Hướng tới chuyển đổi AI, Rạng Đông tiên phong bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình
Sau 5 năm tiến hành chuyển đổi số từ năm 2020 - 2024 thành công, để thích ứng với thời kỳ mới Rạng Đông đã chính thức khởi động hành trình mới từ chuyển đổi số tới chuyển đổi kép: số (AI) và xanh, từng bước xác lập phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại giai đoạn 2025 - 2030.

Từ chuyển đổi số tới chuyển đổi kép, chuyển đổi AI
Cách đây 60 năm, ngày 28/4/1964 Bác Hồ về thăm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Bác căn dặn CBCNV Nhà máy: “Tổ chức thật tốt bộ máy quản lý và đội ngũ những người làm công tác khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là ý thức giai cấp là lương tâm và trách nhiệm của các cô các chú…”.
Lời dạy của Bác Hồ về sứ mệnh, về nhiệm vụ của doanh nghiệp (DN) không ngừng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, là di sản quý báu đối với công ty. 60 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Rạng Đông đã xây dựng con đường phát triển của mình bằng khoa học công nghệ (KHCN) - đổi mới sáng tạo (ĐMST) và sự tử tế.
Từ ngày 02/5/2024 Rạng Đông đã bước vào khởi điểm lịch sử mới, nhằm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 66/NQ-CP triển khai về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, với mục tiêu 2030 Rạng Đông trở thành doanh nghiệp dân tộc - công nghệ cao, thuộc Top 120 DN có doanh thu tỷ đô, thu nhập bình quân 2.000 USD/người/tháng.
Mới đây, trong Lễ phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS)” sáng 24/4, do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vinh dự được nhắc tên là DN điển hình tiên tiến, được chiếu video biểu dương ngay tại Hội nghị. Đây không chỉ là một sự ghi nhận đáng tự hào mà còn là minh chứng sống động cho con đường mà Rạng Đông đã lựa chọn. Trên hành trình ấy, Rạng Đông đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ số, IoT, AI vào sản xuất - nâng cao năng suất, chất lượng, đồng thời phát triển những sản phẩm, dịch vụ đột phá, khác biệt trên thị trường.

Chia sẻ tại sự kiện Ngày hội sáng tạo Rạng Đông Techday 11 diễn ra ngày 26/4, PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Chuyên gia tư vấn trưởng CĐS Rạng Đông, cho biết lộ trình CĐS của Rạng Đông đến 2025 được chia làm 3 giai đoạn, tương ứng với 3 vòng lặp và 6 chuyển đổi lớn.
Vòng lặp 1 - giai đoạn 2020 - 2021 (Khởi động, bắt đầu): Số hóa một số quy trình hiện có, thực hiện số hóa riêng lẻ, tập trung vào các trụ cột chính như sản xuất, phát triển thị trường, truyền thông - marketing và hoạt động nghiệp vụ vận hành.
Vòng lặp 2 - giai đoạn 2022 - 2023 (Hình thành - CĐS ở vòng lặp cao hơn): Đồng bộ các module riêng lẻ, kết nối các quy trình; triển khai, đưa vào vận hành các ứng dụng di động (DMS, CRM).
Vòng lặp 3 - giai đoạn 2024 - 2025 (Hình thành DN thực - số): Thực hiện đồng bộ hóa từng phần mở rộng tiến tới đồng bộ hoá toàn phần; xây dựng, kết nối, khai thác dữ liệu trên một nền tảng CSDL thống nhất.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Rạng Đông đã vững vàng vượt qua những con sóng lớn trong giai đoạn hiện nay với 6 chuyển đổi lớn.
Một là DN đã tìm được con đường CĐS của riêng mình. Sau khi nghiên cứu nhiều kinh nghiệm quốc tế, Rạng Đông đã lựa chọn phương pháp luận ST 2-3-5 (2 nguyên lý, 3 cặp nguyên tắc, 5 vấn đề trong CĐS DN) làm kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình CĐS; củng cố lý luận phát triển, chuyển đổi thành công các vòng lặp trong chiến lược CĐS.
Hai là triển khai thành công Chiến lược thương mại hoá hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I-4.0*. Rạng Đông xác định lấy công nghệ chiếu sáng làm trung tâm để hình thành vùng công nghệ chiến lược, từ đó mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ, giúp Rạng Đông mở rộng không gian tăng trưởng mới (nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh).
Ba là CĐS hai xưởng sản xuất điện tử và thuỷ tinh- phích nước, thực hiện: Sản xuất xanh - thông minh - linh hoạt - quản lý chất lượng tin cậy, thực hiện tự động hoá, robot hoá và AI hoá.
Bốn là chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hình ống với nhiều khâu trung gian sang mô hình kinh doanh số (DBM).
Năm là chuyển đổi mô hình tổ chức điều hành song song với việc đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ thông qua công tác thực tiễn, chuẩn bị tiền đề về nhân lực đưa Rạng đông bước vào kỷ nguyên mới.
Sáu là làm sâu sắc hơn bản sắc văn hoá "Rạng Đông Anh hùng và có Bác Hồ", đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng con người Rạng Đông mới.
"Sau 5 năm tiến hành CĐS từ năm 2020 đến năm 2024 thành công, để thích ứng với thời kỳ mới Rạng Đông tiến hành chuyển đổi kép: số và xanh. CĐS trong giai đoạn này ở vòng lặp cao hơn: chuyển đổi AI và là phương thức để thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh", PGS. TS Nguyễn Văn Minh cho biết.
Rạng Đông trong kỷ nguyên vươn mình bứt phá
Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xác lập phương thức sản xuất tiên tiến hiện đại, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 về “Đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS chuyển đổi số quốc gia” trở thành động lực chủ yếu cho kỷ nguyên vươn mình bứt phá của Rạng Đông.
Đặc biệt, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 đã chỉ ra con đường thực hiện mô hình tăng trưởng mới bằng KHCN nhằm xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến - hiện đại: Phương thức sản xuất số, đưa dân tộc vào kỷ nguyên vươn mình. Rạng Đông đã đề ra 7 đột phá chiến lược, trong đó đột phá thứ 7 với nội dung 3 đề án nghiên cứu KHCN nhằm tập trung mọi nguồn lực làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ chiến lược, kết hợp sáng tạo tinh hoa với sáng tạo đại chúng, hiện đại hóa công nghiệp sản xuất và tổ chức thúc đẩy mô hình kinh doanh DBM nhằm thương mại hóa các tri thức mới - kết quả của các đề án nghiên cứu khoa học công nghệ.
Đề án KH&CN số 01: “Tập trung mọi nguồn lực, làm chủ công nghệ chiến lược, hiện đại hóa công nghiệp sản xuất nhằm thương mại hóa thành công các sản phẩm tri thức trong kỷ nguyên Rạng Đông vươn mình bứt phá”.
Đề án KH&CN số 02: “Rạng Đông xây dựng công nghệ chiến lược - Tích hợp IoT và AI trong lĩnh vực chiếu sáng LED - năng lượng mặt trời và hệ thống điện mặt trời áp mái”.
Đề án KH&CN số 03: “Phân tích hiện trạng ứng dụng các công cụ AI đã triển khai trong công ty (2020 - 2024); xây dựng chương trình nghiên cứu ứng dụng bổ sung các công cụ AI có tính hướng đích, hệ thống và nền tảng trong năm 2025 nhằm tăng năng suất lao động, tái thiết lập các quy trình tạo giá trị mới ở các chuỗi hoạt động trọng yếu”.
Trong 3 đề án nghiên cứu KHCN mà công ty đang triển khai, mục tiêu không chỉ đơn thuần là nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, mà còn nhằm biến các kết quả nghiên cứu này thành sản phẩm thực tiễn, thương mại hóa ra thị trường. Điều này sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới, giúp công ty không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn gia tăng giá trị từ các sản phẩm tri thức, công nghệ, sáng tạo.
Tuy nhiên, xác lập phương thức sản xuất tiên tiến và hiện đại từ một DN sản xuất truyền thống như Rạng Đông là một thử thách vô cùng lớn, đặc biệt trong bối cảnh biến động môi trường và thị trường ngày càng phức tạp và gay gắt như hiện nay.
Để đổi mới và thích nghi với những thách thức này, mỗi người Rạng Đông đều phải tiến lên phía trước, với tinh thần đổi mới không ngừng. Tư duy và hành động đổi mới ấy chính là cách mà mỗi thành viên Rạng Đông cụ thể hóa tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi”.
Trong phương thức sản xuất mới, lực lượng sản xuất Rạng Đông không chỉ mang trong mình 6T truyền thống: Tận tâm - Tận lực - Tự giác - Tự tin - Tự trọng - Trung thực mà còn được bồi đắp thêm 3T mới trong thời đại số: Tiên phong - Trách nhiệm - Thông minh. Đây là hình mẫu con người hiện đại, vừa có bản lĩnh, vừa có khát vọng cống hiến vì sự phát triển bền vững của DN và đất nước.
Nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, trợ lý ảo và nền tảng số, sức mạnh của con người Rạng Đông được gia tăng gấp bội. Chính họ là lực lượng sản xuất chủ đạo trong các đột phá chiến lược, đóng vai trò trung tâm trong mọi hoạt động ĐMST, CĐS và hiện đại hóa sản xuất. Con người Rạng Đông mang trong mình phẩm chất đạo đức, tinh thần văn hóa DN và lòng yêu nước sâu sắc. Càng trong gian khó, họ càng nỗ lực vươn lên, không ngừng sáng tạo và đổi mới để thích ứng và dẫn đầu trong bối cảnh mới.

"Trong phương thức sản xuất ấy có sự kết hợp hài hoà giữa con người và AI, dữ liệu trở thành phương thức sản xuất chủ yếu, càng sử dụng dữ liệu thì càng tạo thêm giá trị mới", ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết.
Song song với yếu tố con người là công cụ sản xuất hiện đại: Xây dựng sản xuất xanh thông minh linh hoạt quản lý chất lượng tin cậy, hiện đại hóa công nghiệp sản xuất: tự động hóa, robot hóa, AI hóa, hướng đến xây dựng phương thức sản xuất mới - tiên tiến, hiện đại, số và xanh.
Trong môi trường số, Rạng Đông đã xây dựng được bản sao số ánh xạ đầy đủ hoạt động của thế giới vật lý, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, bán hàng. Trên bản sao số ấy, việc điều hành sản xuất thông minh và linh hoạt trở thành hiện thực, đặc biệt quan trọng với danh mục sản phẩm cực kỳ phong phú: hơn 800 model phích nước, 4.000 - 5.000 model đèn LED, đòi hỏi phải cá thể hóa và tổ chức sản xuất tối ưu.
Những thành tựu mang tính đột phá được triển khai đồng bộ trong thời gian qua là kết quả đầu tiên của năm mở đầu hành trình kiến tạo phương thức sản xuất tiên tiến hiện đại, phương thức sản xuất số và xanh trong kỷ nguyên vươn mình bứt phá của Rạng Đông. Thực chất đây là quá trình tái cấu trúc toàn diện công ty nhằm thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn, việc duy trì được hoạt động của công ty đã khó; vì vậy, dù mới ở giai đoạn khởi đầu, những kết quả này vẫn rất đáng được ghi nhận và trân trọng.
Tại sự kiện, GS. TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: "DN nào cũng làm việc với tinh thần của Rạng Đông thì khó mấy, thách thức mấy thì ý tưởng về một kỷ nguyên phát triển vươn mình không phải là một khát vọng mà là một mục tiêu. Thành công của Rạng Đông không chỉ mang lại quyền lợi thiết thực cho Rạng Đông mà còn của góp phần thiết thực vào thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước"./.