Xu hướng thư viện mở để tiếp cận nhiều bạn đọc
Những ngày miền Bắc bỗng trở lạnh, chúng tôi - những nhà báo Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cùng một số cán bộ của thư viện Hà Nội, Cục Xuất bản, In và Phát hành - đã có dịp đến với vùng cao Mèo Vạc và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang trong chuyến công tác và trao tặng sách cho một số điểm trường tại hai huyện.
Đưa sách đến vùng cao
Trải qua một hành trình dài hơn 500km với nhiều chặng đường dốc cua tay áo, đang rải đá răm, chúng tôi tới trung tâm huyện Mèo Vạc vào buổi tối muộn, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt với thầy và trò trường THPT Mèo Vạc vào sáng thứ hai đầu tuần và trường THCS&THPT Tùng Bá, huyện Vị Xuyên vào sáng ngày hôm sau.
Gặp lại các thầy cô giáo nơi địa đầu Tổ quốc và tham dự lễ chào cờ xúc động tại trường THPT Mèo Vạc, nhà báo Trần Bình Tám, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội nhà báo TT&TT cho biết đây là lần thứ hai các nhà báo TT&TT đến với trường THPT Mèo Vạc và lần đầu tiên tới trường THCS&THPT Tùng Bá để trao tặng hàng trăm đầu sách ý nghĩa với sự ủng hộ của Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT, các nhà sách Thái Hà Books, Alphabooks và những đóng góp, ủng hộ của các cơ quan báo chí, nhà báo ngành TT&TT. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 2023.
Trao tặng những đầu sách và truyền cảm hứng với toàn thể các em học sinh, nhà báo Trần Bình Tám cho biết lần thứ hai trở lại nhà trường, các nhà báo đã được tận mắt chứng kiến hoạt động dạy và học cũng như nỗ lực của hai nhà trường trong việc xây dựng thư viện cho các em học sinh.
Ở trường THPT Mèo Vạc, thư viện được dành cho học sinh cấp 3 còn ở trường THCS&THPT Tùng Bá là thư viện chung cho các em từ lớp 6 đến lớp 12. Sự chênh lệch về độ tuổi của các em ở hai trường không quá lớn nhưng sự tiếp cận với văn hóa đọc đã có sự khác nhau. Trước hết là sự khác nhau của cách tổ chức, sắp xếp và hướng dẫn của nhà trường và cán bộ phụ trách công tác thư viện. Do không được biên chế một người làm chuyên trách thư viện nên thường là các thầy cô dạy bộ môn kiêm nhiệm, chưa có nghiệp vụ thư viện nên phần nào khó khăn trong việc triển khai cho độc giả là các em học sinh đọc sách. Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trường chuẩn quốc gia phải có thư viện, có đủ đầu sách và có người làm thư viện có nghiệp vụ chuyên môn.
Tuy nhiên, hiện nay hai điểm trường tại Mèo Vạc và Vị Xuyên vẫn chưa có cán bộ biên chế chuyên môn thư viện... Trong khi đó, độc giả là học sinh đang đến với sách ngày một nhiều hơn và có nhu cầu cao hơn... Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có một thư viện chuẩn, làm thế nào để kéo độc giả kéo học sinh đến với thư viện, đến với sách, coi sách như một thư không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay...
Để trả lời câu hỏi này, theo nhà báo Trần Bình Tám, những nhà quản lý, đặc biệt là các trường học phải sớm hoàn thiện hệ thống thư viện, kết hợp với việc giới thiệu tuyên truyền về sách, tổ chức các tiết đọc các tác phẩm hay, kể chuyện theo sách... qua đó chọn ra một số em có giọng đọc hay, truyền cảm để thành lập ra câu lạc bộ đọc sách nhằm thu hút học sinh đến với sách.
Nhà báo Trần Bình Tám cho biết: “Văn hoá đọc đã giúp cho con người rất nhiều trong mọi lĩnh vực. Nhiều bạn trẻ đã lập nghiệp, vươn lên làm giàu từ sách, có bạn nhờ sách mà bỏ đi thói hư tật xấu để hướng thiện. Nhờ sách mà tâm hồn trong sáng hơn yêu thương nhau hơn”.
Xây dựng thư viện mở để học sinh tiếp cận nhiều hơn với sách
Trước mong muốn xây dựng thư viện nhà trường trở thành thư viện chuẩn, đáp ứng mong đợi của học sinh, chia sẻ với giáo viên, cán bộ thư viện kiêm nhiệm của hai nhà trường, bà Phan Thị Thuý Vân, cán bộ lâu năm của Thư viện Hà Nội đã trao đổi từng việc, từng bước cơ bản để xây dựng nên tủ sách nhà trường hướng tới phát triển thư viện ngày càng mở rộng.
Các bước xây dựng thư viện cơ bản có thể kể đến như nhập các đầu sách, phân loại, đóng dấu, in số, ghi số, xếp số đặc biệt, tạo thư mục… Trong đó, việc xây dựng thư mục phải triển khai các nghiệp vụ thư viện như là phải giới thiệu cuốn sách, nội dung cuốn sách là gì… “Giống như một đứa trẻ sinh ra, một cuốn sách phải có tên, có số”, bà Vân chia sẻ.
Bà Vân cũng cho biết trong công tác nghiệp vụ thư viện, người làm thư viện phải đọc hết cuốn sách và tóm tắt lại được cho bạn đọc hiểu cuốn sách nói về điều gì. Sau đó, cán bộ thư viện hay bạn đọc chỉ cần chạm vào là có thể lấy ra được một cuốn sách cần tìm. Để làm được các bước nghiệp vụ thì không hề đơn giản!.
Hiện nay, với việc ứng dụng CNTT mạnh mẽ, người làm thư viện có thể nhập sách máy tính để in nhãn, tra cứu. Bên cạnh đó, còn các phần mềm thư viện dành cho trường tiểu học, THCS, THPT. Đối với một thư viện nhà trường chưa lớn thì các công việc ban đầu có thể thực thủ công, phải có dấu thư viện, đánh số sách. Bên cạnh đó, cần có cuốn sổ đăng ký đặc biệt để nắm bắt cuốn sách phục vụ theo giờ cho từng lớp học. Học sinh mượn sách đọc cũng phải ghi chép lại.
Cũng theo bà Vân, hiện nay có xu hướng đọc mở nên thư viện, kho sách phải mở để bạn đọc, học sinh có thể tự chọn sách để trực tiếp tìm hiểu về cuốn sách. Theo đó, nhà trường có thể lên lịch để mỗi lớp học có thể xuống không gian thư viện được tiếp xúc trực tiếp với sách. “Các học sinh ở các vùng miền có bối cảnh khác nhau nên hãy để các con được tiếp xúc với sách trực tiếp để các con nắm bắt vấn đề. Đối với học sinh ở trường đặc biệt có thể chậm hơn trong hoạt động như học sinh tự kỷ thì càng phải tiếp xúc trực tiếp với sách. Sách giờ đây phần lớn được in nổi hình ảnh để các con được tiếp cần trực tiếp, thì mới có thể hiểu được vấn đề”.
Để đưa sách đến với học sinh trong nhà trường gần hơn nữa, bà Vân chia sẻ có thể làm một giá sách cho từng lớp học với khoảng 10 cuốn sách và phân công một học sinh tự quản số sách này để các học sinh có thể đọc trong lớp vào giờ nghỉ giải lao. Đọc hết mỗi cuốn sách, các học sinh có thể lại để vào giá sách. “Mỗi tuần nhà trường có thể luân chuyển sách giữa các lớp. Sách phải luân chuyển nhiều nhất, và đến tay bạn đọc nhiều nhất có thể. Có nhiều cách để học sinh tiếp cận với sách”.
“Nhà trường cũng nên mỗi tuần có một tiết học thư viện để tạo cho các con hứng thú đọc sách, hướng các con đến những điều tốt đẹp, nắm bắt các vấn đề xã hội. Đọc sách khiến các con ngẫm và ăn vào sâu trong tâm trí, mở mang được kiến thức mà việc lướt Internet không làm được như sách. Đọc trực tiếp, nhìn trực tiếp thì các con sẽ cảm thấy hứng thú”, người cán bộ say sưa chia sẻ.
Để xây dựng thư viện nhà trường, bà Vân cũng trao đổi là các giáo viên có thể đề nghị các học sinh cùng tham gia công tác thư viện một cách tự quản, tự giác. “Mỗi vùng miền có một đặc thù nên nhà trường có thể chuẩn bị các nội dung thư viện đặc thù, nên khai thác các giờ ngoại khoá để các học sinh được tiếp xúc với sách nhiều nhất có thể”.
Bà Vân chia sẻ thêm một ngày Thư viện Hà Nội phục vụ 500 - 600 lượt bạn đọc, trong đó có cả những em bé mới vài tháng tuổi đã được mẹ đưa đến thư viện và thư viện đều phục vụ, kể cả các nhu cầu cơ bản. “Việc các em bé được đưa đến thư viện, tiếp xúc với sách từ rất sớm và càng sớm thì các con được phát triển khả năng ngôn ngữ, nghe nhìn được tốt hơn”.
Bà Vân cho biết làm việc tại thư viện khoa học tổng hợp như Thư viện Hà Nội nên cái gì cũng biết. Một năm một cán bộ thư viện trung bình đọc từ 7000 đến 1 vạn cuốn sách để làm ra được các tóm tắt sách, thư mục sách.
Xây dựng thư viện mở, xanh
Chia sẻ về phát triển thư viện trong nhà trường, cô giáo Lù Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho biết nhà trường có 16 lớp từ lớp 10 đến lớp 12, trong đó có 5 lớp 12, 6 lớp 11 và 5 lớp 10 là các học sinh các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Tày, Dáy… Việc xây dựng thư viện đã được nhà trường ấp ủ nhiều năm và tổ chức nhiều hoạt động hướng các em đến với sách.
Cô giáo Ngân chia sẻ hàng năm nhà trường đều tổ chức hưởng ứng ngày Sách và Văn hoá đọc thông qua việc tổ chức các cuộc thi như giới thiệu sách, xếp mô hình sách… Hưởng ứng ngày sách năm nay nhà trường vui mừng khi nhận được nhiều đầu sách phù hợp với cả giáo viên, học sinh như sách giáo khoa, sách tham khảo…
“Năm nay nhà trường cũng đang lên kế hoạch xây dựng một không gian xanh, mở để các em học sinh có thể đến không gian mở này để đọc sách với sự thoải mái, thư giãn và thấy đọc sách thật gần gũi. Giáo viên dạy văn và thầy/cô giáo chủ nhiệm các lớp của nhà trường đều định hướng cho các em về đọc sách”, cô Ngân chia sẻ thêm.
Về xây dựng văn hoá đọc cho học sinh trường trường THCS&THPT Tùng Bá, cô giáo Nguyễn Thị Minh, Phó Hiệu trưởng cho biết các em học sinh của trường rất say mê đọc sách, dành thời gian buổi chiều tại trường để đọc sách. Nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút các em đến với sách như giới thiệu các cuốn sách, phân lịch cho các học sinh theo khối lớp xuống thư viện đọc sách, xây dựng không gian mở ở sân trường để các em đọc sách. Nhà trường cũng tích hợp các việc đọc sách, giới thiệu sách vào các môn học như giáo dục công dân, lịch sử, địa lý… và được các em học sinh rất thích thú.
Trong khi đó, cô giáo Tống Ngọc Huyền, giáo viên chủ nhiệm và dạy Văn lớp 6D cho biết khi dạy văn cô thường khuyến khích các học sinh đọc sách để giúp các em phát triển vốn từ ngữ phong phú và làm văn tốt hơn. Các em học sinh được khuyến khích tìm hiểu tài liệu, thông tin qua sách để hoàn thành các bài tập, mở rộng tri thức.
Những câu chuyện văn hoá đọc như thế sẽ còn tiếp tục sau chuyến công tác này của các nhà báo, những người làm công tác thư viện, sách khi sự kết nối đã được trao đổi, đã được thấu hiểu và chia sẻ./.