Huawei rơi vào thế “thập diện mai phục”
Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất đứng thứ hai toàn cầu về điện thoại thông minh. Doanh thu năm 2018 của Huawei dự kiến sẽ vượt quá 100 tỷ USD.
Các lãnh đạo tình báo phương Tây tin rằng sự thống lĩnh thị trường của Huawei cũng như mối quan hệ của tập đoàn này với chính phủ Trung Quốc là một rủi ro an ninh. Mới đây, Mỹ, Australia, New Zealand và Nhật Bản đều đã hạn chế sử dụng công nghệ Huawei, ngăn các công ty viễn thông sử dụng thiết bị Huawei cho mạng di động 5G.
Tại Anh, Huawei phải cam kết chi 2 tỉ USD để sửa chữa lỗ hổng an ninh mà Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh lo sợ có thể bị khai thác để thu thập dữ liệu và do thám. Lời hứa hẹn được đưa ra sau một cuộc họp gay gắt với các quan chức Anh.
Vào ngày 01/12/2018, chính quyền Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), Giám đốc tài chính của Huawei, theo yêu cầu của Mỹ (với cáo buộc bà giúp Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt đối với Iran) đã đặt ra nhiều vấn đề mới cho Huawei. Hãng này tiếp tục chịu áp lực ở hai thị trường quan trọng tại châu Âu sau khi đối mặt với một loạt vấn đề trên toàn thế giới kể từ vụ bắt giữ này.
Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt giữ tại Canada
Công ty viễn thông Orange đã loại trừ việc sử dụng các sản phẩm của Huawei trong mạng 5G của mình tại Pháp, trong khi đóhãng viễn thông Deutsche Telekom của Đức cũng cho biết đang xem xét lại việc mua thiết bị Huawei. Deutsche Telekom (DTEGY) cho biết họ đang thảo luận "rất nghiêm túc" về tính bảo mật của các thiết bị mạng từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Doanh nghiệp điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông Trung Quốc phải đối mặt với sự giám sát gia tăng ở Mỹ và các quốc gia khác, nơi các quan chức đã cảnh báo về những rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn khi sử dụng các sản phẩm của Huawei.
Trước đó, SoftBank cho biết có thể sẽ bỏ thiết bị Huawei. Tập đoàn viễn thông Anh BT tuyên bố họ sẽ không mua thiết bị Huawei cho lõi của mạng không dây 5G.
Tại thị trường Mỹ, Huawei gần như đã bị "cấm cửa". Các nghị sĩ và các quan chức chính phủ nước này chỉ trích và cáo buộc Huawei hoạt động dưới ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc.
Các cơ quan an ninh đặc biệt lo lắng về sự tham gia của Huawei vào mạng 5G trong tương lai vì sự gia tăng của các thiết bị được kết nối, nhà thông minh và Internet vạn vật.
“Lửa” và “khói”
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu và những khó khăn mà Huawei đang gặp phải cũng là tình trạng chung mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đối mặt. Bên cạnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì cũng có những lý do khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại.
Có quá nhiều cuộc tấn công mạng xuất phát từ các địa chỉ IP tại Trung Quốc. Đặc biệt, thông tin Trung Quốc lấy trộm dữ liệu từ trụ sở Liên minh châu Phi (AU) tại Ethiopia, thông qua hệ thống máy tính mà Bắc Kinh giúp lắp đặt càng khiến các quốc gia lo ngại nhiều hơn.
Tờ Le Monde của Pháp cho biết các dữ liệu từ trụ sở AU tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, đã bị chuyển về các máy chủ ở Bắc Kinh trong suốt 5 năm trước khi bị phát hiện. Trụ sở này được xây dựng theo yêu cầu của AU với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. Tháng 1/2012, trụ sở AU mới tại Addis Ababa được xây dựng và trang bị phương tiện kỹ thuật của Trung Quốc đi vào hoạt động. Tòa nhà 20 tầng trị giá 200 triệu USD này cùng với các tòa nhà khác trong khuôn viên được gọi là “quà của Trung Quốc cho châu Phi”.
Trụ sở Liên minh châu Phi
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc được cho là nỗ lực giành ảnh hưởng ở châu Phi bằng việc đầu tư các dự án kinh tế quy mô lớn ở khu vực. Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của châu Phi với khoản tiền cho vay lên tới 136 tỉ USD kể từ năm 2000.
Những tháng gần đây, Đức, Pháp, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Úc, Nhật và Canada đồng loạt gia nhập chiến dịch phản kháng toàn cầu chống lại nguồn vốn Trung Quốc, với lý do chủ yếu là lo ngại an ninh.
Ảnh trên trang Bloomberg Businessweek
Hồi tháng 8, chính phủ Đức lần đầu tiên phủ quyết thương vụ thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc. Vì lý do an ninh quốc gia, Berlin đã ngăn chặn đề xuất từ công ty sản xuất thiết bị hạt nhân Yantai Taihai của Trung Quốc nhằm mua lại Leifeld Metal Spinning - một doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hạt nhân và hàng không vũ trụ của Đức. Nền kinh tế số 1 châu Âu đã bắt đầu soạn thảo dự luật kiểm soát đầu tư sau hàng loạt thương vụ thâu tóm đình đám của Trung Quốc, bao gồm thương vụ 5 tỉ USD mua lại Kuka (nhà sản xuất robot đầu ngành của Đức) vào năm 2016.
Lo ngại "cơn khát" của Bắc Kinh với những công nghệ tiên tiến, năm 2017, chính phủ Đức cũng sửa luật để tăng quyền của chính phủ trong việc giới hạn nhà đầu tư nước ngoài sở hữu không quá 25% cổ phần trong các doanh nghiệp thuộc công nghiệp hạ tầng quan trọng. Cũng vì lý do an ninh, hồi tháng 5/2018, Canada đóng băng thương vụ Công ty Xây dựng Viễn thông của Trung Quốc muốn mua lại công ty xây dựng Aecon của nước này.
Trấn an dư luận
Trước tình thế khó khăn này, Huawei mới đây đã có hành động nhằm trấn an dư luận và khẳng định “hồ sơ bảo mật sạch sẽ suốt 30 năm”. Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Ken Hu đã tổ chức một cuộc họp báo với 22 hãng thông tấn, báo chí hàng đầu từ Mỹ, Châu Âu và Châu Á (trong đó có Financial Times, CNN, CNBC, Fortune, Nikkei…) tại khuôn viên mới của công ty này ở thành phố Đông Quản - Trung Quốc vào ngày 18/12/2018.
Các nhà báo đã đến thăm quan các phòng labs R&D, nơi trưng bày và giới thiệu các vật liệu và công nghệ quản lý nhiệt được phát triển cho thiết bị 5G, cũng như một phòng thí nghiệm an ninh mạng độc lập.
Ông Ken Hu,Chủ tịch luân phiên của Huawei, trả lời báo chí
Tại cuộc họp báo, ông Ken Hu đã nhấn mạnh nhiều lần khẳng định tính bảo mật của công ty: “Chúng tôi có một bộ hồ sơ sạch sẽ”. Ông Hu lưu ý rằng không có sự cố an ninh mạng nghiêm trọng nào xảy ra trong 30 năm qua với công ty.
Ông Hu đã trả lời về việc xây dựng các trung tâm đánh giá an ninh mạng ở những nơi như Mỹ và Úc, tương tự như các trung tâm ở Anh, Canada và Đức được thiết kế để trực tiếp xác định, giải quyết và giảm thiểu các mối quan ngại. Huawei đã phải chịu sự đánh giá và sàng lọc nghiêm ngặt nhất của các nhà quản lý và khách hàng, đồng thời bày tỏ sự thông cảm và thấu hiểu về những lo ngại chính đáng mà một số bên liên quan có thể có.
“Không có bằng chứng nào cho thấy thiết bị Huawei gây ra mối đe dọa bảo mật”, ông Ken Hu khẳng định và kêu gọi các chính phủ ban hành lệnh cấm đối với thiết bị Trung Quốc đưa ra bằng chứng về các mối đe dọa an ninh bị cáo buộc.
Ông Hu cũng khoe rằng, Công ty đang nhắm mục tiêu kỷ lục 100 tỷ USD tổng doanh thu trong năm nay và đã có hơn 25 hợp đồng 5G thương mại, cung cấp hơn 10.000 trạm gốc 5G. Huawei có kế hoạch ra mắt một trung tâm bảo mật tại Brussels (Bỉ) vào quý 1 năm 2019 như một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm mở rộng hợp tác với các chính phủ khác trên thế giới, như Canada và Vương quốc Anh. Ngoài ra, công ty sẽ đầu tư 2 tỷ USD trong 5 năm tới để cải thiện các quy trình kỹ thuật phần mềm để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Một số nhà báo đã hỏi về vụ việc liên quan đến CFO của Huawei, bà Mạch Vãn Châu. Ông Hu cho biết ông không thể bình luận do các quy trình pháp lý đang được tiến hành, nhưng ông chia sẻ rằng hoạt động kinh doanh không bị ảnh hưởng bởi sự kiện này.
Các kế hoạch đi công tác của các lãnh đạo công ty không bị ảnh hưởng và Huawei vẫn rất tự tin về hệ thống tuân thủ thương mại của mình, hoạt động từ năm 2007. Công ty tin tưởng vào sự công bằng và độc lập của các hệ thống tư pháp ở Canada và Mỹ.
Được biết, bà Mạch Vãn Châu đã được tại ngoại tại Canada nhưng đang phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý kéo dài trước việc dẫn độ về Mỹ, nơi các công tố viên cáo buộc bà giúp Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt đối với Iran. Huawei khẳng định rằng cả bà Mạch Vãn Châu lẫn công ty đều không vi phạm luật pháp hoặc gây ra bất cứ rủi ro an ninh nào.