Thị trường blockchain tại Đông Nam Á và Việt Nam trong 5 năm tới
Đông Nam Á đang trải qua sự bùng nổ vượt bậc trong một lĩnh vực mới nhưng bất ngờ được gọi là GameFi, một sự kết hợp giữa trò chơi và tài chính phi tập trung (Decentralized finance - DeFi) được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain.
DeFi tìm cách nắm quyền và kiểm soát từ các tổ chức tài chính, cho phép công chúng tiếp cận các công cụ tài chính như các khoản vay, hoặc thực hiện các giao dịch và quản lý tiền của riêng họ trong ví số.
GameFi có cách tiếp cận tương tự bằng cách sử dụng mô hình Play-to-Earn (P2E) để cho phép người chơi kiếm tiền điện tử bằng cách thực hiện các hoạt động liên quan đến trò chơi để tạo ra tiền thưởng. Các xu hướng GameFi ở Đông Nam Á cho thấy lĩnh vực này đang gia tăng khi ngày càng có nhiều người tìm hiểu về P2E.
Theo báo cáo ngành DappRadar (DappRadar Industry Report) năm 2021, các lĩnh vực trò chơi dựa trên blockchain, mã thông báo không thể thay thế (NFT) và DeFi đã cho thấy những xu hướng tích cực có khả năng tiếp tục vào năm 2022. Không gian NFT tích lũy giao dịch trị giá 23 tỷ USD, không gian DeFi chào đón các công ty mới, chẳng hạn như Terra và ngành công nghiệp blockchain đã nhận được hơn 27 tỷ USD tiền đầu tư.
Các công ty đầu tư mạo hiểm (VC) đã đầu tư con số kỷ lục 4 tỷ USD vào các game blockchain trong năm 2021. Điều đó có nghĩa là khoản đầu tư vào các game và cơ sở hạ tầng cơ bản của họ cao hơn 5.000% so với năm 2020. Trong nửa đầu năm 2021, DeFi chiếm đến 57% hoạt động của ngành, với các game blockchain và NFT ở mức 32%. Vào tháng 8/2021, mảng trò chơi này đã chiếm lĩnh, chiếm 49% hoạt động của ngành.
Một số công ty khởi nghiệp game blockchain đã nhận được khoản đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần, người nổi tiếng, ngân hàng và các công ty VC. Ví dụ như Dapper Labs với 607 triệu USD, Forte với 930 triệu USD, Mythical Games với 120 triệu USD, Sorare với 783 triệu USD và Animoca Brands với 221 triệu USD.
Trước xu hướng này, tại buổi tọa đàm mới đây do VnExpress tổ chức, ông Nguyễn Việt Dinh, CTO của Symper cho biết, thị trường blockchain tại Việt Nam cũng đang nở rộ. Khối lượng giao dịch mỗi ngày hàng ngàn tỷ đồng, số người tham gia ít nhất hơn một triệu người, số dự án có giá trị hàng triệu USD trở lên cũng rất nhiều. Hiện blockchain đã là xu hướng chung của thế giới. Sắp tới, nếu thị trường chung có đi xuống khi mùa đông tới, thị trường Việt Nam cũng đi xuống theo nhưng về lâu dài sẽ trở thành một cộng đồng phát triển mạnh.
Những cái tên startup game blockchain nổi bật trong khu vực Đông Nam Á
Đông Nam Á được dự báo là điểm nóng của game blockchain. Một số startup nổi bật có thể được trang collectivesea thống kê có thể kể đến như Ethlas từ Singapore, Yield Guild Games từ Phillipines, Ancient8 và Axie Infinity từ Việt Nam.
Ethlas
Startup có trụ sở tại Singapore, Ethlas, mô tả mình là một "metaverse mang lại tiền thưởng cho các game thủ". Đây là một game miễn phí dựa trên mô hình P2E. Công ty được hỗ trợ bởi các giám đốc điều hành cấp cao từ các công ty như Grab, Coinbase, Global Blockchain Innovative Capital và các đối tác khác, vượt qua 2,5 triệu tương tác game (gameplay) trong 10 tuần sau khi ra mắt.
Vào tháng 2, startup này đã nhận được 2,7 triệu USD tiền rót vốn hạt giống từ những người ủng hộ và các nhà đầu tư khác. Các nhà đầu tư bao gồm Sequoia Capital India, Yield Guild Games Đông Nam Á, Hustle Fund, Venturra Capital, Deus Ex DAO, Play It Forward DAO, Blockchain Space và Genesis Fund. Công ty có kế hoạch giúp phát triển hệ sinh thái GameFi.
Yield Guild Games
Yield Guild Games có trụ sở tại Philippines là một hội chơi game P2E tập hợp các game thủ trên toàn cầu để kiếm tiền bằng cách chơi các trò chơi NFT, như Axie Infinity và các nền kinh tế dựa trên blockchain khác. Các thành viên là một phần của tổ chức tự động hóa phi tập trung (DAO), có nghĩa là họ bỏ phiếu tập thể về các trò chơi để chơi và tài sản số để đầu tư và họ chia sẻ số tiền hoặc phần thưởng kiếm được.
Yield Guild Games đã huy động được 4,6 triệu USD vào năm ngoái từ Andreessen Horowitz, nâng tổng số tiền gọi vốn lên 22,4 triệu USD. Các nhà đầu tư vào startup này bao gồm Gabriel Leydon, Atelier Ventures, BITKRAFT Ventures, Infinity Ventures Crypto, Kingsway Capital, ParaFi Capital, SevenX Ventures, Fabric Ventures và NON-Mushible Chan.
Ancient8
Ancient8 của Việt Nam là một hội game blockchain được thành lập bởi Coin98 Labs, KYROS Ventures, 3twelve Capital và Coin68 Media. Mục tiêu của Ancient8 là thiết lập một DAO cho các game thủ để kiếm phần thưởng trong metaverse.
Vào tháng 1, Ancient8 nhận được 4 triệu USD trong vòng hạt giống từ Dragonfly Capital, Pantera Capital và Hashed. Các nhà đầu tư khác bao gồm Mechanism Capital, Alameda Research, Jump Capital, GuildFi, Impossible Finance và Animoca Brands. Công ty có kế hoạch sử dụng tiền để dân chủ hóa việc tiếp cận tài chính và xã hội trong metaverse.
Axie Infinity
Sky Mavis đã phát triển game Axie Infinity dựa trên blockchain, có hơn 2 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Đó là một vũ trụ thú cưng số, nơi người chơi có thể chiến đấu, thiết kế và bán tài sản ảo trên thị trường Axie. Bộ sưu tập NFT của Axie Infinity là bộ sưu tập đầu tiên đạt doanh số 4 tỷ USD trên thị trường nội bộ.
Axie Infinity đã huy động được tổng cộng 9 triệu USD trong 4 vòng tài trợ. Các nhà đầu tư của nó bao gồm 500 Startups Vietnam, Collaborative Fund, Alexis Ohanian, Libertus Capital, Leon Hillmann, Mark Cuban, Animoca Brands, Hashed và Pangea Blockchain Fund.
Khát nhân lực bảo mật trong ngành blockchain
Xu hướng GameFi ở Đông Nam Á cho thấy các nhà đầu tư lớn đang tham gia và có nhiều vốn hơn. Do đó cần có quy định để bảo vệ công chúng, các tổ chức tài chính và khu vực tài chính phi tập trung đang phát triển. Điều này cũng sẽ xây dựng niềm tin trong ngành, dẫn đến đầu tư nhiều hơn.
Vấn đề an ninh mạng cũng cần được quan tâm. Báo cáo ngành công nghiệp Dapp (Dapp Industry Report) cho biết thiệt hại hơn 1,9 tỷ USD tiền điện tử đã xảy ra trong 161 cuộc tấn công trong năm 2021. "Với nhiều người đang tìm hiểu về P2E và tìm cách kiếm sống thông qua các trò chơi dựa trên blockchain, điều quan trọng là phải bảo vệ họ".
Các startup GameFi sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư, xây dựng trò chơi mới và thiết lập các mô hình kiếm tiền sáng tạo. Sự phát triển bùng nổ trong ngành công nghiệp blockchain sẽ thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái GameFi trong nhiều năm tới.
Tại Việt Nam, dù nhiều công ty blockchain nở rộ, nhưng theo các chuyên gia lại đang thiếu hụt chuyên gia làm việc trong lĩnh vực bảo mật tiền điện tử, blockchain.
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Cyradar cho biếtthực tế có thể thấy, bản thân các dự án blockchain đang khá "khát" nhân sự. "Không chỉ vấn đề bảo mật, lập trình viên về blockchain cũng thiếu rất nhiều. Chúng ta có thể thấy làn sóng dịch chuyển từ các "big tech" sang các công ty về blockchain, để thấy mảng này đang thực sự "khát" nhân sự".
Ví dụ, một dự án lập trình trên Tera, ông Đức cho biết bản thân lập trình viên còn thiếu thì người làm về bảo mật còn thiếu nữa. Vấn đề khát nhân sự khá rộng. Việc thiếu nhân sự cũng khiến các dự án blockchain khó có thể đầu tư nghiêm túc, bài bản về an toàn thông tin ngay được, mặc dù các nhà sáng lập rất quan tâm.
"Thực lực nhân sự khiến họ không có cơ hội để đầu tư vào bảo mật. Đây là thực tế đang gặp phải và cũng là lý do mà tin tặc (hacker) tấn công nhiều vào các dự án blockchain hiện nay".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Dinh cho biết trong mảng blockchain trên thế giới so với các mảng khác do tuổi đời còn mới. Còn ở Việt Nam chỉ nở rộ từ 2019, 2020 trở lại. "Vì còn mới, tài liệu chưa nhiều, những người tham gia vào ngành này đa phần kiếm tiền nhanh, nên họ tập trung tìm cách kiếm tiền chứ không đầu tư cho bảo mật. Họ muốn làm những cái có thể tạo ra lợi ích ngay cho sản phẩm, cộng đồng nên nhân lực cho bảo mật chưa nhiều".
Cần đầu tư nhiều hơn cho bảo mật
Qua một vụ "hack" quá lớn như vụ Ronin Network - mạng lưới blockchain kết nối Axie Infinity với Ethereum, ông Dinh cho rằng cộng đồng sẽ rút kinh nghiệm, dần dần mọi thứ sẽ tốt lên. Ngay bây giờ nhiều nhà phát triển cũng đang nhìn lại dự án của mình, rà soát xem chỗ nào còn lỗ hổng để nâng cấp.
"Thực trạng ở Việt Nam nguồn lực cho bảo mật vẫn chưa nhiều, nhưng sau những vụ việc này thì chắc chắn mọi người sẽ chú ý nhiều hơn và đầu tư nhiều hơn cho bảo mật", ông Dinh cho hay.
Do đặc thù nghề nghiệp mảng bảo mật thường phải đối mặt với sự cố, xử lý sự cố, và chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, để tránh những rủi ro, ông Đức khuyến nghị những lãnh đạo công nghệ trẻ muốn thử sức trong lĩnh vực nàycần chuẩn bị sẵn tinh thần khi lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến ATTT. Họ sẽ phải đối mặt với cả sức ép từ các vụ tấn công nên sẽ khá căng thẳng.
Một thách nữa cho đội ngũ bảo mật là việc đào tạo để nâng cao chuyên môn cũng khó khăn hơn, do không có nhiều trường lớp, chương trình đào tạo dành riêng cho lĩnh vực này. Việc tự học khiến nhiều người có thể nản chí hoặc chọn việc dễ hơn. Đây là đặc thù chung của ngành ATTT từ trước đến nay. Lĩnh vực này khá thiếu nhân sự.
Theo ông Đức nhận định xu hướng tấn công nhắm vào các dự án blockchain sẽ còn gia tăng. Theo đó, đây cũng là lúc thúc đẩy các dự án quan tâm đến bảo mật hệ thống hơn. "Hiện nay chúng tôi cũng hợp tác với khá nhiều dự án về blockchain và nhận thấy họ rất quan tâm đến bảo mật. Tôi nghĩ theo thời gian, các dự án blockchain còn tồn tại trong thời gian tới sẽ đi vào chất lượng nhiều hơn, quan tâm hơn đến phát triển tính năng, cộng đồng và bảo mật".
Ngoài ra, nhu cầu về nhân sự trong mảng blockchain sẽ còn gia tăng. Các tổ chức đào tạo về lập trình cũng cần đón nhận xu hướng này để có đội ngũ nhân sự cung cấp cho thị trường. "Trong một năm vừa rồi, có khá nhiều công ty blockchain Việt Nam nằm trong top thế giới. Tôi hy vọng trong thời gian tới, các dự án blockchain sẽ tiếp tục phát triển về cả chất lượng và số lượng", ông Đức cho hay./.