Tác động của MXH và vai trò định hướng thông tin của báo chí đối với MXH về vấn đề bình đẳng giới
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhiều tổ chức, cá nhân đã đang nỗ lực thực hiện và thúc đẩy bình đẳng giới nhằm góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Tuy nhiên, việc vẫn còn tồn tại những câu chuyện bạo lực gia đình, những nơi phụ nữ không được đi học hoặc được hưởng ít quyền lợi về giáo dục... cho thấy nhận thức và hành động về bình đẳng giới không phải đều tiến bộ ở tất cả mọi nơi, mọi lúc. Để giáo dục và thay đổi nhận thức, hành động của con người về vấn đề bình đẳng giới, không thể không vận dụng truyền thông, trong đó có vai trò của mạng xã hội (MXH). Nhưng MXH có thực sự hỗ trợ tích cực cho hoạt động truyền thông về bình đẳng giới hay không là câu hỏi cần được trả lời một cách khoa học.
Nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã tiến hành thực hiện một nghiên cứu trên công chúng tại địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024. Các phương pháp được sử dụng bao gồm tiến hành khảo sát ý kiến trên 524 công chúng trên 7 quận, huyện1 của thành phố, kết hợp với 15 cuộc phỏng vấn sâu được thực hiện trên các công chúng thuộc các nhóm tuổi, thành phần xã hội khác nhau và hoạt động quan sát tham gia tại một số gia đình, cộng đồng trong thành phố.
Một số thuyết về giới và bình đẳng giới
Đà Nẵng là một đô thị hiện đại, phát triển song cũng vẫn mang cả dấu ấn của quá khứ. Việc nghiên cứu về MXH và nhận thức về bình đẳng giới (BĐG) ở Đà Nẵng được dựa trên nền tảng lý luận tổng hợp bao gồm các lý thuyết truyền thống và hiện đại: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phụ nữ và bình đẳng, quan điểm của Nho giáo về nam nữ, thuyết chủ nghĩa nữ quyền kết hợp với các lý thuyết hiện đại về hiệu quả truyền thông2.
Quan điểm Nho giáo chủ trương phân biệt nam nữ, coi nam giới là trụ cột và phụ nữ đóng vai trò hậu trường, phạm vi hoạt động hạn chế trong gia đình, nội trợ, bếp núc... đã từng phổ biến trong xã hội Việt Nam thời kì phong kiến và vẫn còn tồn tại đâu đó trong xã hội ngày nay.
Sau khi thực dân Pháp thiết lập chế độ thuộc địa ở Việt Nam, trong quá trình đàn áp, bóc lột nhân dân ta, những kẻ thực dân đã tìm cách xóa dần ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội và truyền bá tư tưởng phương Tây vào Việt Nam. Thông qua quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây, người dân cũng bắt đầu có sự tiếp cận với những tư tưởng mới về bình đẳng nam nữ. Một số ít phụ nữ có điều kiện đã được đi học, tiếp thu tri thức và tham gia vào những hoạt động mà trước đây thường chỉ dành cho nam giới như viết văn, viết báo, diễn thuyết. Tiêu biểu, tại Đà Nẵng, hồi cuối thếkỉ19đầuthếkỉ20cónữsĩHuỳnhThịBảo Hòa3 đã trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ và xuất bản.
Sau Cách mạng tháng Tám, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền mới đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ.
Phong trào Bình dân học vụ đã khuyến khích cả nam lẫn nữ đi học chữ, từ đó mở ra ánh sáng tri thức cho nhiều người phụ nữ, và sau này, tại miền Bắc, nhiều chị em phụ nữ đã được Nhà nước tạo điều kiện cho đi học, được đào tạo, trở thành cán bộ, tạo lực lượng đóng góp quan trọng cho cách mạng. Bác Hồ ủng hộ mạnh mẽ quyền bình đẳng cho phụ nữ và mong muốn hiện thực hóa quyền này trong thực tế. Thực hiện tư tưởng của Người, các thế hệ những nhà lãnh đạo kế cận của Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để thực hiện quyền bình đẳng giới, trong đó một ví dụ cụ thể là việc ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006.
Năm 1986, đất nước bước vào thời kì Đổi mới, mở cửa, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ hơn. Khái niệm nữ quyền cũng được bàn đến nhiều hơn trong xã hội.
Hòa cùng với sự phát triển của đất nước, thành phố Đà Nẵng cũng chuyển mình ngoạn mục, trở thành một trong những đô thị lớn nhất của cả nước. Thành phố trẻ trung, năng động này là trung tâm giao lưu, tiếp xúc với nhiều du khách trong và ngoài nước, nhanh chóng nắm bắt những thành tựu mới của thế giới, trong đó có công nghệ truyền thông số, MXH. Đây là một địa điểm phù hợp để nghiên cứu, tìm hiểu về tác động của MXH đối với nhận thức về vấn đề BĐG.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu trong thực tiễn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy người dân Đà Nẵng sử dụng MXH khá phổ biến. Những MXH thường được sử dụng bao gồm:
Công chúng Đà Nẵng hiện cũng dành mức thời gian đáng kể cho MXH.
Trong quá trình sử dụng MXH, công chúng Đà Nẵng tiếp thu một số nội dung thông tin về vấn đề BĐG được đăng tải.
Kết quả khảo sát, phỏng vấn sâu, quan sát tham gia
Phương thức sử dụng MXH liên quan đến vấn đề BĐG của công chúng tại Đà Nẵng:
- Công chúng Đà Nẵng sử dụng các MXH phổ biến như Facebook, TikTok, Zalo, Instagram, Twitter...
- Công chúng có xem nội dung về BĐG trên MXH, song cách xem khá thụ động, xem lướt qua, ít chủ động tìm xem.
- Họ thường xem những video ngắn hoặc chương trình truyền hình về nội dung gia đình, xem comment, cũng có xem các clip hài hước, các clip về chọn ngành nghề phù hợp với giới, về học tập... Họ cũng xem thông tin về các chính sách, pháp luật BĐG của Nhà nước được đăng tải trên MXH.
- Họ có sử dụng MXH để nói về BĐG, nhưng chỉ vào một số dịp đặc biệt như 8/3 để chúc mừng...
Tác động của MXH đối với nhận thức, hành ộng của công chúng về vấn đề BĐG
- Công chúng ít có niềm tin với nội dung được đăng tải trên MXH. Họ cho rằng nội dung hỗn loạn, ít có tác động đến nhận thức
- Công chúng có phản ứng với nội dung được đăng tải như gửi comment, hoặc thảo luận trong gia đình, bạn bè, bày tỏ thái độ, quan tâm suy nghĩ...
- Tác động của MXH đối với công chúng là tác động kép
Tác động tích cực:
► Làm thay đổi nhận thức về giáo dục cho phụ nữ, khuyến khích nữ giới dân tộc ít người đi học đại học, làm thay đổi nhận thức về LGBT, giúp LGBT tự tin hơn, cởi mở hơn và được thông cảm hơn, là diễn đàn cho một số phụ nữ thành công chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm... Bản thân MXH với tư cách là một thành tựu của Cách
mạng công nghiệp 4.0 đã góp phần làm thay đổi nhận thức về BĐG, thúc đẩy người dân thay đổi nhận thức theo hướng tiến bộ hơn để phù hợp với sự phát triển của thời cuộc, của xã hội.
► Tạo kết nối, tăng thêm cơ hội mới trong công việc và các mối quan hệ, giúp con người tích cực, thoải mái hơn trong hoạt động, trong giao tiếp
Tác động tiêu cực:
► Khắc sâu một số định kiến giới như: phụ nữ lái xe kém, đàn ông phải tặng quà cho phụ nữ ngày 8/3, đàn ông phải kiếm được nhiều tiền để làm trụ cột.
► Một số người lợi dụng yếu tố nữ để câu like, câu view, tăng lượt tương tác trên MXH, tạo fake news/tin giả...
► Một số nội dung đăng tải còn hàm chứa sự phân biệt, kì thị về giới
► Một số bình luận sử dụng ngôn từ thô tục
Kết quả quan sát cho thấy hành động về BĐG có chiều hướng không thay đổi (phụ nữ vẫn làm việc nhà, nam giới không phụ giúp, bản thân phụ nữ chấp nhận trật tự như cũ...)
Nhìn chung, thông tin về BĐG trên MXH còn mang màu sắc cảm tính, hỗn loạn, mang tính chủ quan, thiếu định hướng, do đó tạo tác động theo cả 2 hướng tích cực và tiêu cực. Người sử dụng MXH khi tiếp cận thông tin về BĐG thường mang tính thụ động. Cũng có một số kênh về bình đẳng giới nổi tiếng và truyền thông theo hướng giáo dục tích cực, song tác động cũng chưa rộng khắp.
Một số đề xuất của người sử dụng MXH về truyền thông BĐG
- Cần tích cực tuyên truyền về BĐG trên MXH
- Cần chọn lọc thông tin đăng tải: Cần lược bỏ đi những ý kiến, video sai lệch về BĐG. Nên tuyên truyền mạnh mẽ về BĐG bằng nhiều cách thức khác nhau, mang đến những thông điệp tích cực.
- Nên đưa nhiều hơn những nội dung tích cực, bình đẳng cho nữ.
- Nên đăng trên các diễn đàn MXH những bài post hấp dẫn lôi cuốn người đọc và tích cực tạo những video ngắn về các hoạt động bình đẳng giới nhiều hơn.Cần cẩn trọng trong việc chọn lọc thông tin trên MXH, đây là diễn đàn có số lượng truy cập cao, vì vậy tiếng nói trên diễn đàn này cũng cần được chú trọng.
- Nên thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng tất cả các giới tính - Thông tin nên cụ thể, thực tế, thiết thực, tránh chung chung, chỉ mang tính chất hô hào Vai trò định hướng thông tin của báo chí đối với MXH Nghiên cứu về tác động của MXH đến công chúng về vấn đề bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho thấy không thể phủ nhận những tác động tích cực của MXH góp phần thúc đẩy sự thay đổi nhận thức về bình đẳng giới.
Tuy nhiên, MXH cũng khắc sâu một số định kiến giới và chưa thực sự tạo ra những thay đổi sâu sắc, rộng khắp về nhận thức hay hành động với người sử dụng mạng; đặc biệt, thiếu định hướng phù hợp là một vấn đề của thông tin MXH. Đây là hạn chế hiện nay của MXH đối với truyền thông về BĐG mà chỉ có báo chí mới có thể bù đắp được.
Nghiên cứu này cho thấy dù MXH có ưu điểm phổ biến, rộng khắp, nhanh, mạnh, song yếu tố niềm tin và định hướng phù hợp vẫn là điểm yếu, do đó cần vai trò của báo chí, vai trò của các nhà quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của MXH và phát huy những mặt tích cực, hỗ trợ định hướng MXH cung cấp thông tin phù hợp, thiết thực với xã hội.
Nghiên cứu cũng cho thấy những nguyên tắc cơ bản của truyền thông báo chí như tính đáng tin cậy của thông tin, tính nhân văn, tính tế nhị, tinh tế, sự tôn trọng con người, sự điều chỉnh linh động để thích ứng với các đối tượng công chúng vẫn rất cần được quan tâm và vận dụng trong truyền thông về bình đẳng giới trên MXH - một trong những kênh truyền thông hiện đại nhất hiện nay. Những giá trị nêu trên đi qua thời gian nhưng vẫn chưa lạc hậu và vẫn cần được những người làm truyền thông tôn trọng, vận dụng đúng đắn trong các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trên MXH.
1. Các hoạt động nghiên cứu bao gồm khảo sát, phỏng vấn sâu, quan sát tham gia được tiến hành trên các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, huyện
Hòa Vang. Riêng huyện Hoàng Sa, nhóm nghiên cứu chưa tiếp cận vì điều kiện đảo nằm xa đất liền.2. Xem Trần Thị Hòa (2021)
3. Xem Thy Hảo Trương Duy Hy (2010)
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Kim (2018), “Vị trí chiến lược của Đà Nẵng: Nhận
thức, ứng đối và hành động xâm lược của thực dân Pháp
trước năm 1858”, Cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp
- Tây Ban Nha tại Đà Nẵng (1858 - 1860), Ban Tuyên giáo
Thành ủy Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng.
2. NXB Thanh Niên (2000), Toàn văn di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Phạm Hoàng Điệp (2008), Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự tiến bộ
của phụ nữ, NXB Văn hóa thông tin.
3. Tạ Ngọc Tấn (2004), Hồ Chí Minh về báo chí, NXB Chính trị
quốc gia.
4. Thy Hảo Trương Duy Hy (2010), Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa
Người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ và
xuất bản Tiểu thuyết - Kịch hát bội - Biên khảo lịch sử - Ký sự,
NXB Đà Nẵng.
5. Trần Thị Hòa (2021), Lý thuyết truyền thông, NXB Đà Nẵng.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2024)