KH&CN thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại

Đỗ Thêu| 15/11/2022 08:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp (SXNN) hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững.

Tăng hiệu quả sản xuất 25% và tăng thu nhập cho nông dân 20%

Theo Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Chương KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình đã có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển SXNN hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững.

Theo đó, Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua hai giai đoạn: Giai đoạn I (2011 - 2015, kéo dài đến 2017); Giai đoạn II (2016 - 2020, kéo dài đến 6/2022). Tất cả các đề tài, dự án đều có kết quả công bố trên các tạp chí khoa học công nghệ chuyên ngành, số bài báo công trình được công bố là 152 trong đó có 6 bài báo quốc tế.

Chương trình đã xây dựng được 208 mô hình, trong đó có 131 mô hình sản xuất và liên kết, 77 mô hình quản lý, môi trường, du lịch trên cơ sở ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Số sản phẩm mới là 339 sản phẩm, số kiến nghị, giải pháp, chính sách đã đề xuất là 160.

Toàn bộ các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp. Trong đó, 60% các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Các đề tài, mô hình trong quá trình tuyển chọn và thực tế đã chuyển giao được các công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền, tăng hiệu quả sản xuất từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân từ hơn 20% trở lên.

Bên cạnh đó, các đề tài, dự án thuộc Chương trình thực hiện đều đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ cho đối tượng chuyển giao công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ ở nông thôn, thực tế đã lồng ghép vào các nhiệm vụ đã đào tạo được hơn 11.000 kỹ thuật viên, nông dân.

Ngoài ra, Chương trình nâng cao năng lực tiếp nhận, duy trì và nhân rộng các quy trình, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật tiếp tục được củng cố. Tuy nhiên, chương trình còn tồn tại một số khó khăn như: việc lồng ghép với các chương trình khoa học công nghệ còn hạn chế; còn ít mô hình mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng để tạo ra hiệu quả đồng bộ trong phát triển nông thôn.

Thúc đẩy phát triển SXNN hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại

Chia sẻ về những thành tựu của Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2021, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thời gian qua, Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển SXNN hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…

Chương trình đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát các mô hình tổ chức xã hội nông thôn ở Việt Nam và một số nước trên thế giới; những bài học kinh nghiệm xây dựng mô hình NTM trong thời gian qua để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, lộ trình, vai trò của các chủ thể trong xây dựng NTM ở Việt Nam gắn với đô thị hóa văn minh trong hội nhập quốc tế đến năm 2020 và trong giai đoạn tiếp theo.

"Điểm nổi bật là các kết quả nghiên cứu vừa có tính khái quát toàn diện, vừa chuyên sâu vào một số lĩnh vực của NTM; Đã xem xét các mô hình, bài học kinh nghiệm từ góc nhìn có tính phản biện của khoa học về toàn bộ nội hàm NTM gắn với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Các nghiên cứu của Chương trình đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần vào định hướng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và khung Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025", GS.TS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Tuấn Anh cũng cho biết, Chương trình đã nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng NTM. Cụ thể đã có 5 nhóm chính sách trọng tâm được Chương trình huy động nghiên cứu và có các đề xuất hoàn thiện gồm: 

(i) Dịch chuyển lao động nông nghiệp trong quá trình xây dựng NTM, chính sách tạo việc làm tại chỗ bền vững cho lao động nông thôn; 

(ii) Phát triển sản xuất nông nghiệp theo các mô hình liên kết chuỗi giá trị, kinh tế chia sẻ, khởi nghiệp ở nông thôn và đổi mới hợp tác xã; 

(iii) Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp và khuyến khích ứng dụng công nghệ đồng bộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản ở cấp huyện; 

(iv) Phát triển NTM bền vững, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với các mô hình kết hợp nông - lâm nghiệp - du lịch sinh thái, bảo vệ tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng; 

(v) Huy động các nguồn lực xã hội và vai trò chủ thể của người dân thông qua các doanh nghiệp, cộng đồng nông thôn và các tổ chức đoàn thể của người dân.

Bên cạnh đó, Chương trình đã nghiên cứu, đề xuất các giải pháp KH&CN để xây dựng NTM: trọng tâm đề xuất các giải pháp trong các nhiệm vụ được chia thành 3 nhóm, gồm: (i) Thể chế, tổ chức xã hội và văn hóa trong xây dựng NTM gắn với công nghiệp hoá, đô thị hoá; (ii) Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và dịch chuyển lao động trong xây dựng NTM; (iii) Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng NTM theo hướng bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN và xây dựng NTM phải song hành để chuyển hóa được tư duy từ SXNN sang kinh tế nông nghiệp. Mỗi đề tài nghiên cứu khoa học trong xây dựng NTM phải mang yếu tố kinh tế, gắn với thị trường, chi phí đầu vào; chuyển từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị trên sản phẩm nông nghiệp; không chỉ chuyển giao công nghệ mà cần chuyển giao tri thức cho người dân nông thôn.

"Các đề tài không chỉ chuyển giao KHCN mà phải chuyển giao tính chuyên nghiệp, chuẩn hoá cho người nông dân để tăng hiệu quả, chất lượng đề tài, góp phần tối ưu hoá quy trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp; tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, việc xây dựng đề tài, phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn gắn với điều kiện của từng địa phương", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

Bài liên quan
  • Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp: Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam
    Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số, nhất là ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn, như trí tuệ nhân tạo, quản trị dữ liệu, IoT, tự động hóa... vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
KH&CN thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO