Truyền thông

Hướng tới mô hình truyền thông nhằm hạn chế bạo lực trên cơ sở giới

Khánh Ny, Lê Nguyễn Thảo Ny, Trần Ngọc Giáng Hương, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng 12/04/2025 15:30

Bạo lực trên cơ sở giới là một vấn đề tồn tại nhức nhối và dai dẳng trong xã hội loài người, đã gây bao đau khổ, tổn thương và thiệt hại cho nhiều người, kể cả trực tiếp và gián tiếp.

Tóm tắt:
- Bạo lực trên cơ sở giới (BLCSG) là một vấn đề nghiêm trọng, gây tổn thương về thể chất, tinh thần và xã hội cho nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và các nhóm yếu thế.
- Các hình thức bạo lực: thể chất, tinh thần, tình dục, ngôn ngữ, bạo lực gia đình, bạo lực trên mạng... với nguyên nhân từ bất bình đẳng giới tự nhiên và xã hội.
- Thực trạng bạo lực: BLCSG vẫn phổ biến dù có nhiều nỗ lực can thiệp. Số liệu cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực vẫn cao, nhiều nạn nhân không dám lên tiếng.
- Nguyên nhân chính: Định kiến giới, bất bình đẳng xã hội, tâm lý gia trưởng, thiếu hiểu biết pháp luật, sự chấp nhận của nạn nhân, và các hành vi lạm dụng, bóc lột phụ nữ.
- Vai trò của truyền thông: Hiện nay, truyền thông chủ yếu phản ánh hiện trạng mà chưa tập trung nhiều vào hướng dẫn phòng tránh bạo lực.
- Đề xuất mô hình truyền thông 4 tầng:
+ Tầng 1: Giáo dục, cung cấp kiến thức về giới và phòng tránh bạo lực.
+ Tầng 2: Hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, lựa chọn bạn đời, ứng xử giới.
+ Tầng 3: Tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật về BLCSG.
+ Tầng 4: Định hướng, hỗ trợ chính sách, đóng góp cho điều chỉnh luật pháp.
- Kết luận: Truyền thông có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hỗ trợ phòng ngừa và từng bước đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới trong xã hội.

Chính vì vậy, xã hội phát triển, văn minh và tiến bộ cần hướng đến tìm các biện pháp để phòng ngừa, hạn chế và dần tiến tới xóa bỏ các hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Một trong những công cụ quan trọng có thể được sử dụng để thực hiện mục tiêu này chính là ứng dụng truyền thông.

Bài viết này phân tích một số khía cạnh mang tính bản chất của bạo lực trên cơ sở giới và đưa ra đề xuất ứng dụng truyền thông vào công cuộc phòng chống hiện tượng này bằng cách xây dựng một mô hình truyền thông hướng tới giúp làm giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong xã hội. Mô hình truyền thông 4 tầng này nhấn mạnh vai trò giáo dục, cung cấp thông tin của truyền thông nhằm gia tăng sức mạnh nội tại của những nhóm giới yếu thế, từ đó hạn chế nguy cơ bị bạo lực giới trong các môi trường gia đình, nơi làm việc, cộng đồng và cả không gian mạng.

truyen-thong-han-che.png

Bạo lực và bạo lực trên cơ sở giới

Bạo lực là hiện tượng tồn tại phổ biến trong xã hội loài người. Khi nói đến bạo lực thì có thể hiểu đó là cơ bản nói về hành động và có ít nhất 2 thành phần liên quan trong loại hành động bạo lực: đối tượng sử dụng bạo lực và đối tượng chịu bạo lực. Bạo lực được sử dụng như công cụ buộc một bên phải có sự thay đổi theo ý đồ hoặc mục đích của bên kia, hoặc để thỏa mãn ý đồ, mục đích của người sử dụng bạo lực.

Bạo lực có thể là sự tương tác (có đáp trả qua lại) hoặc cũng có thể là một chiều (với những đối tượng chịu bạo lưc là kẻ yếu thế hoặc yếu hơn đối tượng sử dụng bạo lực và không có khả năng đáp trả). Khi nói đến bạo lực thì nó liên quan trực tiếp đến hành vi bạo lực, tác động vào con người trên nhiều phương diện khác nhau như thể chất, tâm lý... Hình thức thể hiện phổ biến của bạo lực là các cuộc chiến tranh, xung đột hoặc là các trận đánh nhau, cãi vã, các vụ bạo hành, cưỡng bức...

Bạo lực gây nên sự tổn thất, đau khổ, tổn thương, đặc biệt là cho bên bị bạo lực. Bên cạnh đó, có những thành phần tuy không tham gia trực tiếp vào bạo lực nhưng cũng có thể chịu thiệt hại do hoạt động bạo lực gây ra. Ví dụ, đứa trẻ chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ đối diện nguy cơ tổn thương tinh thần. Do đó, một xã hội văn minh, tiến bộ và nhân văn cần tìm cách hạn chế và tiến đến loại bỏ bạo lực, sử dụng các biện pháp thay thế khác để tạo nên sự thay đổi cần thiết mà không gây những tổn thương, đau khổ cho những con người vô tội.

Bạo lực có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Bạo lực có thể diễn ra về mặt thể chất, tinh thần, tâm lý, ngôn từ. Người ta đã nói nhiều đến chiến tranh, những kẻ phạm tội cướp giật, bạo lực gia đình…

Trong thời đại 4.0, đã xuất hiện một hình thức mới của bạo lực – đó chính là bạo lực mạng. Một trong những dạng bạo lực truyền thống chính là bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là nhắm vào nữ giới – nhóm người được coi là “chân yếu tay mềm” trong xã hội. Đặc biệt, thời đại số đang tạo điều kiện cho bạo lực mạng có cơ hội nhằm vào nhiều nhóm người, trong đó có những nhóm giới yếu thế như bé gái, phụ nữ. Sự kết hợp của bạo lực mạng và bạo lực trên cơ sở giới càng làm cho vấn đề trở nên phức tạp, nặng nề, có khả năng gây tổn thương lớn hơn với những nạn nhân của nó.

Để thực hiện được hành vi bạo lực thì cần có sức mạnh và công cụ để tác động đến đối tượng. Do đó, bạo lực thường gắn với bên có sức mạnh, quyền lực, có điều kiện và phương tiện để thực hiện hành vi bạo lực, và sự tồn tại của bên yếu thế, yếu sức, không có quyền hoặc thiếu quyền, thiếu công cụ và phương tiện sẽ dễ dẫn đến tạo điều kiện cho sự thực hiện hành vi bạo lực, khiến nó dễ dàng diễn ra.

Bạo lực thường không tự nhiên bùng phát mà thường có yếu tố kích động bạo lực. Nguyên nhân sâu xa của bạo lực có thể là sự xung đột về lợi ích (ví dụ xung đột vũ trang do vấn đề lãnh thổ giữa các quốc gia hoặc các nhóm sắc tộc) hoặc sự khác biệt, mâu thuẫn về mong muốn, nhu cầu giữa các bên (một bên muốn đạt được điều gì đó từ phía bên kia trong khi bên kia từ chối cung cấp, thỏa mãn hoặc không muốn bị cưỡng ép, ví dụ như những trường hợp hiếp dâm).

Yếu tố tâm lý như tính gia trưởng, nhu cầu muốn thể hiện quyền lực giới hoặc ưu thế về giới của người nam cũng là những yếu tố cần xem xét khi tìm hiểu về nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

Một trong những loại bạo lực phổ biến và đã tồn tại lâu dài trong xã hội loài người, và cho đến nay vẫn là vấn nạn nhức nhối chính là bạo lực trên cơ sở giới. Theo nhóm tác giả bài viết này, bạo lực trên cơ sở giới là những hành động bạo lực diễn ra liên quan đến giới (chồng bạo hành vợ, nạn cưỡng bức phụ nữ, vấn nạn con trai và cha mẹ không cho con gái hưởng thừa kế trong gia đình ở một số nơi [1]…). Bạo lực giới có thể diễn ra dưới hình thức bạo lực thể chất (đánh đập), bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn ngữ, bạo lực tình dục (ví dụ như quấy rối tình dục), bạo lực gia đình…

Bạo lực giới có thể diễn ra trong khuôn khổ gia đình, trong cộng đồng (một số hủ tục hành hạ người phụ nữ ở một số khu vực trên thế giới), trên không gian mạng (ví dụ như chê bai, kì thị phụ nữ, đăng video clip vi phạm quyền riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ…)… Việc nam giới có hành động bạo lực với nữ giới đã diễn ra từ lâu và phổ biến, nhưng cũng không loại trừ chiều ngược lại của sự việc. Hoặc cũng có thể xảy ra trường hợp người thuộc giới tính thứ ba chịu bạo lực giới.

Nguyễn Thị Pha (2019) tổng hợp các quan điểm của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn UNHCR và học giả Shelah S. Blooom (2008) đã chỉ ra: “Bạo lực trên cơ sở giới là hành vi bạo lực nhằm vào một người trên cơ sở giới tính của người đó. Hành vi đó có thể là xâm hại, đe dọa xâm hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục hay tước đoạt tự do của người đó. Hành vi đó có thể xảy ra đối với cả nam, nữ hoặc giới tính khác với người xâm hại là nam, nữ hoặc giới tính khác”. Nhóm tác giả bài viết này xin bổ sung thêm: bạo lực trên cơ sở giới có thể xảy ra không chỉ với cá nhân mà còn có thể đối với một cộng đồng (cộng đồng yếu thế như phụ nữ ở một số nước bị hạn chế quyền tiếp cận giáo dục và bị hạn chế các quyền tại nơi công cộng…).

Tuy bạo lực trên cơ sở giới không chỉ là bạo lực của nam đối với nữ, nghiên cứu của Cornell (dẫn bởi Pilcher và Whelehan, 2021, tr.31) chỉ ra rằng nam giới “trội hơn trong phổ bạo lực”. Hai học giả nói trên đã đề cập đến sự bạo hành của nam giới đối với phụ nữ. Điều này không hề mới trong lịch sử xã hội loài người.

Ngày nay, xã hội đã văn minh hơn, phát triển hơn, luật pháp đã có nhiều quy định tiến bộ về bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, Nhà nước ta và nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể nhằm phòng ngừa, ứng phó nạn bạo lực trên cơ sở giới [2], song những hành vi bạo hành với phụ nữ vẫn còn xuất hiện, gây đau khổ, tổn thương cho phụ nữ và những nhóm giới yếu thế. Thông tin về những vụ án chồng đánh vợ hoặc người tình nam giới bạo hành phụ nữ thường xuyên xuất hiện trên báo chí trên thế giới, báo chí Việt Nam. Điều này đặt ra câu hỏi nhức nhối về nguyên nhân và giải pháp để hạn chế hiện tượng xã hội tiêu cực này.

Bạo lực trên cơ sở giới có thể được thể hiện đa dạng dưới các hình thức: bạo lực gia đình, tội phạm tình dục (quấy rối tình dục, bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần (đe dọa), nạn cưỡng hôn, buôn bán phụ nữ, nạn tảo hôn. Bạo lực giới có thể diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi (gia đình, công sở, cộng đồng…) và tại nhiều thời điểm trong cuộc đời con người, từ lúc trong bào thai (lựa chọn giới tính thai nhi) cho đến lúc tuổi già [3] (phụ nữ lão niên bị bạo hành…)

Pilcher và Whelehan (2021, trang 31-32) dẫn một khảo sát tiến hành ở châu Âu năm 2014 cho thấy “33% phụ nữ đã phải trải qua bạo lực thể xác hoặc tình dục, 5% bị cưỡng hiếp và 55% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục dưới một số hình thức”. Hai học giả nói trên cũng đã dẫn “dữ liệu của Cục Tư pháp tại Hoa kỳ cho thấy rằng trong năm 2010, tỉ lệ nữ giới từ 12 tuổi trở lên bị hiếp dâm hoặc tấn công tình dục là 2/1000 phụ nữ” (Pilcher và Whelehan , 2021, trang 32).

Còn tại Việt Nam, số liệu trích từ bài báo của tác giả Nhật Anh đăng trên báo Nhân dân năm 2023 cho thấy: “Theo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam lần thứ 2 năm 2019, có đến 63% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi 15-64 cho biết từng phải chịu các hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra ít nhất một lần trong đời. Một nửa trong số những phụ nữ bị bạo lực lựa chọn giữ im lặng và hơn 90% người bị bạo lực giới không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào”.

Bài báo của tác giả Linh Nguyễn (2023), đăng trên ấn phẩm Thời nay của báo Nhân dân, đã dẫn số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê cho thấy “58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời”.

Nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới

Hai học giả Pilcher và Whelehan (2021, tr.33) cho rằng bạo lực trên cơ sở giới có phần bắt nguồn từ bất bình đẳng về cấu trúc giới và cấu trúc quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế, đẩy ra bên lền những nhóm xã hội vốn đã dễ bị tổn thương. Hai học giả trích dẫn và ủng hộ quan điểm của Strid và các cộng sự (2013, tr.34), cho rằng “việc cần làm trong tương lai là đảm bảo rằng nhiều bất bình đẳng được công nhận và giải quyết, cả về mặt lý thuyết lẫn trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm cải thiện, hoặc xóa bỏ các hình thức bạo lực giới khác”.

Trên thực tế, phải nhìn nhận rõ ràng rằng bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó yếu tố bất bình đẳng tự nhiên và bất bình đẳng xã hội. Bất bình đẳng tự nhiên là người phụ nữ sinh ra thường có thể chất yếu đuối hơn nam giới, cấu trúc cơ thể dễ bị lạm dụng và tổn thương, lại đảm nhận thiên chức làm mẹ, phải mang thai, sinh nở, chăm con nên càng bị phụ thuộc hơn vào nam giới và thường ở vào thế yếu hơn những người nam giới vốn khỏe mạnh hơn về cơ bắp và thường được coi là “trụ cột gia đình” nhờ khả năng kiếm tiền nuôi sống gia đình. Do đó, phụ nữ dễ bị bạo lực, bị bắt nạt hơn nam giới.

Còn bất bình đẳng xã hội là những quan niệm, định kiến cổ hủ xem thường phụ nữ, xếp phụ nữ xuống phía dưới nam giới (“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”), tước đoạt những quyền lợi đáng có của người phụ nữ như quyền được tôn trọng, kể cả quyền được thừa kế (“Con gái lấy chồng như bát nước hắt đi”, “Nữ nhi ngoại tộc”…). Trên thế giới, tại nhiều nước châu Âu và cả Mỹ phụ nữ phải từng trải qua đấu tranh gian khổ mới được nhận những quyền cơ bản như quyền đi bầu cử. Tại châu Á hiện nay vẫn có quốc gia hạn chế phụ nữ đi học, đi ra đường giao tiếp… Những định kiến xem thường phụ nữ, mang tính “bắt nạt” phụ nữ đã tồn tại từ nhiều đời nay đặt phụ nữ vào thế yếu trong xã hội, tạo điều kiện cho bạo lực trên cơ sở giới phát sinh.

Bạo lực trên cơ sở giới còn phát sinh từ giã tâm bóc lột, lạm dụng người yếu thế của một bộ phận người xấu trong xã hội nhằm trục lợi cá nhân, thỏa mãn nhu cầu cá nhân bằng cách khai thác lợi ích ngay từ nỗi đau của những người yếu thế. Từ đây nảy sinh nhiều tệ nạn như lừa đảo buôn bán phụ nữ, cưỡng ép mại dâm, thậm chí là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Bên cạnh đó, bạo lực trên cơ sở giới càng có điều kiện phát triển khi những nạn nhân của nó chấp nhận, xem nó như việc đương nhiên và không có nỗ lực để chống trả. Cũng có trường hợp các nạn nhân vì thiếu hiểu biết, non nớt cũng bị rơi vào tai họa bạo lực trên cơ sở giới, như trường hợp lừa bắt cóc các em bé gái, dụ dỗ trẻ em gái vị thành niên…

Một nguyên nhân khác của bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ việc chưa hiểu, hoặc không tuân thủ pháp luật.

Truyền thông và vấn đề bạo lực giới

Bạo lực giới là một trong những nội dung truyền thông phổ biến. Từ lâu, chúng ta đã từng được tiếp cận những tác phẩm văn học, báo chí, nghệ thuật nổi tiếng phản ánh về vấn đề này với nhiều trăn trở và tâm tư xót xa. Ví dụ, nhiều thế hệ học sinh trung học phổ thông ở Việt Nam đã từng được học tập, tìm hiểu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu nói về nội dung bạo lực gia đình, bạo lực giới với bao trăn trở, suy tư về sự cam chịu, chấp nhận của chính người phụ nữ với bạo lực đổ lên bản thân mình. Báo chí hàng ngày đăng tải, phản ánh nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề bạo hành phụ nữ, nạn buôn người, mại dâm, bạo lực gia đình…

Phong trào Metoo gắn liền với hoạt động của mạng xã hội, tố cáo nhiều vụ lạm dụng tình dục tai tiếng trên thế giới. Có thể nói, thông qua lăng kính phản ánh của truyền thông, công chúng nhận thấy rõ hơn hiện thực của vấn đề bạo lực giới trong xã hội.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhìn chung, báo chí và truyền thông tập trung chủ yếu ở việc phản ánh hiện trạng bạo lực giới chứ chưa chú ý nhiều đến việc trang bị cho công chúng kiến thức, kĩ năng để hạn chế, phòng ngừa bạo lực giới.

Các vụ việc như đánh ghen có thể xuất hiện khá nhiều trên truyền thông, song cùng với đó cũng cần chú trọng nhiều đến nội dung hướng dẫn cho các bạn nữ cách chọn người yêu, bạn tình phù hợp, cách ứng xử giới đúng đắn để tránh những phiền phức, tai họa trong tình yêu, trong quan hệ nam nữ. Một kĩ năng quan trọng của nữ giới là cách thức giao tiếp, tiếp xúc phù hợp và hiệu quả với chồng, với bạn trai và nam giới nói chung để giảm nguy cơ bị bạo hành là nội dung cần được giới truyền thông quan tâm, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng quan trọng không kém là việc phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực giới – nội dung này cần được đẩy mạnh trên báo chí truyền thông. Đặc biệt báo chí nên có những nội dung để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng, những nhà làm luật tham khảo, thực hiện các điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về giới nếu cần để tăng cường bảo vệ các nhóm giới yếu thế. Ví dụ, báo chí có thể giới thiệu những nội dung pháp luật có tính chất bảo vệ phụ nữ tiến bộ ở các nước trên thế giới để công chúng tham khảo, hoặc thông qua những bài viết về tình trạng bạo lực giới ở đây đó trên thế giới cùng hậu quả của nó để đưa ra cảnh báo, rút kinh nghiệm.

Truyền thông với khả năng truyền tải thông điệp và tác động đến nhận thức, thái độ, hành vi của con người, có thể được ứng dụng trong công tác phòng tránh và làm giảm bạo lực giới.

Vai trò của truyền thông trong giảm bạo lực giới

- Truyền thông phản ánh tình trạng bạo lực giới, cảnh báo công chúng, xã hội về vấn đề và lôi cuốn sự chú ý, cảm xúc của xã hội trước tình trạng này,

- Truyền bá thông tin cần thiết (ví dụ: phòng chống buôn người): giúp nhận thức, hiểu về bạo lực giới, nguy cơ và hậu quả, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động và đẩy mạnh pháp luật,

- Giáo dục kĩ năng phòng tránh và đối phó với bạo lực giới trong các môi trường: gia đình, công sở, cộng đồng, mạng xã hội… Phụ nữ cần học cách giao tiếp hiệu quả trong hôn nhân (tránh cãi nhau dẫn đến bạo lực),

- Kết nối xã hội, tăng sự hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, các nhóm hoặc cá nhân có nguy cơ bị bạo lực giới,

- Gia tăng sức mạnh cho các nhóm giới yếu thế bằng cách cho họ có tiếng nói và có kênh để lên tiếng, cung cấp cho họ kiến thức để tự tăng cường sức mạnh của bản thân (tri thức, thông tin là sức mạnh),

- Làm thay đổi dần những định kiến lạc hậu, cổ hủ về giới.

Mô hình truyền thông giảm bạo lực giới

Trên cơ sở phân tích những khía cạnh bản chất của bạo lực giới cũng như xem xét đến vai trò, khả năng ứng dụng truyền thông trong đối phó bạo lực trên cơ sở giới, chúng tôi xin đề xuất một mô hình truyền thông hướng tới giúp giảm bạo lực giới.

mo-hinh-truyen-thong.png
Hình 1. Mô hình truyền thông hướng tới giảm bạo lực giới

Mô hình này hướng đến sử dụng truyền thông để gia tăng sức mạnh cho những nhóm giới yếu thế để hạn chế nguy cơ bị bạo lực của những nhóm này. Mô hình được xây dựng bởi sự kết hợp của 4 tầng truyền thông:

Tầng 1: là nền tảng cơ bản của truyền thông giúp giảm bảo lực trên cơ sở giới. Thực vậy, qua phân tích ở trên cho thấy nguyên nhân sâu xa của bạo lực trên cơ sở giới là sự bất bình đẳng (cả tự nhiên và xã hội). Vì sự bất bình đẳng tạo nên sự yếu thế của giới này so với giới kia và dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới. Vì vậy, nếu muốn hạn chế bạo lực trên cơ sở giới thì cần phải tăng cường sức mạnh cho những nhóm giới yếu thế, ví dụ như phụ nữ.

Do đó, để giảm bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông trước hết phải hướng về giáo dục, trang bị kiến thức, kĩ năng cần thiết cho các nhóm yếu thế để giúp họ mạnh mẽ hơn về các mặt như năng lực, tài chính, sức khỏe, hiểu biết về xã hội, về luật pháp, có kiến thức và kĩ năng về ứng xử giới. Phụ nữ, nữ thanh niên cần được hướng dẫn cách học hành, cách chọn nghề, phương pháp làm việc, quản lý tài chính, cách giữ gìn và nâng cao sức khỏe, cách thức giao tiếp với nam giới phù hợp để tránh những trường hợp nguy hiểm, thiệt thòi, tổn thương cho bản thân. Họ cần được trang bị kiến thức về pháp luật, về giới để tự bảo vệ bản thân…

Những nội dung này có thể được cung cấp thông qua truyền thông: từ truyền thông liên cá nhân trực tiếp, truyền thông nhóm đến truyền thông đại chúng (thông qua báo, đài, TV, mạng xã hội…). Ví dụ: có thể tổ chức các lớp tập huấn kĩ năng giao tiếp cho những phụ nữ sắp kết hôn để hạn chế nạn bạo hành trong gia đình.

Tầng 2: Truyền thông tăng cường thông tin, kết nối: cung cấp thông tin, kết nối cộng đồng, kết nối với các nguồn lực hỗ trợ. Truyền thông cần cung cấp kênh để các nhóm giới yếu thế như phụ nữ cao tuổi, những người phụ nữ nội trợ có thể nói lên tiếng nói riêng của mình về giới, kết nối và nhận được quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng xã hội. Việc kết nối với các cộng đồng, nhóm hội phù hợp sẽ hỗ trợ người yếu thế, giúp họ nhận được thêm sự giúp đỡ và bảo vệ từ cộng đồng xã hội.

Ví dụ: lập các nhóm phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau về đời sống gia đình trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để theo dõi, chia sẻ, giúp đỡ kịp thời những chị em gặp khó khăn, vướng mắc trong đời sống hôn nhân, hỗ trợ chị em trong phát triển sinh kế, làm ăn, từ đó tăng cường tiềm lực kinh tế, giảm mức độ phụ thuộc, tăng sự độc lập và khả năng tự bảo vệ bản thân.

Tầng 3: Truyền thông hướng vào thay đổi định kiến giới, hướng tới bình đẳng giới, dần hình thành và củng cố tư tưởng bình đẳng giới, xóa bỏ những định kiến giới lâu đời. Cần phải kiên trì sử dụng các loại hình truyền thông để từng bước chuyển đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, thiết lập tư tưởng bình đẳng giới trong thực tế.

Tầng 4: Truyền thông vận động tăng cường xây dựng và thực thi pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới. Các hoạt động truyền thông hướng đến vận động xây dựng bổ sung, cập nhật những quy định pháp luật cụ thể về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực giới (nếu xét thấy cần thiết) và thúc đẩy việc thực hiện những việc thực thi pháp luật kịp thời, hiệu quả sẽ giúp bảo vệ những nhóm giới yếu thế trước nguy cơ bị bạo lực giới.

Trong 4 tầng của mô hình truyền thông hướng đến giảm bạo lực giới, tầng 1 đóng vai trò nền tảng, cơ bản nhất. Truyền thông cần hướng đến giúp người yếu thế về giới tăng cường sức mạnh nội tại của bản thân để tự đứng vững, giảm nguy cơ bị bắt nạt hoặc bị lạm dụng bởi (các) giới khác có nhiều ưu thế hơn về tự nhiên và xã hội. Tầng 4 ở trên cùng cũng có vai trò rất quan trọng, bởi sự bảo vệ của luật pháp có thể che chở, cứu vớt nhiều thân phận phụ nữ, trẻ em gái trước những nguy cơ bị bạo hành trong gia đình, trong cộng đồng hay ở nơi làm việc và răn đe những kẻ xem thường hoặc có ý định làm tổn hại những nhóm giới yếu thế.

Việc truyền thông hạn chế bạo lực giới cần là sự tổng hợp của nhiều phương pháp truyền thông và được thực hiện một cách kiên trì qua nhiều năm tháng. Chiến lược truyền thông thích hợp và kế hoạch lâu dài được thực hiện hiệu quả giúp hạn chế bạo lực trên cơ sở giới nhằm giảm bớt những đau khổ, tổn thương với các nhóm giới yếu thế, làm cho xã hội ngày càng nhân văn hơn, văn minh, tiến bộ hơn.

Mặt khác, hạn chế bạo lực giới cũng là một chìa khóa giải phóng nguồn lực con người, đặc biệt là nguồn lực của người phụ nữ để họ có cuộc sống hạnh phúc, bình an, tốt đẹp, được hưởng những quyền lợi công bằng trong xã hội và có điều kiện cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Khi tất cả mọi người trong xã hội không phân biệt giới tính đều được đảm bảo sống trong an toàn, được bảo vệ và tôn trọng nhân phẩm, danh dự, thể chất thì đó là một minh chứng rõ rệt cho một xã hội phát triển, văn minh, tiến bộ và và giàu tính nhân đạo.

1. Ví dụ xem Phạm Nga (2025)

2. Ví dụ: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW, và phối hợp với Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc UNFPA trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam (xem Nguyễn Thị Pha, 2019; Nhật Anh, 2023). Việt Nam ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022.

3. Xem tài liệu của UNFFA và KOICA: Tài liệu tập huấn kiến thức về giới, bạo lực trên cơ sở giới trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, trang 16-17, trích dẫn Helse L, Pitangyn and Germaln A. Violence against women: The hidden health burden. World Bank Discussion paper no. 255, Washington The World Bank, 1994, paper 5.

Tài liệu tham khảo:
1. Cổng thông tin điện tử chính phủ, Luật phòng chống bạo lực gia đình, https://vanban.chinhphu.n/?pageid= 27160&docid=207711&classid=1&orggroupid=1
2. Cổng thông tin điện tử chính phủ, Luật bình đẳng giới, https:// chinhphu.vn/defaultaspx?pageid=27160&docid=28975 xem ngày 5/3/2025.
3. Linh Nguyễn (2023), “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”, Thời nay (Ấn phẩm của báo Nhân dân), https://nhandan.vn/phong-chong-bao-luc-tren-co-so-gioi-post768533.html, xem: 1/3/2025
4. Nhật Anh (2023), “Tăng cường phối hợp phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới”, Nhân dân, https://nhandan.vn/tang-cuong-phoi-hop-phong-ngua-ung-pho-voi-bao-luc-tren-co-so-gioi-post780872.html, xem: 1/3/2025
5. Nguyễn Hương Quế (2021), “Công ước CEDAW và vấn đề thực thi bình đẳng giới tại Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, https://truongchinhtri.baria-vungtau.gov.vn/article?item=3847a969fc15a8b5cc8f982974a5e1fa, xem ngày 2/3/2025
6. Nguyễn Thị Pha (2019), “Trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam làthành viên và theo pháp luật Việt Nam”, Bộ Tư Pháp: Trợ giúp pháp lý Việt Nam, https://tgpl.moj.gov.vn/Pages/hoi-nhap-phat-trien.aspx?ItemID=1838&l=Nghiencuutraodoi, xem ngày 2/3/2025
7. Phạm Nga (2025), “Con gái bị gạt ra ngoài khi chia thừa kế”,VnExpress, https://vnexpress.net/con-gai-bi-gat-ra-ngoai-khi-chia-thua-ke-4855285.html, xem ngày 5/3/2025.
8. Pilcher J. & Whelehan I. (Nguyễn Thị Minh dịch) (2021), Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới, NXB Phụ nữ Việt Nam.
9. UNFFA & KOICA, Tài liệu tập huấn kiến thức về giới, bạo lực trên cơ sở giới trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới, https://vietnam.unfpa.org/sites/default/files/pub-pdf/cuon_1._tl_tap_huan_ve_gioi_va_blg_0.pdf, Xem ngày 5/3/2025.
9. WHO Western Pacific Region (2005), Lồng ghép vấn đề nghèo đói và giới vào các chương trình y tế-: tài liệu gốc cho các chuyên viên y tế: Hợp phần về bạo lực trên cơ sở giới, https://iris.who.int/bitstreamhandle/10665/208228/9789290615538_viepdf?isAllowed=y&sequence=1, xem ngày 2/3/2025.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 3 tháng 3/2025)

Bài liên quan
  • Trí tuệ nhân tạo và bình đẳng giới
    Sự quan tâm đến các công cụ AI tạo sinh đang bùng nổ trên toàn thế giới - nhưng nhân viên nữ đang tụt hậu so với đồng nghiệp nam trong việc sử dụng công nghệ. Điều đó có thể có ý nghĩa lớn không chỉ đối với lộ trình nghề nghiệp của cá nhân mà còn đối với các công ty đang tạo ra và lấp đầy các công việc trong tương lai.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới mô hình truyền thông nhằm hạn chế bạo lực trên cơ sở giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO