Doanh nghiệp số

Intrust nhận giấy phép nhà cung cấp dịch vụ CKS công cộng từ xa thứ 10

Hoàng Linh 11/08/2023 16:59

Ngày 11/8/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chính thức công bố Công ty Cổ phần Intrust cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) công cộng theo mô hình ký số từ xa.

Cụ thể, ngày 01/8/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký Giấy phép số 266/GP-BTTTT cho phép Công ty Cổ phần Intrust cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng theo mô hình ký số từ xa sau thời gian được các cơ quan, đơn vị thẩm tra hồ sơ.

trao-giay-phep-intrust_11082023_2.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trao giấy phép cho Intrust

Theo Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT, tháng 3/2023, sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của Intrust, các đơn vị thuộc Bộ đã tiến hành thẩm tra chi tiết nội dung của hồ sơ của Intrust theo các quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP. Hồ sơ của Intrust cũng đã nhận được ý kiến thẩm tra của Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ.

Như vậy, Intrust là nhà cung cấp chứng thực số (CA) thứ 25 và là doanh nghiệp (DN) thứ 10 được cung cấp dịch vụ ký số từ xa, với kỳ vọng cung cấp dịch vụ sẽ góp phần thúc đẩy người dân sử dụng CKS khi thực hiện các giao dịch.

Mỗi người dân có 1 CKS cá nhân

Trao giấy phép cho IntrustCA, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chúc mừng Intrust chính thức được nhận giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS từ xa. Đây cũng là một thành phần quan trọng, một dịch vụ tin cậy theo Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ này 01/7/2024.

thu-truong-nguyen-huy-dung-11082023.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị Intrust đột phá trong việc cung cấp dịch vụ chứng thực CKS từ xa

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết đây 1 trong 8 thành phần cơ bản của xã hội số (XHS) mà Bộ TT&TT đang cố gắng thúc đẩy. Bộ TT&TT xác định XHS có 8 đặc trưng cơ bản là: Mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang, mỗi người dân có 1 điện thoại thông minh (smartphone), trên smartphone có căn cước công dân (CCCD) điện tử, có CKS cá nhân, có tài khoản thanh toán số, có tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến, có phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản và người dân có kỹ năng số.

Cũng theo Thứ trưởng, mỗi người dân 1 CKS cá nhân là mảnh ghép cuối cùng trong 8 yếu tố đặc trưng của một XHS và với việc mỗi người dân có một CKS cá nhân trên smartphone cho phép người dân thực hiện mọi dịch vụ trên không gian mạng trực tuyến toàn trình từ đầu đến cuối mà không cần phải hiện diện.

Trước đây, Thứ trưởng cho biết chúng ta đã có CCCD điện tử đã giải quyết bài toán đầu tiên là bài toán chứng minh nhân thân, còn thủ tục cuối cùng của mọi quy trình là ký số. "IntrustCA cần nhanh chóng cung cấp dịch vụ một cách chính thức, chiếm lĩnh thị trường và đóng góp hoàn thành mỗi người dân có 1 CKS và mỗi ngày ký số ít nhất một lần, theo đó, có thể thúc đẩy kinh tế số (KTS) và XHS phát triển".

Với việc mỗi người dân có CKS, hàng ngày có thể ký số liên lạc, đi du lịch có thể ký hợp đồng điện tử, thanh toán giao dịch ngân hàng cũng có thể ký một cách an toàn, tiện lợi hay người dân, công nhân ở các khu công nghiệp cũng có thể ký hợp đồng…

Thứ trưởng cũng đề nghị IntrustCA nhanh chóng vượt qua điểm gãy của sự bùng phát trong một thời gian ngắn nhất có thể để trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ CKS cá nhân có số lượng thuê bao hàng đầu, chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy, Thứ trưởng đề nghị: "IntrustCA cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân".

Ông Hồ Văn Hương, đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đề nghị công ty triển khai thực hiện tốt quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ.

Góp phần tích cực phổ cập CKS từ xa

Thời gian vừa qua, NEAC luôn luôn cam kết đồng hành và hỗ trợ cho các DN vì khát vọng mỗi người dân có một CKS cá nhân mà dùng thường xuyên, hàng ngày để đóng góp vào tiến trình, xây dựng XHS Việt Nam.

ong-nguyen-quang-trung.jpg
Ông Nguyễn Quang Trung thông tin về định hướng của Intrust trong cung cấp dịch vụ chứng thực CKS từ xa

Với việc nhận giấy phép, ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc Intrust cho biết định hướng tiếp theo của công ty là sẽ tập trung vào 3 định hướng chính:

Thứ nhất, Intrust tập trung vào các dịch vụ tin cậy, trong đó có dịch vụ chứng thực CKS công cộng.

Thứ hai, đối tượng khách hàng của Intrust sẽ trọng tâm vào khách hàng cá nhân nhưng không phải là thông qua việc cung cấp lẻ cho từng người dùng, mà bằng hình thức kết nối với các ứng dụng có yêu cầu cao về độ tin cậy, tính bảo mật, tính pháp lý trong các lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.

Thứ ba, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), và gần đây nhất, Bộ TT&TT cũng đã định hướng 5 không gian mới cho sự phát triển của các DN công nghệ số và viễn thông giai đoạn tới, trong đó có không gian nền tảng và CKS từ xa cũng là 1 trong các dịch vụ nền tảng.

Triết lý của Intrust trong định hướng thứ ba này là kết nối các chuỗi giá trị số thông qua việc đưa ứng dụng CKS vào các nền tảng số phục vụ giao dịch trực tuyến của người dân, DN”, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.

Với 3 định hướng nêu trên, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Trung bày tỏ khát vọng đến hết năm 2025, IntrustCA sẽ nằm trong top 5 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng cả về số lượng cũng như chất lượng dịch vụ. “Mục tiêu là đóng góp một phần giá trị trong việc phổ cập dịch vụ chứng thực CKS, thúc đẩy phát triển KTS-XHS Việt Nam”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Intrust nhận giấy phép nhà cung cấp dịch vụ CKS công cộng từ xa thứ 10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO