Indonesia đặt mục tiêu đạt 9 triệu chuyên gia kỹ thuật số vào năm 2030

MP| 09/08/2021 07:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ và khu vực tư nhân ở Indonesia đã hợp tác đào tạo nhằm hướng tới mục tiêu 9 triệu chuyên gia kỹ thuật số vào năm 2030 như một phần của chiến lược số hóa của quốc gia này.

Indonesia đã hòa cùng làn sóng số hóa đang lan rộng khắp Đông Nam Á. Từ năm 2018, chính phủ nước này đã khởi động sáng kiến "Tạo dựng Indonesia 4.0" trong nền công nghiệp 4.0, bao gồm các lĩnh vực chính như thực phẩm, đồ uống, điện tử ô tô, hóa chất, dệt và may mặc.

Chính phủ Indonesia đã liên tục hỗ trợ các chương trình phát triển tài năng kỹ thuật số - một trong những chìa khóa để chuyển đổi số (CĐS) như một phần của kế hoạch số hóa Indonesia lớn hơn.

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Indonesia đang cung cấp Học bổng Tài năng Kỹ thuật số (DTS) năm 2021, một chương trình được kích hoạt từ năm 2018 để đào tạo những tài năng mới của Indonesia trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Hary Budiarto, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực của Bộ TT&TT Indonesia cho biết, chương trình nhằm đào tạo các chuyên gia có tay nghề cao trong lĩnh vực CNTT-TT.

"Tài năng kỹ thuật số là một trong những chìa khóa cho chiến lược CĐS. DTS là một trong những chương trình hỗ trợ các chỉ thị của Tổng thống Indonesia về CĐS quốc gia, với mục tiêu là 9 triệu tài năng kỹ thuật số có kỹ năng cao vào năm 2030", Hary Budiarto cho biết thêm.

Đồng thời, Tổng cục Giáo dục Đại học của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ cũng đã khởi động chương trình Kampus Merdeka, đặc biệt tập trung vào các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp hoặc khởi nghiệp kỹ thuật số.

Theo Tổng cục, các chương trình năm 2021 của họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT thông qua việc phát triển một chương trình giảng dạy lấy khởi nghiệp làm trung tâm, cũng như một chương trình đào tạo trực tuyến khổng lồ cho cả sinh viên và giáo viên, với mục tiêu 100.000 người tham gia.

Thông qua sự hợp tác giữa Học viện tìm kiếm tài năng của DTS và chương trình Kampus Merdeka, Bộ TT&TT Indonesia cũng tạo điều kiện cho những sinh viên quan tâm và có tài năng trong lĩnh vực CNTT-TT.

Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cũng đang tham gia hỗ trợ các chương trình của chính phủ, chẳng hạn như gã khổng lồ thương mại điện tử Tokopedia sẽ cung cấp chương trình thực tập được chứng nhận về kỹ thuật phần mềm, tiếp thị và phát triển kinh doanh.

Tokopedia cũng sẽ cung cấp một trung tâm học tập cho các học viên công nghệ Indonesia thông qua Học viện Tokopedia. Cùng với Đại học Indonesia (UI), Tokopedia đã ra mắt Trung tâm AI và đang hợp tác với Đại học Atma Jaya cho một chủ đề về thương mại điện tử.

"Sự sẵn có, sự sẵn sàng và sự trưởng thành của tài năng kỹ thuật số là một trong những chìa khóa để hiện thực hóa một ngành công nghệ cạnh tranh toàn cầu. Thông qua Học viện Tokopedia, chúng tôi đang cung cấp một nền tảng để trau dồi các tài năng kỹ thuật số của Indonesia nhằm khuyến khích việc tạo ra nhiều đổi mới hơn, cũng như thúc đẩy nền công nghệ của Indonesia”, Siti Fauziah, người đứng đầu Học viện Tokopedia cho biết.

Theo báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2020, Jakarta được vinh danh là hệ sinh thái tốt thứ hai cho các công ty khởi nghiệp trong danh sách 100 hệ sinh thái mới nổi hàng đầu sau Mumbai (Ấn Độ). Các chỉ số được đánh giá bao gồm hiệu suất khởi nghiệp, nguồn vốn, khả năng tiếp cận thị trường và tài năng kỹ thuật số. Trong 4 chỉ số, đánh giá tài năng kỹ thuật số của Jakarta đạt điểm thấp nhất.

Dữ liệu này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của Indonesia đối với tài năng kỹ thuật số. Do đó, để đạt được mục tiêu 9 triệu chuyên gia kỹ thuật số vào năm 2030, nhu cầu hợp tác giữa chính phủ, các nền tảng kỹ thuật số và học viện trong việc phát triển tài năng kỹ thuật số là rất cần thiết.

Việc áp dụng chiến lược CĐS nên là ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ tổ chức nào muốn không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong thế giới thay đổi với nhịp độ nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức không được chuẩn bị đầy đủ để thiết kế, triển khai hoặc áp dụng công nghệ số vào các khía cạnh khác nhau của hoạt động kinh doanh của họ.

Thiếu kiến thức, văn hóa tổ chức và hiệu quả trong các nhóm CNTT đều là những trở ngại phổ biến trong quá trình CĐS. CĐS đòi hỏi một cách tư duy và cách tiếp cận quản lý mới, cũng như các chuyên gia có các kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Ericsson muốn chọn Việt Nam là nơi phát triển các sản phẩm, công nghệ mới
    Chiều 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Borje Ekholm, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
  • Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý Nhà nước về thương mại điện tử
    Bộ TT&TT được giao phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm tăng cường chế tài xử lý, đình chỉ, ngăn chặn, thu hồi giấy phép hoạt động đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực thương mại điện tử.
  • Báo chí trước ngưỡng tự chủ tài chính: Nhìn từ năng lực marketing và truyền thông
    Báo chí Việt Nam đang tiến đến một ngưỡng quan trọng, khi Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu 100% cơ quan báo chí tự chủ tài chính vào năm 2025 [1]. Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí phải tự tạo ra nguồn thu nhập từ hoạt động của mình, mà không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Nói một cách dễ hình dung hơn, báo chí phải tự vận hành như một doanh nghiệp thực thụ.
  • Tăng hiệu quả quản lý vận hành bất động sản với ứng dụng PropTech
    Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản đã mở ra một thị trường mới trong lĩnh vực này, thị trường công nghệ BĐS (PropTech), góp phần mang lại lợi ích cho các bên tham gia đầu tư bất động sản.
  • Đưa công nghệ vào thực hiện quy trình khám, chữa bệnh cho người dân
    Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị bệnh viện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân có bước phát triển quan trọng. Ðiều này đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Đừng bỏ lỡ
Indonesia đặt mục tiêu đạt 9 triệu chuyên gia kỹ thuật số vào năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO