Truyền thông

Khi chính sách dân số và phát triển đi vào cuộc sống

Đoàn Ngọc Dũng 05/12/2024 14:47

Công tác dân số và phát triển rất quan trọng khi tài nguyên con người sẽ thay thế tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển đất nước bền vững. Việt Nam đã và đang tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Tập trung vào chính sách dân số và phát triển

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến công tác dân số. Chính phủ cũng đã ban hành và thực hiện 4 Chiến lược Dân số thích ứng với từng giai đoạn 10 năm, đó là Chiến lược dân số và kế hoạch hóa gia đình đến năm 2000; Chiến lược Dân số Việt Nam, giai đoạn 2001-2010; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn 2011-2020 và gần đây là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Việc đưa chính sách dân số phát triển đi vào cuộc sống đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện và nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Nhờ đó, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước.

anh-kem-bai-ttcs-29.jpg

Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực; Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh; Từ năm 2007 bước vào thời kỳ dân số vàng.

Ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã khẳng định phương hướng chiến lược mới cho công tác dân số của Việt Nam. Theo đó, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018, phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam triển khai trên quy mô toàn quốc từ năm 2018 - 2030, tập trung vào 11 lĩnh vực chia làm 3 nhóm bao gồm nâng cao sức khỏe, bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, kiểm soát bệnh tật.

Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất trong việc tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Ngoài ra, còn có nhiều chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống của bà con vùng dân tộc thiểu số, trong đó có Chương trình định canh định cư, Chương trình 134, 135, các chương trình thuộc Nghị quyết 30a...

Có thể thấy, các chính sách dân số đi vào cuộc sống đã giúp cho công tác dân số đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo số liệu thống kê, dân số của Việt Nam đến nay là 100,3 triệu người. Chất lượng dân số được cải thiện toàn diện mọi mặt thể chất, trình độ văn hóa, sức khỏe sinh sản, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Mức sinh duy trì ổn định, tỷ lệ tử vong ở mức thấp, tuổi thọ trung bình tăng. Năm 2023, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước là 73,7 tuổi.

Hoàn thiện chính sách dân số để duy trì mức sinh thay thế bền vững

Thực tế cho thấy công tác phát triển dân số, công tác dân số ở Việt Nam hiện nay còn những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững; Chưa có giải pháp đồng bộ, toàn diện thích ứng với già hóa dân số; Tuổi thọ trung bình cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp...

Nguyên nhân là do một số cơ chế, chính sách về dân số chậm được bổ sung, hoàn thiện; Việc tổ chức thực hiện chưa kịp thời, hiệu quả; Đầu tư nguồn lực, nhân lực làm công tác dân số chưa tương xứng; Một số địa phương có mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế,...

Để tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, ngày 15/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số và nâng cao chất lượng dân số; Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số, trọng tâm là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững trên phạm vi cả nước phù hợp giữa các vùng, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Dân số; Khẩn trương thực hiện việc kiện toàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số các cấp; Bố trí đủ nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác dân số tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là các giải pháp để duy trì mức sinh thay thế bền vững, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ, hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân số, nhất là các địa phương có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế; Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số;Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác dân số tại địa phương.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan báo chí cả nước tăng cường thực hiện truyền thông về công tác dân số, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển tăng cường tham mưu, đề xuất, kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác dân số và phát triển./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khi chính sách dân số và phát triển đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO