Các hãng truyền thông ở Đức và Áo đã bày tỏ sự quan tâm tới việc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến hành Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 qua hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Việt Nam.
Tin từ báo Junge Welt (Thế giới trẻ) của Đức ngày 27/6 cho biết trọng tâm của hội nghị là tìm kiếm những giải pháp để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như vấn đề tăng cường hợp tác với các đối tác. Ban đầu, các nhà lãnh đạo ASEAN dự định tiến hành hội nghị từ 6-9/4 ở thành phố Đà Nẵng, song đã phải hoãn lại do dịch bệnh.
Theo báo Đức, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng hội nghị là cơ hội để tái khẳng định tình đoàn kết, ý chí chính trị và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN vượt lên khó khăn thách thức, vững vàng tiến về phía trước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh và cần tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19 một cách hiệu quả.
Thủ tướng cũng tuyên bố rằng ASEAN sẽ mở rộng và tăng cường hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với các đối tác, khẳng định ASEAN cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trước đó, báo Junge Welt cũng đưa tin về việc chuẩn bị tiến hành trực tuyến Hội nghị Cấp cao ASEAN dưới sự chủ trì của Việt Nam. Bài báo cho biết 10 quốc gia thành viên với trên 660 triệu người sinh sống đến nay đã "chiến đấu" với virus SARS-CoV-2 thành công hơn nhiều so với châu Âu, song cũng chịu những hậu quả về kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Theo bài báo, việc ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand có thể ký kết RCEP vào cuối năm nay sẽ góp phần giúp ASEAN sớm vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.
Trang tin Salzburger Nachrichten (Tin tức Salzburg) của Áo trước đó cũng thông tin về việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN. Bài báo dẫn thông tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam đề cập ba trọng tâm của Hội nghị, gồm ứng phó với đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị và nâng cao các quyền cho phụ nữ./.