4 xu thế lớn của kinh tế thế giới tác động tới nông sản toàn cầu
Tại Diễn đàn quốc tế CĐS nông nghiệp Việt Nam 2021 mới đây, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết có 4 xu thế phát triển kinh tế trên thế giới trong bối cảnh đại dịch tác động tới nông sản toàn cầu. Thứ nhất, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi trong điều kiện thích ứng với COVID-19 và bình thường mới. Thứ hai là xu thế tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm. Đây là giai đoạn các nước thúc đẩy cam kết, đi vào triển khai mạnh mẽ về tăng trưởng xanh, như Mỹ áp dụng thuế carbon với hàng nhập khẩu có phát thải từ một số nước, EU yêu cầu cắt giảm 40% lượng khí thải đến năm 2030... Thứ ba là ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển CĐS. Thứ tư là xu thế mới nổi là sự phát triển kinh tế tuần hoàn, ưu tiên phát triển bền vững.
"Trong các xu thế tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống, thì sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và những thách thức an ninh phi truyền thống như khí hậu, COVID-19... đã tạo bước ngoặt sâu sắc đối với kinh tế thế giới. Trong đó CĐS được đánh giá là xu thế chi phối, tác động đến nhiều ngành nghề khác", bà Hằng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đại dịch, bà Hằng chia sẻ, hiện nay hầu hết đánh giá đều cho rằng COVID-19 sẽ tồn tại lâu dài và khó để đánh giá, thậm chí có thể thành dịch cúm mùa. "Với chiều hướng đó, chúng tôi cho rằng ngành Nông nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn, đứng trước nhiều thách thức và cơ hội, giúp phát triển bứt phá hơn".
Qua nghiên cứu, bà Hằng chỉ ra 6 chiều hướng của ngành nông nghiệp tương lai: giá cả nông sản, lương thực thời gian tới sẽ bất ổn; nguồn cung sẽ mang tính thiếu bền vững cao; xu thế tiêu dùng có sự thay đổi, chẳng hạn nhận thức dinh dưỡng, các sản phẩm mang tính hữu hình hội tụ nhiều yếu tố; tính cấp bách của vấn đề phát triển nông nghiệp xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; CĐS trong nông nghiệp và ngành Nông nghiệp trong thời gian tới áp dụng kinh tế tuần hoàn - Nông nghiệp là một trong 10 lĩnh vực có cơ hội lớn để đầu tư, dịch chuyển sang kinh tế tuần hoàn.
Áp dụng công nghệ để giải quyết vấn đề của nông nghiệp
Để thúc đẩy CĐS, việc áp dụng công nghệ cần được đẩy mạnh. Chia sẻ thông tin phát triển nông nghiệp thông minh ở Nhật Bản, PGS. TS. Trần Đăng Xuân, Đại học Hiroshima cho biết doanh thu nông nghiệp thông minh ở Nhật Bản dự kiến tăng gần gấp 3 lần doanh thu bán hàng từ 144,6 triệu USD vào năm 2019 lên 403,4 triệu USD vào năm 2025. Nhật Bản có nhiều trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu từ chính phủ đến địa phương, hoạt động theo hệ thống nhằm hỗ trợ nông dân canh tác kỹ thuật số một cách hiệu quả nhất.
Đến năm 2019, hàng năm một nông dân Nhật Bản xuất khẩu nông sản trung bình thu được là 40.000 USD, trong khi ở Việt Nam con số này chỉ vào khoảng 1.000 USD. "Do đó, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật số để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của Việt Nam là cần thiết", PGS. TS. Trần Đăng Xuân nhấn mạnh.
Hiện nay, khoảng 70% trong 98 triệu người dân Việt Nam có độ tuổi dưới 35, thích hợp cho việc sử dụng Internet để tiếp cận dữ liệu, phục vụ nông nghiệp số. Tuy nhiên, theo PGS. TS. Trần Đăng Xuân, tại Việt Nam, hầu hết nông dân sử dụng điện thoại di động để liên lạc và giải trí thay vì các mục đích để liên quan đến nông nghiệp. Nhiều nông dân hộ nhỏ vẫn e ngại việc sử dụng các ứng dụng số mới để cải thiện phương thức canh tác.
Còn theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất khẩu, Bộ Công thương, thương mại hiện nay đã có rất nhiều thay đổi so với thương mại truyền thống, bao gồm việc ứng dụng CNTT trong quá trình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để mang lại sự khác biệt lớn.
Theo đó, ông Hải cho rằng nông dân, doanh nghiệp (DN) nông sản Việt Nam cần tích cực tham gia sàn TMĐT. Lấy ví dụ như sàn TMĐT Alibaba là loại sàn TMĐT B2B lớn nhất thế giới và nhiều DN Việt Nam cũng là thành viên của sàn này. Bên cạnh đó, bản thân sự thu hút của sàn này với các nhà nhập khẩu của các khu vực khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ cũng giúp cho các DN Việt Nam thông qua đó có thể tiếp cận đến các tệp khách hàng khác nhau mà không phải tốn các chi phí để làm giao dịch xúc tiến như gặp mặt trực tiếp (offline).
Việt Nam đã có những sàn TMĐT như vậy, ví dụ sàn TMĐT của Bộ Công thương (Cục TMĐT và Kinh tế số, Cục Xúc tiến Thương mại và Kinh tế số), sàn TMĐT của các DN nhưng vấn đề là bên cạnh yếu tố công nghệ thì còn yếu tố về dữ liệu, kết nối để làm sao huy động được các thành viên tham gia vào. "Như vậy, để nhiều DN Việt Nam tham gia các sàn trong nước, các sàn phải cho được lợi ích kết nối không chỉ giữa các DN Việt Nam mà còn DN nước ngoài", ông Hải cho hay.
Một ứng dụng công nghệ hiệu quả nữa trong lĩnh vực nông nghiệp được ông Hải nhận định là ứng dụng máy bay không người lái để phục vụ bón phân, phun thuốc trừ sâu. Đồng bằng Sông Cửu Long đang ứng dụng rộng rãi. Đây là một ứng dụng công nghệ không lớn lao nhưng hiệu quả cao cho người nông dân, HTX bên cạnh tiết kiệm vật tư, nguyên vật liệu, nâng cao năng suất và giảm rủi ro khi tiếp xúc. Trong thời gian tới, Hiệp hội Nông nghiệp số (VDA) cần hỗ trợ các địa phương, nông dân ứng dụng nhiều.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ từ nông nghiệp Hà Lan, ông Frans Lips, cán bộ chính sách cấp cao, Bộ Nông nghiệp thiên nhiên và Chất lượng thực phẩm Hà Lan cho biết nước này cũng phải đối mặt với biến đổi khí hậu, lũ lụt, áp lực từ việc sử dụng quá nhiều đất, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Hà Lan có 17 triệu dân và diện tích đất nhỏ, nông dân cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động và có nhiều quy định về môi trường. Áp dụng công nghệ là giải pháp cho nông nghiệp để giải quyết các vấn đề của ngành.
Theo đó, Hà Lan thấy cần ứng dụng nhiều công nghệ mới như dữ liệu lớn, AI, bản sao số… để làm nên nông nghiệp chính xác.
"Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã làm tăng năng suất của người lao động và thu hút nhiều bạn trẻ hơn bởi các bạn trẻ rất thích công nghệ. Chúng tôi có chương trình phổ biến, xây dựng giáo trình cho sinh viên để các em hiểu và áp dụng trong thực tế; chương trình đào tạo nông dân trở thành đại sứ nông nghiệp", ông Frans Lips nhấn mạnh.
Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Ông Kohei Sakata, Giám đốc bộ phận Nông nghiệp kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer cho biết, tại châu Á, Bayer cho ra mắt công cụ tư vấn kỹ thuật số FarmRise ngay trên điện thoại thông minh, hỗ trợ cho nông dân Ấn Độ trong quá trình trồng ngô và rau. Tại Trung Quốc, ứng dụng bảo vệ cây trồng với máy bay không người lái đã sẵn sàng được thương mại hóa rộng rãi. Bayer cũng đang thúc đẩy đổi mới công nghệ với các đối tác kinh doanh và kỳ vọng có thể triển khai tại Việt Nam trong tương lai.
Tại Việt Nam, Bayer xác định mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ để phát triển nông nghiệp bền vững. Tập đoàn cam kết thúc đẩy nền kinh tế số ngay ở khu vực nông thôn tại Việt Nam, cho các nông hộ nhỏ, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Với hy vọng hỗ trợ cho nông dân Việt Nam vượt qua khó khăn do biến đổi khí hậu, COVID-19 và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, Bayer Việt Nam đã phát triển các dự án kỹ thuật số khác nhau như MyAgrolink, Airfarm.
Trong đó, MyAgrolink là ứng dụng trực tuyến kết nối nông dân với nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp uy tín. Ứng dụng giúp người dùng tiết kiệm thời gian, dễ kết nối, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Bayer kỳ vọng myAgrolink mang đến 4 lợi ích cho những người hoạt động trong ngành nông nghiệp, gồm tiết kiệm thời gian, kết nối dễ dàng, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Còn Airfarm là nền tảng canh tác kỹ thuật số kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp, giúp nông dân và DN cải thiện chất lượng cây trồng thông qua dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái hay phân tích và dự đoán. Airfarm cũng cung cấp nhiều loại sản phẩm, dịch vụ như đào tạo trực tuyến, phần mềm quản lý trang trại, tư vấn kỹ thuật số và thị trường.
Theo ông Kohei Sakata, các sản phẩm công nghệ, thực hành và quan hệ đối tác góp phần quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp, sinh kế của nông dân. Cùng với đó là giảm tác động môi trường của nông nghiệp, tăng năng suất và hiệu quả cho nhà nông.
Tích cực hỗ trợ hộ nông dân CĐS
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng cục Chế biến và mở rộng thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, Việt Nam có 9,2 triệu hộ nông dân. Muốn CĐS nông nghiệp thì 9,2 triệu hộ nông dân phải có định danh, hồ sơ (profile) trên nền tảng điện tử, để làm được thì phải có các thiết chế TMĐT, giao dịch, bảo hộ sở hữu trí tuệ. "Đây có thể nói là combo cho hộ nông dân".
Khi hỗ trợ người nông dân, theo ông Toản, phải cầm tay chỉ việc CĐS cho người nông dân. Nhiều tri thức trẻ ở khu vực nông thôn rất giỏi về CNTT, theo đó phải tận dụng đội ngũ này.
Ông Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, câu chuyện CĐS, đặc biệt là CĐS trong nông nghiệp mà đối tượng chủ yếu là mấy chục triệu bà con nông dân là một câu chuyện, thách thức lớn. Khi thực hiện Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ NN&PTNT đã bắt tay xây dựng Đề án chung về CĐS và định hình các quan điểm chỉ đạo trong thực tiễn để thúc đẩy CĐS, theo đó đối tượng chính là bà con nông dân. Mặc dù điều kiện hạ tầng CNTT, khả năng tiếp cận, trình độ tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thường thấp, tuy nhiên, vừa qua có nhiều mô hình sáng tạo và CĐS thành công từ thực tiễn.
Lấy ví dụ, ông Thành cho biết trong ngành tôm có mô hình hay ở Trà Vinh của ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty CP RYNAN Smart Fertilizers. Mô hình đã xây dựng chuỗi tôm đạo đức, theo đó, mô hình dẫn dắt, hỗ trợ, tổ chức thực hiện CĐS trong cả chuỗi từ quản lý, cung cấp dịch vụ, đầu vào (con giống, thức ăn), kiểm soát quá trình nuôi, dịch bệnh rất bài bản và khá tốt. Ông Mỹ đưa ra quan điểm rất hay là DN đầu tư "súng" và sau đấy là người nông dân chỉ "bắn đạn". Ông Mỹ đã hỗ trợ mọi thứ cho nông dân từ phần mềm, trang thiết bị và người nông dân, còn người nông dân lo các nguyên vật liệu, vật tư, kiểm soát quy trình nuôi. Hiện nay mô hình nuôi tôm theo hướng CĐS đã được áp dụng thành công và được tập đoàn tôm Minh Phú hỗ trợ với sự kết hợp giữa nhà sản xuất và hàng trăm, ngàn hộ nông dân để hình thành chuỗi.
Từ thực tiễn tiêu thụ vải thiều thành công lớn nhờ sự hỗ trợ của TMĐT trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết: "CĐS là một xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do CĐS mang lại. Thực tế đã cho thấy, CĐS là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể. CĐS kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa DN với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra"./.