truyền thống như giáo dục trực tiếp tại nhà trường, phổ biến thông tin thông qua báo chí, bandroll treo trực tiếp trên các tuyến đường… để tuyên truyền, phổ biến về Luật Giao thông đường bộ nhằm đạt hiệu quả cao.

Nghiên cứu sơ bộ ban đầu này cũng gợi ý cho chúng ta thấy: có khả năng tác động của MXH đối với công chúng không cao như chúng ta vẫn tưởng, và để kiểm chứng giả thuyết này thì cần thực hiện thêm những nghiên cứu đo lường hiệu quả của MXH một cách chính xác trước khi đưa ra kết luận về hiệu quả tác động của MXH đối với công chúng về các vấn đề trong đời sống. Theo mô hình tương tác qua lại giữa hiệu quả truyền thông và hoạt động truyền thông đã được trình bày trong phần lý thuyết của bài viết này, hiệu quả truyền thông sẽ tác động ngược trở lại đối với hoạt động truyền thông. Nếu hiệu quả truyền thông còn thấp thì khả năng hoạt động truyền thông được tiếp tục thúc đẩy phát triển có thể bị hạn chế.

Vì vậy, các MXH muốn phát triển và thu hút được nhiều sự yêu thích, ủng hộ của xã hội thì cần phải tăng cường hiệu quả truyền thông của các sản phẩm truyền thông được đăng tải, nghĩa là phải tăng cường chất lượng của các hoạt động truyền thông trên MXH cả về nội dung và hình thức.

Trong lĩnh vực thông tin về pháp luật giao thông đường bộ, MXH cần đem lại cho công chúng những thông tin bổ ích, thiết thực, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng để góp phần trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết về giao thông đường bộ, giúp mọi người tham gia giao thông ngày càng an toàn, thông suốt, hiệu quả và thoải mái hơn, góp phần vào sự ổn định và phát triển của xã hội. Nếu MXH làm được điều này, vị trí, vai trò, sức thu hút và ảnh hưởng lành mạnh của các MXH đối với công chúng và xã hội sẽ ngày càng được tăng cường./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Ví dụ, kênh VOV Giao thông, chương trình 5 phút hôm nay của VTV1, mục Xe của báo điện tử VnExpress… có nhiều nội dung tuyên truyền, thông tin về các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

[2]. Công chúng truyền thông tham gia khảo sát bao gồm các nhóm từ độ tuổi cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên đại học, cho đến đội tuổi đi làm, trong đó có cả những người chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải như những người làm nghề lái xe.

1. Cổng thông tin điện tử Chính phủ VGP, Luật Giao thông đường bộ, chinhphu.vn, https://vanban.chinhphu.vn/def....
aspx?pageid=27160&docid=81140 xem ngày 14/5/2023.

2. Trần Hữu Luyến, Trần Thị Minh Đức & Bùi Thị Hồng Thái (2015), Mạng xã hội với sinh viên, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.

3. Trần Thị Hòa (2021), Lý thuyết truyền thông, NXB Đà Nẵng.

4. Vinney, C. (2019), What is Uses and Gratifications Theory? Definition and Examples, ThoughtCo., https:// www.thoughtco.com/uses-and-gra... characterizes%20people,for%20selecting%20different%20 media%20options,accessed 14 May 2023.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả truyền thông về giao thông đường bộ trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO