Nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Các DN cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Những năm qua, Nhà nước rất ưu tiên và tạo nhiều thuận lợi cho DN trong lĩnh vực này, nhiều DN là cầu nối để ngành xuất khẩu lao động nước ta ngày một phát triển. Nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với NLĐ và DN; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Theo đó, khi đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đầy đủ (DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng đóng góp 150.000 đồng/NLĐ/hợp đồng vào Quỹ), DN dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ khai thác, phát triển và ổn định thị trường lao động ngoài nước. Cụ thể, DN được tham gia các hoạt động khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng và ổn định thị trường lao động ngoài nước, tham gia khảo sát, đánh giá thị trường đang tiếp nhận lao động Việt Nam do Bộ LĐTB&XH và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, được hỗ trợ tiền vé máy bay khứ hồi cho 01 nhân viên của DN theo chi phí thực tế nhưng tối đa bằng giá vé hạng phổ thông của hãng hàng không có khai thác hoặc liên kết khai thác chuyến bay từ Việt Nam đến quốc gia, vùng lãnh thổ công tác. Ngoài ra, DN cũng được hỗ trợ giải quyết rủi ro liên quan đến NLĐ và hỗ trợ chi phí đưa thi hài, di hài của NLĐ bị chết về nước.
Bên cạnh những DN chấp hành tốt quy định, pháp luật của nhà nước, cũng có một số DN đã bất chấp mọi thủ đoạn để có được nguồn lao động, để phục vụ cho đơn hàng của mình. Những hành vi vi phạm này đã làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu bị phát hiện các vi phạm trên thì các DN sẽ bị Thanh tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về hoạt động NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhất là Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn;
Tiếp tục công tác ổn định thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
Tăng cường quản lý hoạt động của DN dịch vụ nhằm giảm cạnh tranh không lành mạnh, thu phí cao, thu phí ngoài quy định. Tăng cường thẩm định cấp phép cho các DN đủ điều kiện, năng lực tham gia hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, và có cơ chế quản lý đối với các địa bàn rủi ro cao, một số ngành nghề không khuyến khích theo từng thời điểm; Tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Đồng thời, tăng cường kết nối chương trình phối hợp giữa DN với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ đi làm việc ở nước ngoài; Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với DN, với nhu cầu của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Tiếp tục chuyển mạnh sang hướng đặt hàng đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đầu ra, liên kết với DN, từng bước kết hợp chuyển đổi DN thành nhà trường thứ hai để cùng phối hợp; Gắn chiến lược tạo việc làm ngoài nước với các chương trình quốc gia về giáo dục nghề nghiệp./.