Khởi nghiệp Việt Nam và 3 cái tên tiệm cận ngưỡng kỳ lân đầy tiềm năng

Thuỳ Chang| 27/07/2022 14:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Bên cạnh 4 cái tên nổi bật trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng của các startup trong các lĩnh vực tăng trưởng "thần tốc" như thương mại điện tử (TMĐT) hay fintech hứa hẹn sẽ xuất hiện thêm nhiều kỳ lân tiếp theo giúp Việt Nam thu hút thêm các dòng vốn đầu tư khủng trong tương lai.

Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự tăng trưởng được thể hiện cụ thể qua việc vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp (startup) trong năm 2018 chỉ là 5% nhưng trong năm 2019 đã tăng lên tới 17%. 

Cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng, lên tới 50% về số lượng các nhà đầu tư và quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore chiếm 30% trong nhóm này, phản ánh hoạt động tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Theo các chuyên gia, sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay có được một phần là do sự ủng hộ và đồng hành từ phía nhà nước và chính phủ.

Thành quả của những chính sách nhằm phát triển ĐMST

Có thể thấy, trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và sự ra đời của ngày càng nhiều các giải pháp, ý tưởng ĐMST tại Việt Nam, các cơ quan ban ngành và chính phủ đã triển khai rất nhiều chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của DN ở các khía cạnh: chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khối DN SME và hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. 

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị và tổ chức hỗ trợ sự phát triển ĐMST trực thuộc chính phủ Việt Nam được thành lập, điển hình như NATEC - Cục phát triển thị trường và DN Khoa học và Công nghệ (KH-CN), NSSC - Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, NIC - Trung tâm ĐMST Quốc gia là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Tại Việt Nam, các hoạt động, chương trình dành cho các startup cũng đang được đẩy mạnh triển khai hướng tới mục đích tạo nên môi trường giúp startup cùng ý tưởng của mình phát triển và tiến xa hơn, đồng thời tìm kiếm những DN tiềm năng và mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến, đầu tiên là chương trình Techfest Vietnam, nền tảng kết nối quốc gia cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, hướng tới nâng cao năng lực, liên kết và hoạt động của các chủ thể trong hệ sinh thái nhằm thúc đẩy sáng kiến công nghệ, hội tụ nguồn lực hỗ trợ startup, khuyến khích đổi mới và hình thành tư duy ĐMST mở.

Ngoài ra, với Vietnam Venture Summit, chương trình đã đóng vai trò là bệ phóng cho các startup thông qua các hoạt động ươm tạo và thúc đẩy, từ đó xây dựng một hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh trên quy mô lớn để cho phép chuyển giao, phát triển và thương mại hóa công nghệ.

Hay Vietnam Innovation Summit, nơi triển lãm các giải pháp và sản phẩm sáng tạo là không gian để các startup chia sẻ về ý tưởng độc đáo của DN, đồng thời mở rộng kết nối với các chuyên gia hàng đầu, người có ảnh hưởng trong xã hội và các DN, tập đoàn lớn.

Ông Lý Đình Quân, Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - SONGHAN Incubator chia sẻ: "Trong bối cảnh COVID-19, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục lan tỏa vào các chính sách vĩ mô, bộ ngành, địa phương,.. đặc biệt là Đại hội Đảng 13 đã đưa khởi nghiệp ĐMST, chuyển đổi số, KH-CN là nhiệm vụ trọng tâm và quyết sách cho giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn, mục tiêu 2030 và 2045. Sự chuyển dịch tư duy phát triển và kế hoạch hành động về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã có sự chuyển dịch rõ nét, như phát triển ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, du lịch, đô thị thông minh, logistics,... ".

Ngoài ra, hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã lan tỏa vào các trường đại học (ĐH) mạnh mẽ, mạng lưới nghiên cứu các nguồn lực tri thức với gần 300 trường ĐH, cao đẳng tham gia. Cùng với đó mạng lưới các nhà trí thức và chuyên gia của kiều bào ở hơn 20 quốc gia đã được liên kết, hợp tác. Các trường ĐH, cao đẳng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của khởi nghiệp ĐMST. 

Đặc biệt các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển khởi nghiệp ở các địa phương đã được ban hành cụ thể, dễ dàng triển khai, trong đó có việc xây dựng các cổng thông tin điện tử về khởi nghiệp ĐMST, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp,... hàng trăm startup đã nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước gần 2 năm qua, báo hiệu cho giai đoạn chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã đi vào cuộc sống ngày càng sâu.

"Điểm mặt" 4 kỳ lân khởi nghiệp của Việt Nam

Unicorn - kỳ lân công nghệ là một thuật ngữ không mấy xa lạ trong giới khởi nghiệp dùng để chỉ các startup công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD. Hiện nay, với 4 kỳ lân công nghệ, trên bản đồ khu vực, Việt Nam đứng thứ ba, sau Singapore và Indonesia trên bản đồ khu vực về số lượng unicorn.

Đầu tiên là VNG, công ty được thành lập vào năm 2004 trong mảng phát triển game, và đến năm 2014, công ty được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá 2,2 tỷ USD. 

VNG hiện hoạt động với 4 mảng kinh doanh cốt lõi: Trò chơi trực tuyến; Nền tảng kết nối; Tài chính và thanh toán và Dịch vụ đám mây. Công ty này cũng đầu tư vào một số startup như trang thương mại điện tử Tiki, nền tảng cung cấp quà tặng Got It, công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa Eco Truck.

Kỳ lân thứ 2 là Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam VNPAY thành lập năm 2007. VNPay vốn được nhiều người biết đến với mạng lưới thanh toán bằng mã QR, đặc biệt là ở các thành phố lớn. VNPAY được cho là chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn tháng 11/2020 từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC. Trong tháng 7 vừa qua, công ty mẹ của VNPay là VNLife, đã huy động được 250 triệu USD trong vòng series B nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và các giải pháp tiên tiến cho thương mại, dịch vụ.

Tiếp theo là MoMo khi gần đây, ví điện tử này cho biết đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, dẫn dắt bởi Mizuho Bank, bên cạnh Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Trước đó, theo thông tin từ tờ Nikkei, riêng Mizuho chi 20 tỷ yen (170 triệu USD) mua 7,5% cổ phần M-Service - công ty sở hữu MoMo. Vòng gọi vốn thứ 5 này có quy mô lớn nhất trong tất cả lần gọi vốn, nâng giá trị MoMo vượt mức 2 tỷ USD". 

Công ty cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính đến khách hàng hiện hữu, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho DN nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) và đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái. Công ty cũng sẽ mở rộng dịch vụ tại các thành phố cấp 2, cấp 3 và nông thôn.

Cuối cùng là kỳ lân công nghệ trẻ nhất nhưng hoá kỳ lân nhanh nhất. Sky Mavis thành lập năm 2018, là công ty phát triển trò chơi đình đám Axie Infinity, tựa game NFT chạy trên nền tảng blockchain. Thu hút 2,6 triệu người chơi, Axie Infinity không phải là game blockchain đầu tiên trên thế giới nhưng là game thành công nhất tính đến thời điểm hiện nay khi mở ra trào lưu game blockchain gây sốt tại Việt Nam và trên thế giới. Tháng 10/2021, công ty nhận vốn vòng series B với 152 triệu USD với định giá lên 3 tỷ USD, chính thức trở thành 1 trong 4 kỳ lân công nghệ của người Việt.

Những cái tên được kỳ vọng sớm hóa kỳ lân

Mới đây, Forbes Vietnam vừa điểm lại các công ty "cận" kỳ lân và các startup triển vọng tạo ra mô hình kinh doanh độc đáo hoặc lợi thế cạnh tranh có thể tiến xa. Tiêu biểu như Kyber Network là một trung tâm thanh khoản dựa trên blockchain kết nối thanh khoản từ nhiều nguồn khác nhau để trao đổi tiền mã hóa tức thì và an toàn trong bất kỳ ứng dụng phi tập trung nào mà không cần trung gian. Kyber Network được phát triển trên nền tảng blockchain Ethereum, có thể được tích hợp vào dApp, giúp cho người dùng có thể giao dịch và chuyển đổi giữa các loại tiền kỹ thuật số ngay lập tức. Các sản phẩm chính gồm sàn giao dịch phi tập trung KyberSwap và nền tảng quản lý tài sản số Krystal. Trong đó, KyberSwap là một trong những sàn giao dịch phi tập trung (DEX) lớn nhất hiện nay.

Năm 2017, Kyber Network gọi vốn thành công, thu về 52 triệu USD, trở thành một trong những thương vụ gọi vốn lớn nhất trong lịch sử startup Việt Nam và nằm trong top 10 startup huy động vốn theo hình thức ICO lớn nhất thế giới ở thời điểm đó.

Một cái tên khác là nền tảng Giao Hàng Nhanh (GHN) do Lương Duy Hoài sáng lập năm 2012, tiên phong trong lĩnh vực e-logistics, thuộc hệ sinh thái Scommerce với 6 dịch vụ khác biệt trên cùng một nền tảng. Năm 2018, công ty này nhận vốn đầu tư từ Olympus Capital Asia và đến cuối năm 2019, Temasek đầu tư hơn 100 triệu USD vào Scommerce.

Cuối cùng là Amanotes, đơn vị được biết đến trên thị trường là nhà phát hành trò chơi điện tử dẫn đầu thế giới trong phân khúc trò chơi âm nhạc với 2,6 tỉ lượt tải trên kho ứng dụng Google Play và iOS.

Với mô hình kinh doanh tạo ra dòng tiền, Amanotes chưa trải qua vòng gọi vốn nào nhưng vẫn tự lớn mạnh và phát triển. Mục tiêu kinh doanh của Amanotes là xây dựng hệ sinh thái âm nhạc hoàn chỉnh, tạo ra những ứng dụng cho cộng đồng yêu nhạc cũng như hỗ trợ các nhà lập trình độc lập đưa sản phẩm đến người dùng.

Việt Nam mang hy vọng đổi ngôi trong "tam giác vàng khởi nghiệp"

Hiện nay, Việt Nam đang nằm trong tam giác vàng của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đông Nam Á khi đứng trong top 3 các quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm nhất năm 2021. Theo báo cáo "ĐMST và đầu tư công nghệ Việt Nam" được công bố mới đây, khoảng cách về tổng số vốn của các startup Việt so với hai "kẻ dẫn đầu" còn khá xa, cụ thể trong khi Singapore chiếm 33%  và Indonesia chiếm 41% tổng số vốn đầu tư thì Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 13% tổng đầu tư vào khu vực.

Tuy nhiên, sự phát triển của các kỳ lân tiềm năng nối tiếp khi các nhà đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng vào startup Việt chính là niềm hy vọng về sự thu hẹp khoảng cách về nguồn vốn đầu tư giữa ba quốc gia. Với lợi thế cạnh tranh đến từ thị trường 100 triệu dân cởi mở và sẵn sàng trải nghiệm các công nghệ mới, Việt Nam chính là một điểm đến lý tưởng khi các ý tưởng, giải pháp luôn được "chào đón" và ứng dụng trên thị trường. 

Bà Phạm Thị Thu Hằng - Chủ tịch HĐQT Nền tảng kết nối ĐMST BambuUP nhấn mạnh: "Lợi thế này không chỉ khiến startup Việt Nam có thêm nhiều cơ hội mà nhiều startup nước ngoài cũng muốn sang Việt Nam cung cấp sản phẩm. Đây là chỉ dấu cho thấy Việt Nam lạc quan trong việc tiếp cận công nghệ, điều này giúp startup Việt Nam bù đắp thiệt thòi về vốn, công nghệ, bắt kịp với các thị trường khác"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp Việt Nam và 3 cái tên tiệm cận ngưỡng kỳ lân đầy tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO