Huyện Mèo Vạc còn gặp khó khăn về phủ sóng viễn thông
Theo thông tin từ UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, qua rà soát, tính đến tháng 3/2023 có hơn 20 thôn có sóng di động nhưng sóng rất yếu.
Cụ thể, các thôn hiện chưa có sóng hoặc sóng di động yếu gồm: Xín Phìn Chư (xã Thượng Phùng), Lũng Lừ B (xã Lũng Pù); Ha Súng, Kho Tấu, Sà Lủng (xã Pả Vi); Há Cá Thình (xã Giàng Chu Phìn); Cán Lủng, Đề Chia, Lùng Thà, Nhù Cá Ha, Tìa Chí Đùa (xã Cán Chu Phìn); Nà Nông, Vị Ke, Nà Tàn (xã Nậm Ban); Phiêng Bung, Trù Lủng Trên, Xín Thầu (xã Khâu Vai); Mua Lài Lủng (xã Pải Lủng); Sủng Tà, Tìa Sính (xã Lũng Chinh); Cốc Tổng (xã Niêm Sơn); Phiêng Tòng (xã Niêm Tòng); Mé Lầu (xã Sơn Vĩ). Các thôn này chưa có trạm thu phát sóng di động mà chủ yếu sử dụng sóng của các thôn lân cận, tuy nhiên do địa hình nhiều đồi núi nên sóng rất yếu.
Cũng theo rà sát của huyện Mèo Vạc, có 6 thôn ở 4 xã chưa có điện, gồm các thôn: Lủng Chư (xã Thượng Phùng); Dì Chủa Phàng (xã Giàng Chu Phìn); Ha Cá, Trù Lủng Trên, Trù Lủng Dưới (xã Khâu Vai); Nà Nũng A (xã Sơn Vĩ).
Trao đổi với các nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trong chuyến công tác mới đây tại Hà Giang, ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết trên địa bàn huyện hiện có 199 thôn, thì 7 thôn chưa có sóng điện thoại. Mèo Vạc đã rà soát và báo cáo Sở TT&TT tỉnh Hà Giang để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh đề xuất nhà mạng Viettel, Vinaphone hỗ trợ tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm tiếp sóng cho bà con nhân dân.
Cũng trên địa bàn huyện, các cụm loa phát thanh 4.0 đã được trang bị theo chương trình mục tiêu quốc gia và năm nay sẽ tiếp tục được triển khai cho các thôn chưa có.
Nhiều trường học được trang bị máy tính, tivi
Huyện Mèo Vạc có 55 đơn vị trường học, trong đó có 2 trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hà Giang, còn lại là 53 trường của huyện. Trong trong năm học 2022 - 2023, trường Marie Curie - Hà Nội hỗ trợ 20 giáo viên tiếng Anh cho bậc học tiểu học. Huyện Mèo Vạc cũng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để lắp đặt hệ thống học trực tuyến, đến nay tất cả các xã đều đảm bảo phòng học trực tuyến có thể kết nối với trường Marie Curie.
Theo ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, huyện đã nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong việc triển khai phòng học trực tuyến và trang bị máy vi tính. Về cơ bản, hiện các phòng học trực tuyến và máy tính, bao gồm nâng cấp cả máy tính cũ, đã đáp ứng được việc học tập trực tuyến và môn tin học. Trong đó, môn tin học cùng với tiếng Anh là hai môn học bắt buộc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.
Trong thời gian tới, ông Cường cho biết huyện cũng sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục. Theo phương án đang đề xuất với Ban thường vụ Huyện uỷ cũng như tỉnh trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc cũng sẽ xây dựng một trường học liên cấp 1 và 2. Mỗi khối học chỉ 2 lớp và tuyển chọn đầu vào để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục của huyện.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo ngành GD&ĐT, các đơn vị trường, các thầy cô giáo tăng cường sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ, các chương trình máy tính như Power Point trong soạn giáo án để giảng dạy khi hiện nay tất cả các lớp học đã được trang bị tivi. Nhiều lớp đã được trang bị máy chiếu. Huyện Mèo Vạc còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm 2022, nhiều tổ chức theo hình thức xã hội hoá đã hỗ trợ cho trang bị trường học nhiều tỷ đồng.
Phát triển du lịch và đưa người dân đi lao động để xoá đói giảm nghèo
Trao đổi thêm về định hướng phát triển của huyện Mèo Vạc sau đại dịch, ông Ngô Mạnh Cường cho biết một trong những nhiệm vụ của huyện Mèo Vạc là xoá đói giảm nghèo. Mèo Vạc xác định du lịch là một trong những thế mạnh của Mèo Vạc khi huyện là 1 trong 4 huyện nằm trong vùng công viên địa chất toàn cầu Công viên đá Đồng Văn.
Mèo Vạc có rất nhiều điểm du lịch như đèo Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo; hay hẻm vực Tu Sản được ví là “đệ nhất hùng quan”, danh thắng kỳ vỹ của cao nguyên đá Đồng Văn, cũng là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á; chợ tình Khâu Vai với truyền thuyết huyền thoại về chàng Ba, nàng Út và có những hang động rất đẹp nhưng hiện nay chưa được khai thác đưa vào sử dụng.
Mặc dù lượng du khách đến Mèo Vạc hàng năm đều tăng nhưng do hạ tầng giao thông còn hạn chế nên việc di chuyển vẫn khá khó khăn. Theo ông Cường, hiện nay, Trung ương và tỉnh Hà Giang cũng đang quan tâm đầu tư. Các tuyến đường tỉnh lộ từ Yên Minh lên Mèo Vạc đang được nâng cấp, sửa chữa, dự kiến hết năm nay cơ bản sẽ hoàn thành, tạo thuận lợi cho giao thông.
Huyện Mèo Vạc cũng cũng đang quan tâm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP để khi du khách đến với Mèo Vạc có được những sản phẩm mang về làm quà cho người thân, bạn bè… ở dưới xuôi. Đồng thời quan tâm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.
Cũng để xoá đói giảm nghèo, Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc cho biết, huyện cũng đưa con em đi làm việc ở các công ty, tập đoàn. Mèo Vạc là huyện duy nhất của tỉnh tiếp giáp với hai huyện của hai tỉnh của Trung Quốc. Trước COVID-19, huyện cũng ký kết đưa lao động sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhưng hiện nay chưa kết nối lại được nên hiệnđang tập trung đưa lao động đi làm việc tại các công ty. Huyện Mèo Vạc phấn đấu năm 2023, mỗi hộ có 1 người đi lao động, ít nhất là đạt 17.000 lao động. Trong ba tháng đầu năm 2023, Mèo Vạc đã đưa được 7.000 người đi lao động./.