Kiểm soát chất lượng đồ cũ là bài toán lớn nhất của mô hình Re-commerce

NK| 13/10/2022 13:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ThinkZone, bài toán lớn nhất của Re-commerce (việc mua bán những món đồ đã qua sử dụng) là kiểm soát chất lượng đồ cũ. Bên cạnh việc nền tảng chia sẻ thời trang (SSSMarket) ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để chấm điểm chất lượng, ThinkZone cũng đang đồng hành, hỗ trợ startup giải quyết bài toán này.

Mô hình tạo giá trị cho nhiều người với tiềm năng thị trường lớn

Tháng 8/2022, SSSMarket là ứng dụng điện thoại di động dựa trên nền tảng chia sẻ thời trang và cộng đồng được ra mắt từ năm 2020 đã gọi vốn thành công 450.000 USD trong vòng tiền hạt giống do Thinkzone và Goodwater Capital dẫn đầu.

Theo đại diện của SSSMarket, dòng vốn mới này sẽ giúp startup này tập trung phát triển sản phẩm, tăng tính trải nghiệm người dùng, đặc biệt là việc xây dựng hệ thống công nghệ AI - trợ lý thời trang ảo trên ứng dụng - hoàn thiện hơn, giúp đề xuất sản phẩm đúng theo sở thích và tiết kiệm thời gian mua sắm cho người dùng.

SSSMarket là sàn thương mại điện tử dành cho thời trang giúp người dùng mua sắm thời trang dễ dàng, nhanh chóng, chuẩn nhu cầu thông qua các tính năng thông minh. Bằng việc kết hợp công nghệ với thời trang, SSSMarket mong muốn tối ưu quy trình mua sắm, kết nối các tủ đồ cá nhân, từ đó giúp giảm thiểu lãng phí thời trang - ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ hai thế giới - hướng tới thời trang bền vững, thân thiện môi trường.

Trên nền tảng Re-commerce này, người bán có thể bán lại những món đồ thời trang cũ cho người mua, với sự hỗ trợ quản lý đơn hàng và vận chuyển bởi SSSMarket. Bên cạnh đó, nền tảng còn giúp cho các chủ shop quần áo, các hãng thời trang giải quyết hàng tồn kho, đó là những món đồ tuy mới nhưng đã không còn ưa chuộng trên thị trường. Với người mua, họ có thể tìm được những món đồ được bảo đảm chất lượng bởi nền tảng, và cũng phù hợp với phong cách thời trang của mình.

"Khi cân nhắc các mô hình kinh doanh để khởi nghiệp, mình muốn lựa chọn mô hình nào có thể tạo giá trị cho nhiều người, đi kèm với tiềm năng thị trường lớn, và mình đã chọn Re-commerce", ông Trần Vũ Anh, đồng sáng lập của SSSMarket nói.

Chính nhờ ý tưởng hướng tới lợi ích cho cộng đồng và xã hội, SSSMarket không chỉ nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ mà còn được các nhãn hàng, các tổ chức xã hội đánh giá cao. Ứng dụng được vinh danh tại nhiều giải thưởng như Start up Wheel, Lãnh đạo công nghệ trẻ 2022. SSSMarket cũng nhận sự ủng hộ và hợp tác của nhiều thương hiệu nội địa. Tính đến tháng 7/2022, nhiều thương hiệu nổi bật đã lựa chọn mở gian hàng trên SSSMarket như MC21 Studio, Teeholic,... Sự ủng hộ to lớn này chính là động lực để SSSMarket phát triển hơn nữa với sứ mệnh đóng góp và xây dựng một thế giới thời trang bền vững hơn.

Bài toán kiểm soát chất lượng đồ cũ là vấn đề lớn nhất của mô hình Re-commerce - Ảnh 1.

Trần Vũ Anh, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành SSSMarket.

Tạo giá trị cho người dùng, thị trường thông qua 3 chữ "S"

Mới đây, chia sẻ trên trang blog của mình, Quỹ đầu tư ThinkZone đã lý giải vì sao quyết định đầu tư vào SSSMarket. Cụ thể, theo ThinkZone, thị trường ReCommerce được xem là mảnh đất vô cùng màu mỡ, khi mà trên thế giới đã có nhiều mô hình thành công với định giá hàng tỷ USD như Vinted, ThredUP, Depop. Theo báo cáo từ ThredUp, kể từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thị trường secondhand (đồ cũ) được dự đoán có thể tăng trưởng gấp 3 lần từ 28 tỷ USD năm 2019 lên tới 80 tỷ USD vào năm 2029.

ThinkZone Ventures nhận thấy cơ hội lớn từ thị trường secondhand đang bị bỏ ngỏ tại Việt Nam, và đặc biệt là vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng, một phần lớn do ảnh hưởng từ ngành công nghiệp thời trang. "Điều đó đã phần nào dẫn tới quyết định - ThinkZone Ventures đầu tư vào nền tảng chia sẻ thời trang SSSMarket, với mong muốn đồng hành và hỗ trợ cùng startup tạo ra tác động tích cực cho xã hội", thông tin từ ThinkZone khẳng định.

Cũng theo thông tin từ ThinkZone, khi trò chuyện với ông Andy Trần, quỹ đầu tư này thực sự được truyền cảm hứng bởi những giá trị mà startup này hướng đến thông qua ý nghĩa của "SSS". Cụ thể, chữ "S" đầu tiên là "Social" - hướng về cộng đồng, SSSMarket khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường tới những bạn trẻ yêu thời trang, nhờ việc khuyến khích trao đổi đồ cũ trên nền tảng. Qua đó, SSSMarket giúp giảm bớt chi phí trong ngành may mặc, tiết kiệm được một khoản tiền cho cả người mua và người bán.

Chữ "S" thứ 2 là "Sharing" - chia sẻ và lan tỏa thông qua ngôn ngữ thời trang. Trong bối cảnh phái nữ thường sở hữu rất nhiều quần áo, tuy nhiên cũng rất nhiều quần áo chỉ được khoác lên sau một vài lần mặc rồi bị bỏ quên ở một góc tủ. Vì vậy, có một bài toán được đặt ra: "Thay vì không dùng và "cất" mãi ở một góc tủ, tại sao ta không trao đổi lại những quần áo đó cho những người dùng cần chúng?".

Chữ "S" cuối cùng, đó là "Shoperience" - trải nghiệm mua sắm thông minh và mới mẻ. SSSMarket mong muốn thay đổi trải nghiệm thời trang bằng cách đề xuất cho người dùng các sản phẩm tương tự, hợp phong cách, sử dụng AI và học máy để đảm bảo người dùng tìm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Cùng với đó, nền tảng tạo ra trải nghiệm mua sắm tiện lợi và mượt mà như TikTok, Facebook, phù hợp với thị hiếu trải nghiệm các ứng dụng di động của người trẻ.

"Không chỉ dừng lại ở một tầm nhìn lớn lao, đội ngũ SSSMarket cũng thực sự chứng minh được năng lực của đội ngũ trong việc hiện thực hóa tầm nhìn đó", thông tin từ ThinkZone khẳng định.

Tăng trưởng ấn tượng của SSSMarket trong năm 2022

Theo đó, SSSMarket đã nhanh chóng chinh phục cộng đồng thông qua câu chuyện đầy ý nghĩa của mình. Đội ngũ tích cực chia sẻ nền tảng với các chủ shop đồ secondhand, KOL (những người có tầm ảnh hưởng) và ngay lập tức, nhận được phản hồi tích cực từ họ, kiểm chứng nhu cầu thị trường cho việc mua bán đồ secondhand. Từ tháng 1 tới tháng 8/2022, số lượng người dùng tăng vọt từ gần 200.000 người dùng lên tới hơn 650.000 người dùng. Bên cạnh dấu hiệu tích cực về lượng người dùng tăng lên, trong năm nay, tình hình hoạt động kinh doanh của SSSMarket khá vững chắc, được thể hiện qua chỉ số GMV (tổng giá trị hàng hoá). So với quý 1/2022, GMV của SSSMarket trong quý II tăng gần 32%, đặc biệt trong tháng 7, chỉ số này tăng gấp đôi so với 2 tháng trước đó.

Tuy nhiên, theo ThinkZone, vấn đề lớn nhất của mô hình Re-commerce là bài toán kiểm soát chất lượng của đồ secondhand khi nền tảng mở rộng quy mô. Vấn đề này cũng đang được SSSMarket giải quyết hiệu quả bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo chấm điểm chất lượng cho các món đồ được đăng bán. Dựa vào thang điểm, SSSMarket có thể đánh giá và kiểm soát được chất lượng quần áo trên nền tảng của mình.

ThinkZone Ventures hiện cũng đang nỗ lực kết nối hợp tác giữa SSSMarket và tập đoàn Phú Thái Holdings - nhà đầu tư vào ThinkZone Fund II - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu Việt Nam trên cơ sở thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ các ngành hàng khác nhau, trong đó có ngành thời trang. Nhờ đó, SSSMarket có thể tiếp cận rộng rãi hơn với các hãng thời trang, đẩy mạnh số lượng người bán uy tín trên nền tảng.

"Bằng nguồn lực và mạng lưới hỗ trợ của mình, ThinkZone Ventures sẽ tiếp tục hỗ trợ và cùng SSSMarket phát triển trở thành mô hình Re-commerce đi đầu ở thị trường Việt Nam, trở thành một phần trong hành trình hiện thực hóa những tầm nhìn lớn lao mà startup này hướng tới", thông tin từ ThinkZone khẳng định./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất lượng đồ cũ là bài toán lớn nhất của mô hình Re-commerce
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO