Chuyển động ICT

Điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó

Hoàng Linh 20/12/2022 20:32

Trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) viễn thông hoàn thành việc phủ sóng các thôn, bản lõm sóng (chưa có sóng) băng rộng di động.

phu-song.png
Một học sinh vùng cao tìm đến nơi có mạng Internet để học trực tuyến. (Ảnh: phunuvietnam.vn)

Bộ TT&TT cũng tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển hạ tầng băng rộng cố định, tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định FTTH tới hộ gia đình; đảm bảo cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học, v.v. thông qua việc đẩy mạnh triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg.

Theo Bộ TT&TT, trước ngày 01/01/2021, tỷ lệ phủ sóng các thôn, bản đạt 97,82%, còn lại 2.148 thôn chưa có sóng. Trong năm 2021 và năm 2022, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các DN tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai phủ sóng các thôn bản đã có điện (bao gồm cả các thôn đặc biệt khó khăn).

Đến nay, toàn quốc đạt 99,73% thôn bản đã có sóng (tăng 1,9% so với đầu năm 2021 - tương đương với 2.152 thôn đã được phủ sóng), còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được do một số thôn chưa có điện, dân cư thưa, địa hình khó khăn.

Bộ TT&TT đã có văn bản số 3673/BTTTT-VTF ngày 22/9/2021 gửi các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, cung cấp bổ sung các thôn còn lõm sóng để tiếp tục chỉ đạo các DN triển khai phủ sóng.

Cũng theo Bộ TT&TT, một số khó khăn phủ sóng như do ảnh hưởng của thời tiết: bão, lũ quét, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lũ đã làm sạt lở đường sá, cơ sở hạ tầng, không đưa thiết bị vào thi công được.

Bên canh đó là nguồn điện không đảm bảo. Một số thôn đã có điện, tuy nhiên nguồn điện cung cấp cho thôn chỉ đủ cho điện sinh hoạt, không đảm bảo cho trạm BTS hoạt động ổn định (chỉ đủ chạy các thiết bị dân dụng). Một số thôn đã có điện, tuy nhiên vị trí đặt trạm thì không có điện hoặc cách quá xa nguồn cấp điện.

Một số trạm cách xa trạm biến áp cấp điện của điện lực, địa hình cao, phải kéo điện từ vài km đến hơn 10 km, dẫn đến chi phí lớn. Một số trạm cần phải kéo truyền dẫn cáp quang trên cột điện lực nhưng phía điện lực không cho kéo; một số trạm điện lực không cho đấu điện với lý do không đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, một số trạm cũng bị vướng không thi công được do triển khai trên đất rừng phòng hộ, đất an toàn khu hoặc vướng phong tục tập quán của bà con tại thôn bản. Về việc này, Bộ đã hướng dẫn để các Sở TT&TT tham mưu, hỗ trợ, tuyên truyền đến các cấp chính quyền và người dân tạo điều kiện cho doanh nghiệp thi công.

Bộ TT&TT nêu rõ sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN viễn thông thực hiện, kết hợp với việc nhanh chóng giải ngân nguồn vốn từ Quỹ viễn thông thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, phủ sóng các điểm lõm sóng và phát triển mạng băng rộng cố định đến các thôn, bản theo các mục tiêu của từng năm và cả giai đoạn đã đề ra.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ TT&TT ngày 18/12, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh cần tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông.

Thủ tướng giao ngành TT&TT và ngành Điện lực thực hiện nhiệm vụ này, "điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO