Chuyển động ICT

Hoa Kỳ, Anh, EU ký kết công ước quốc tế đầu tiên về khung tiêu chuẩn AI

Tâm An 11:45 06/09/2024

Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc pháp lý về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đặt ra khuôn khổ pháp lý bao trùm toàn bộ vòng đời của các hệ thống AI và giải quyết những rủi ro mà chúng có thể gây ra, đồng thời thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm.

ai-image-1024x684.jpg

Ngày 5/9, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Công ước khung về AI của Hội đồng châu Âu. Văn kiện này đã được trên 50 quốc gia soạn thảo trong hơn 2 năm, trong đó có Australia, Canada, Israel, và Nhật Bản.

Công ước AI chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ quyền con người của những người bị ảnh hưởng bởi các hệ thống AI và tách biệt với Đạo luật AI của EU, có hiệu lực vào tháng trước. Đạo luật AI của EU bao gồm các quy định toàn diện về phát triển, triển khai và sử dụng các hệ thống AI trong thị trường nội bộ EU.

Bộ trưởng Tư pháp Anh Shabana Mahmood cho biết trong một tuyên bố, AI có khả năng cải thiện đáng kể các dịch vụ công và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng phải áp dụng mà không ảnh hưởng đến các quyền cơ bản của con người.

Bà nhấn mạnh công ước này là một bước tiến lớn để đảm bảo rằng những công nghệ mới này có thể được khai thác mà không làm xói mòn các giá trị lâu đời nhất, như nhân quyền và pháp quyền.

Công ước nêu rõ rằng các hệ thống AI phải tuân thủ một bộ nguyên tắc bao gồm: bảo vệ dữ liệu cá nhân; không phân biệt đối xử; phát triển an toàn; và đảm bảo phẩm giá con người. Do đó, các chính phủ được kỳ vọng sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ như ngăn chặn thông tin sai lệch do AI tạo ra và ngăn chặn các hệ thống được đào tạo trên dữ liệu thiên vị, có thể dẫn đến các quyết định sai lầm trong một số tình huống như đơn xin việc hoặc phúc lợi.

Hội đồng châu Âu, được thành lập năm 1949, là một tổ chức quốc tế khác với EU với nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền; có 46 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Theo thỏa thuận, các bên ký kết có thể lựa chọn áp dụng hoặc duy trì các biện pháp lập pháp, hành chính hoặc các biện pháp khác để thực hiện các điều khoản.

Bên cạnh EU, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, hiệp ước cũng được Andorra, Georgia, Iceland, Na Uy, Moldova, San Marino và Israel ký kết.

Những nước tham gia đàm phán hiệp ước này còn có Argentina, Úc, Canada, Costa Rica, Vatican, Nhật Bản, Mexico, Peru và Uruguay.

Các quốc gia trên toàn thế giới đều có đủ điều kiện tham gia và cam kết tuân thủ các điều khoản của công ước.

Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Marija Pejcinovic Buric nhấn mạnh: "Chúng ta phải đảm bảo rằng sự phát triển của AI sẽ duy trì các tiêu chuẩn của chúng ta, thay vì làm suy yếu chúng".

Bà cho biết văn kiện này là một "hiệp ước mở có khả năng áp dụng trên toàn cầu" và kêu gọi nhiều quốc gia hơn nữa tham gia ký kết và các quốc gia đã ký thì nhanh chóng phê chuẩn hiệp ước./.

Theo Reuters, TheGuardian
Copy Link
Bài liên quan
  • Chiến lược AI nào cho các nhà khai thác mạng viễn thông?
    Các nhà mạng đang nắm giữ một kho dữ liệu khổng lồ nhưng chưa được sử dụng đúng mức. Việc ứng dụng AI sẽ biến nguồn dữ liệu này thành mảnh đất màu mỡ để phát triển các dịch vụ mới, nâng cao chất lượng của các dịch vụ hiện có, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và hợp lý hóa hoạt động kinh doanh
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hoa Kỳ, Anh, EU ký kết công ước quốc tế đầu tiên về khung tiêu chuẩn AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO