Chuyển động ICT

Học viện Công nghệ BCVT khẳng định chất lượng và vị thế trong đào tạo sau đại học

Lê Thị Hồng Yến 13/05/2024 06:15

Đứng trước sự thay đổi của công nghệ kỹ thuật và quản lý, đặc biệt sự ảnh hưởng của công nghệ số đến đào tạo, Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang từng bước tận dụng những điểm khác biệt và thế mạnh của nhà trường trong chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo sau đạị học.

"Thương hiệu" PTIT trong đào tạo sau đại học

Với đội ngũ các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, PTIT đã đào tạo hàng trăm tiến sĩ, hàng ngàn thạc sĩ thuộc các lĩnh vực Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) và Quản trị kinh doanh (QTKD) cho đất nước.

Hơn 25 năm đào tạo sau đại học ở trình độ tiến sĩ và thạc sĩ của PTIT, đó là một phần lịch sử thành công trong suốt chặng đường xây dựng phát triển của Nhà trường. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, mỗi năm Học viện tuyển sinh và đào tạo khoảng 150 - 200 Thạc sĩ thuộc các ngành Kỹ thuật Viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin và QTKD, 10 - 25 Tiến sĩ thuộc các ngành: Kỹ thuật Viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Hệ thống thông tin và Quản trị kinh doanh.

Những học viên, nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp ra trường đã đóng góp một phần nguồn nhân lực trình độ cao trong ngành TT&TT, ngành An ninh, Quốc phòng và các ngành kinh tế xã hội khác của đất nước. Phần lớn trong số họ đã trở thành các cán bộ khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều doanh nhân thành đạt, lãnh đạo các doanh nghiệp CNTT-TT và qua đó góp phần khẳng định vị thế cũng như thương hiệu của PTIT trong hoạt động đào tạo sau đại học.

Có được những kết quả trên là nhờ sự chú trọng thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Học viện.

le-tot-nghiep-sau-dh-2024.jpg

Đối với đào tạo thạc sĩ, trước hết là việc thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp dạy và học; cập nhật các kiến thức mới về khoa học công nghệ và quản lý phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; gắn nội dung các đề tài luận văn với các nhiệm vụ nghiên cứu của đơn vị chuyên môn, giúp người học dễ dàng thực hiện và tự tin khi đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong đơn vị.

Chất lượng đào tạo trình độ thạc sĩ tại Học viện phải đáp ứng cả 3 tiêu chí về: kiến thức, về kỹ năng, về năng lực tự chủ và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định đối với mỗi chuyên ngành đào tạo.

Đối với đào tạo tiến sĩ, quốc tế hóa đào tạo tiến sĩ và áp dụng các chuẩn của Việt Nam, khu vực và quốc tế đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng, tập trung vào tăng số lượng công bố quốc tế của nghiên cứu sinh và người hướng dẫn được coi là minh chứng cho chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Học viện.

Các nghiên cứu sinh của Học viện cần phải tham gia vào quá trình nghiên cứu của mình tại các Lab chuyên sâu của Học viện, phù hợp với đề tài nghiên cứu như: Lab Học máy và ứng dụng, Lab An toàn thông tin, Lab Blockchain, Lab tính toán thông minh cho phát triển bền vững, Lab Viễn thông FPT, Lab Samsung, Lab 4G Viettel, Lab AI NAVER (nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu đa phương tiện), Lab Kinh tế số, Lab Bưu chính số (PTiT Post X)…

Đến nay, 100% các luận án tiến sĩ tại Học viện đều là các công trình khoa học không những đóng góp vào kho tri thức mới của nhân loại, đồng thời mang lại các ứng dụng thiết thực trong thực tiễn của các chuyên ngành đào tạo.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học

Trong giai đoạn hiện nay, quá trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam nói chung và Học viện nói riêng gặp không ít những khó khăn thách thức, khi yêu cầu từ xã hội ngày càng cao về chất lượng; đa phần nghiên cứu sinh trong điều kiện vừa công tác ở đơn vị vừa tham gia nghiên cứu thực hiện luận án nên thời gian hoàn thành luận án thường kéo dài; nguồn lực dành cho đào tạo tiến sĩ vẫn còn khoảng cách xa so với các nước phát triển.

Để giải quyết vấn đề trên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tại Học viện, trong thời gian qua, Giám đốc Học viện PGS.TS. Đặng Hoài Bắc, đã chỉ đạo Khoa Đào tạo Sau đại học và các đơn vị có liên quan trong Học viện thực hiện một loạt các giải pháp cho chương trình phát triển đào tạo sau đại học “trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”.

Theo đó, đầu tiên, Khoa phải đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng trang bị các kiến thức nền tảng vững chắc, đồng thời phát triển năng lực thực hành và khả năng thích ứng với môi trường quốc tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ người hướng dẫn; bố trí các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ của Học viện có nhiều công bố khoa học quốc tế, đồng thời mời các nhà khoa học trong nước và quốc tế có uy tín tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo sau đại học của Học viện.

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ đào tạo mới, đặc biệt là những thành quả chuyển đổi số của Học viện trong thời gian qua, ứng dụng AI bổ trợ kiến thức nền cho người học; đổi mới hoạt động giảng dạy kết hợp hình thức online và offline; thúc đẩy quá trình tự học qua nghiên cứu, sáng tạo và trải nghiệm. Nghiên cứu sinh phải tham gia vào các nhóm nghiên cứu, báo cáo kết quả nghiên cứu tại các hội nghị, hội thảo khoa học như một yêu cầu bắt buộc để có thêm nhiều góc nhìn trong nghiên cứu và công khai đề tài nghiên cứu của mình.

Thứ tư, Học viện tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm thực hành chuyên sâu, học liệu điện tử.. đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trang bị thêm các phòng Lab nghiên cứu mới, trong chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với Học viện ví dụ Lab nghiên cứu chế tạo Vi mạch điện tử, Lab nghiên cứu chuyên sâu về Báo chí truyền thông; Lab về dữ liệu và hệ thống thông minh… nhằm tăng cường tiềm lực nghiên cứu trong những lĩnh vực này.

Đồng thời tạo ra môi trường năng động, thúc đẩy và phát huy hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng sản phẩm đầu ra nghiên cứu rõ ràng, trong đó có các bài báo khoa học uy tín, sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng, bằng độc quyền sáng chế và các giải pháp hữu ích. Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác quốc tế về Khoa học công nghệ và cũng là nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học của Học viện.

Bằng các giải pháp trên, Học viện tin tưởng trong thời gian không xa chất lượng đạo tạo sau đại học của Học viện sẽ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Học viện Công nghệ BCVT khẳng định chất lượng và vị thế trong đào tạo sau đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO