Hướng đến mục tiêu 50 triệu người dùng, MoMo bắt đầu "lấn sân" sang lĩnh vực tài chính

NK| 19/07/2021 10:27
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 19/7, Ví MoMo chính thức ra mắt nhóm dịch vụ "MoMo Tài chính". Đây được cho là một nước đi hợp lý cho giai đoạn tiếp theo của MoMo sau nhiều năm "đốt tiền" để thu hút người dùng thông qua khuyến mãi.

Mang dịch vụ tài chính đến gần hơn với người dân

Kết hợp cùng các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính uy tín, "MoMo Tài chính" cung cấp các dịch vụ tài chính theo tiêu chí "4 Không" bao gồm: Không thủ tục phiền toái, Không chờ đợi, Không giấy tờ, Không tốn phí.

Nhóm dịch vụ "MoMo Tài chính" được tích hợp ngay trên ứng dụng như một siêu thị tài chính dành cho người Việt với sự thấu hiểu sâu sắc về thói quen và nhu cầu của họ.

MoMo Tài chính cung cấp toàn bộ các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - thuộc phạm vi Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đang được Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện phát triển.

Thay vì trực tiếp làm việc với các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính, giờ đây chỉ với ứng dụng MoMo trên chiếc điện thoại di động, người dân đều có thể sử dụng toàn bộ các dịch vụ tài chính hiện đại mà không có rào cản nào. MoMo là nền tảng công nghệ giúp kết nối nhanh, đơn giản giữa hơn 25 triệu người dùng với các dịch vụ của Ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm trong nước.

Với tiêu chí "4 Không", người dùng MoMo chỉ mất khoảng từ 1 - 3 phút là có thể thực hiện các thủ tục vay nhanh, chi tiêu trước - trả tiền sau, đầu tư, thanh toán hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, mua các sản phẩm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm du lịch,… nhanh gọn và tiện lợi.

Với "MoMo Tài chính 4 Không", những băn khoăn lo lắng của người dùng như quên thanh toán khoản vay tín dụng, hợp đồng bảo hiểm, hay việc kê khai giấy tờ, thu nhập khi vay tiền,... đều được giải quyết thấu đáo, đơn giản và thuận tiện.

Hiện tại các dịch vụ được tích hợp trên "MoMo Tài chính" bao gồm Thanh toán khoản vay/thẻ tín dụng, Thanh toán phí bảo hiểm, Mua bảo hiểm, Bảo hiểm xe máy bắt buộc, Đầu tư, Ví Trả Sau, Vay tiền mặt, Quản lý hóa đơn.

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, Đồng sáng lập Ví MoMo chia sẻ: "Không chỉ là câu chuyện về công nghệ hay nền tảng, mà đây là nỗ lực của MoMo nhằm mang các dịch vụ tài chính đến gần với đông đảo người tiêu dùng bình dân, giúp họ có thể quản lý tài chính cá nhân một cách dễ dàng với chi phí thấp, nhanh chóng vượt qua những khó khăn trước mắt".

"Đo ni đóng giày"  để phù hợp với nhu cầu người dùng Việt

Cũng theo ông Diệp, trên thực tế, những người có thu nhập trung bình trở xuống thường khá lúng túng khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính dù là đơn giản nhất như thanh toán các khoản vay đến hạn, hay tìm kiếm một khoản vay nhỏ cho nhu cầu tiêu dùng tức thời. Những tờ khai về thu nhập (trong khi không phải nguồn thu nhập nào cũng được trả qua tài khoản ngân hàng), thông tin người thân, hay các bản photo công chứng giấy tờ… là rào cản không nhỏ. 

Để giải quyết vấn đề này, "Cần một cách tiếp cận đơn giản, dễ dàng - điều mà chỉ có công nghệ mới có thể làm được", ông Diệp chia sẻ thêm về "con đường" của MoMo Tài chính 4 Không.

Hơn 10 năm qua, MoMo không ngừng đầu tư phát triển công nghệ với hơn 500 kỹ sư được đào tạo bài bản, có bề dày kinh nghiệm từ các doanh nghiệp (DN) công nghệ trong và ngoài nước. MoMo vừa mua toàn bộ công nghệ lõi của Pique - công ty về trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu Việt Nam. Việc hiểu khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng đang được MoMo thúc đẩy mạnh mẽ với chiến lược AI-first để theo đuổi mục tiêu khách hàng là đầu tiên (Customer first) là tạo ra “Những người dùng hạnh phúc” (Happy Users). 

Về việc ra mắt và tập trung phát triển nhóm dịch vụ MoMo Tài chính, ông Nguyễn Bá Diệp khẳng định: "Các hoạt động liên quan đến tài chính là một phần quan trọng và có tác động lớn đến cuộc sống của một người hiện đại. Việc bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ tài chính - hay còn gọi là tài chính toàn diện - do vậy càng trở nên một nhu cầu cấp thiết. MoMo Tài chính 4 Không là một phần trong nỗ lực của MoMo và các đối tác cung cấp dịch vụ tài chính trong việc đưa các giải pháp tài chính thông minh, hiện đại đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Mỗi dịch vụ đều đã được "đo ni đóng giày" để phù hợp với các nhu cầu, mong muốn của người Việt".

MoMo bắt đầu

Báo cáo "Ứng dụng di động" của Appota phát hành mới đây cho thấy, MoMo đang là ví điện tử có đông người dùng và được nhiều người biết đến nhất.

MoMo đang đi nhanh hơn các ví điện tử khác

Chia sẻ trong thương vụ nhận đầu tư Series D đầu năm 2021, MoMo cho biết, nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo, nhằm phục vụ hàng chục triệu người dùng và đối tác kinh doanh tại Việt Nam, và ra mắt "Quỹ đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo" (MoMo Innovation Ventures) nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo phát triển và tìm được thị trường thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng rộng lớn MoMo.

Đồng thời, để hướng đến mục tiêu 50 triệu người dùng trong 2 năm tới, đại diện MoMo khi đó cũng đã tiết lộ sẽ bắt tay với các Ngân hàng để cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp cho người dùng ví điện tử. 

Như vậy, có thể thấy, trong khi các ví điện tử khác vẫn đang tiếp tục loay hoay đốt tiền để dành thị phần thì MoMo đang đi nhanh hơn để chuyển sang giai đoạn kế tiếp của thị trường Fintech Việt Nam. 

Theo chuyên gia trong lĩnh vực ví điện tử, khi ví điện tử có lượng người dùng ổn định, chiếm một thị phần đủ lớn, có tiếng nói khi đám phán với các đối tác để đưa các dịch vụ tài chính vào ứng dụng của mình. Khi đó, các ví điện tử sẽ giảm dần các chương trình khuyến mại để "educate" người sử dụng, thay vào đó là việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu, trải nghiệm thân thiện với người dùng… 

Như với hơn 20 triệu người dùng của MoMo, chỉ cần 10% trong số đó cash in/cash out (nạp tiền/rút tiền), tiêu dùng 500.000 mỗi tháng/người là đã đủ để họ chuyển sang giai đoạn tiếp theo thay vì tiếp tục đưa ra các chương trình khuyến mại như giai đoạn đầu.

Giai đoạn tiếp theo các ví điện tử sẽ dần đưa các dịch vụ tài chính vào để dòng tiền được luân chuyển qua đó, thay vì hệ thống của ngân hàng. Từ đó, ví điện tử sẽ có được data (dữ liệu) nhất định để "chấm điểm" thông qua thói quen thanh toán của người dùng. 

"Khi người dùng hình thành thói quen, giữ tiền ở ngân hàng, còn tiêu dùng ở ví điện tử thì lượng giao dịch trên các nền tảng trung gian thanh toán sẽ rất lớn, giống như câu chuyện ở Trung Quốc. Khi đó, các ví điện tử sẽ có vị thế rất lớn và có nhiều bài toán để kiếm tiền hơn so với hiện nay", vị chuyên gia này chia sẻ. 

Báo cáo "Ứng dụng di động" của Appota phát hành mới đây cho thấy, trong số các ví điện tử tại Việt Nam, các ví điện tử MoMo, ViettelPay và ZaloPay đang là 3 ví điện tử có đông người sử dụng nhất. Trong đó, nếu như MoMo khẳng định vững chãi ở ngôi vị dẫn đầu thì ViettelPay và ZaloPay đang có sự cạnh tranh gay gắt về vị trí số 2 ở số lượt tải./.

Bài liên quan
  • AI chuyển đổi lĩnh vực tài chính, ngân hàng như thế nào?
    Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa toàn diện lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng, bảo vệ chống lại gian lận và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến mục tiêu 50 triệu người dùng, MoMo bắt đầu "lấn sân" sang lĩnh vực tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO