Diễn đàn

Khi có vi phạm, không đổ hết lỗi cho đối tượng quản lý

Hoàng Linh 03/06/2024 18:02

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, trách nhiệm quản lý nhà nước không được buông lỏng nhưng không đổ hết lỗi cho đối tượng quản lý. Đơn vị quản lý phải nhắc nhở đối tượng quản lý thường xuyên bằng văn bản gửi tới cấp cao nhất của đối tượng quản lý.

bt-nguyen-manh-hung-2.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2024.

CĐS thiết thực để ai cũng được hưởng lợi

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước thuộc Bộ TT&TT ngày 3/6/2024, sau khi lắng nghe việc triển khai trợ lý ảo tại một số đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung triển khai để hỗ trợ thiết thực cho công việc hàng ngày của các cán bộ.

Theo Bộ trưởng, “Trợ lý ảo của tổ chức, đơn vị được “dạy dỗ” bởi những người tinh hoa nhất của tổ chức để những người bình thường của tổ chức được hưởng tri thức ấy. Điều này là quan trọng”.

Bộ trưởng cho biết: “Trợ lý ảo thực sự chỉ có giá trị khi mà những người bình thường cũng tham gia vào quá trình hình thành trợ lý ảo”.

“Thời CĐS, ứng dụng tạo ra công nghệ, ứng dụng hoàn thiện công nghệ. Phần mềm CĐS thì dựa vào dữ liệu. Dữ liệu là đầu vào quan trọng nhất của phần mềm CĐS. Càng nhiều dữ liệu thì phần mềm CĐS càng thông minh mà dữ liệu chỉ sinh ra khi có người dùng, dữ liệu chỉ sinh ra khi ứng dụng và vì thế ứng dụng quyết định sự hoàn thiện của công nghệ”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Một số nhận thức quan trọng trong công tác quản lý nhà nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh một số nhận thức quan trọng.

Đầu tiên, Bộ trưởng lưu ý nguyên tắc Pareto, còn được gọi nguyên tắc 80/20, theo đó, 20% những việc mới, lớn, khó, nhạy cảm thì người đứng đầu các đơn vị phải làm trực tiếp, làm kỹ với yêu cầu cao. Còn 80% các việc thường xuyên giao cấp phó, cấp dưới làm, chịu trách nhiệm. “Tổ chức muốn bền vững thì nền tảng phải bền vững”.

Theo Bộ trưởng, một tổ chức muốn phát triển thì người đứng đầu phải có thời gian tư duy tương lai, tư duy về hoàn thiện hệ thống, không sa đà vào vụ việc.

Bộ trưởng cho rằng cần phải dành thời gian đọc sách. “Nếu không đọc thì không có ai dẫn lối".

"Cán bộ làm nhiều việc hơn và như thế vững hơn và mạnh hơn được. Làm việc ở đây là kết thúc việc, chịu trách nhiệm chính với việc ấy”.

Tiếp theo, Bộ trưởng đề nghị thay đổi cách làm việc kiểu truyền thống đi theo trình tự từ dưới lên. Như vậy, cấp dưới ít được làm việc, ít có cơ hội trao đổi với cấp lãnh đạo cao nhất để học hỏi, trong khi đó, lãnh đạo cấp cao cũng không có cơ hội để "nhìn thấy" và biết được công việc của cán bộ cấp dưới.

Bây giờ phải thay đổi cách làm, cụ thể là mỗi việc lớn, mỗi đề án lập một nhóm công tác. Ai chịu trách nhiệm về đề án thì làm trưởng nhóm, mời thêm Bộ trưởng, Thứ trưởng vào trong nhóm này. Nhóm hoạt động theo cơ chế tư vấn, thảo luận, không có cấp trên, cấp dưới, chỉ có trưởng nhóm là người điều hành, thảo luận. Sau khi đã thảo luận, tư vấn thì báo cáo các cấp theo trình tự, thủ tục theo quy định".

"Những nhiệm vụ quan trọng thì phải hỏi đáp nhiều. Trao đổi qua lại mới thành tư vấn. Mục tiêu là để mọi người cùng quan tâm”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng lưu ý làm thể chế thì không sa đà chi tiết. Quá chi tiết vừa khó, có khi lại sai, mất thời gian, làm chậm sự phát triển. Càng sâu bao nhiêu thì càng đúng ngữ cảnh nhưng chỉ đúng với một ngữ cảnh mà không đúng với ngữ cảnh khác.

Về công tác cán bộ, Bộ trưởng lưu ý làm công tác cán bộ là đi tìm cán bộ bởi cán bộ giỏi không “đi xin”. Công tác cán bộ là việc cụ thể của từng cơ quan, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ. Tìm người tài, đức thì mới gánh vác được các công việc của tổ chức và tổ chức mới thực hiện được các mục tiêu.

Bên cạnh công tác cán bộ, Bộ trưởng lưu ý về công tác thi đua khen thưởng. “Khen thưởng cũng như công tác cán bộ, phải đi tìm người xứng đáng mà khen". Vì theo Bộ trưởng, "những người làm tốt không đi xin khen thưởng”.

Bộ trưởng lưu ý muốn làm được cái gì bài bản thì phải vẽ "bức tranh" trước, sau đó làm thì không bị lỗ chỗ, thụ động. Các đơn vị thường ít vẽ bức tranh trước. Theo đó, từ nay các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ cần thiết lập một bộ danh sách cần thiết cho lĩnh vực. Có được bức tranh toàn cảnh là bộ thể chế trước rồi phân cán bộ, đơn vị làm, phân việc để hoàn thiện bộ thể chế đó. Bộ thể chế cho từng lĩnh vực có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Bộ trưởng yêu cầu đến tháng 8 tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT phải có bộ thể chế. Các Thứ trưởng được giao triển khai và chỉ đạo nhiệm vụ này. Theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT đã làm hai bộ thể chế cho AI và cho CĐS. Theo đó, hai bộ thể chế "mẫu" này phải được gửi các đơn vị thuộc Bộ tham khảo.

Về công tác làm mẫu và thí điểm, Bộ trưởng cho rằng cái mới thì phải làm mẫu, làm cho đến thành công, rồi hướng dẫn chi tiết như là cầm tay chỉ việc. Việc của Bộ TT&TT là chỉ đạo làm mẫu và sau đó ban hành hướng dẫn chi tiết.

“Các cục, vụ chú ý cách làm này đối với những việc mới. Không thể có công cụ, nhân lực làm toàn quốc mà chỉ tập trung làm cho 1 xã, 1 huyện, 1 tỉnh làm đến khi “chạy được”. Từ đó, để đưa ra hướng dẫn chi tiết. Không có hướng dẫn chi tiết thì các địa phương, các bộ, ngành không làm được. Đây là một bài học quan trọng”.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, Bộ TT&TT dẫn dắt CĐS và sắp tổng kết mô hình CĐS cho ngành toà án, sau đó tổng kết, đưa ra bộ hướng dẫn CĐS cho các bộ ngành. Tiếp đó là tổng kết thực tiễn một cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), 1 trung tâm điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh rồi ban hành hướng dẫn.

Bộ trưởng cũng lưu ý các đơn vị về việc trả lời chất vấn của cử tri, Quốc hội cần phải "cụ thể, sâu sắc".

Về công tác thanh, kiểm tra, Bộ trưởng lưu ý, trách nhiệm quản lý nhà nước không được buông lỏng nhưng không đổ hết lỗi cho đối tượng quản lý. Các đơn vị quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm nhắc nhở đối tượng quản lý. Phải giám sát, nhắc nhở thường xuyên, ít nhất là 2 năm 1 lần hoặc 1 năm 1 lần đối với mọi nội dung quản lý của mình, với đối tượng quản lý. Việc nhắc nhở phải thực hiện bằng văn bản gửi tới cấp cao nhất của đối tượng quản lý.

Không thể để tình trạng, không giám sát nhắc nhở thường xuyên mà chỉ xử phạt.

Nâng cao chất lượng mạng lưới viễn thông di động

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương đề nghị các đơn vị chủ động hơn nữa trong công tác, tham gia khảo sát các nền tảng, hạ tầng số của Bộ về kết nối và đề xuất dùng chung cái gì, cái gì dùng riêng.

Văn phòng Bộ TT&TT có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị để trả lời các câu hỏi của các đơn vị ngoài Bộ về lĩnh vực của Bộ TT&TT quản lý một cách chi tiết.

toan-canh-03062024(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Phụ trách lĩnh vực CĐS, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tập trung thí điểm trợ lý ảo của từng đơn vị để chính thức đi vào vận hành từ 1/7. Sắp tới, công tác CĐS toà án sẽ được tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng CĐS cho cho từng lĩnh vực.

Đối với các đơn vị khối viễn thông, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các công tác của các đơn vị trong tháng 6/2024, không được chậm muộn tiến độ và đảm bảo chất lượng các công việc.

Thứ trưởng lưu ý một số công việc quan trọng của khối. Đầu tiên là nâng cao chất lượng mạng viễn thông, đặc biệt là mạng viễn thông di động để thúc đẩy phát triển kinh tế số, trong đó lưu ý nâng cao chất lượng đo lường. Trung tâm Internet (VNNIC) cùng với Cục Viễn thông tập trung phát triển iSpeed trở thành công cụ đo lường quốc gia theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, có khả năng đo lường tự động.

Để nâng cao chất lượng mạng viễn thông, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết sẽ thực hiện hoàn thiện quy chuẩn chất lượng 5G. Cục Viễn thông trình kế koạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động, tham khảo kinh nghiệm của Singapore, Trung Quốc

Thứ hai là xoá lõm sóng. Trong thời gian qua, Thứ trưởng cho biết, Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ đã thông qua việc tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất về hành lang pháp lý.

Thứ ba, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị trong khối, trong đó Cục Viễn thông, VNNIC tiên phong CĐS nội bộ tập trung: (1) xây dựng hệ tri thức khi dữ liệu đã sẵn sàng, (2) tăng cường tối đa sử dụng dữ liệu từ máy sinh ra để phục vụ quá trình ra quyết định, (3) triển khai, kiểm tra giám sát trực tuyến, đặc biệt kết nối trực tuyến của các đơn vị tới hệ thống của đối tượng quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng nhắc nhở các đơn vị thuộc Khối báo chí - xuất bản hoàn thành một số nhiệm vụ. Công tác luân chuyển biệt phái cán bộ trong khối phải thống nhất trước khi triển khai./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khi có vi phạm, không đổ hết lỗi cho đối tượng quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO