"Kiên cố hóa" hạ tầng viễn thông để có thể chống chọi thiên tai
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, từ cơn bão số 3, cần rút ra bài học cho những tình huống tương tự. Các tỉnh phải xây dựng kế hoạch cho phương án khẩn cấp, hằng năm rút kinh nghiệm, kiên cố hoá hạ tầng. Các nhà mạng phải có ý thức chuyển từ hạ tầng “alô” sang hạ tầng số.
Ngày 12/9/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Quý III/2024 với các Sở TT&TT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị.
Thông tin liên lạc bị thiệt hại nề
Tại hội nghị, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh cho biết cho biết, đến ngày 12/9, lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã được khôi phục và thông tin liên lạc (TTLL) đã thông suốt.
Tính đến 16h chiều ngày 11/9, sóng di động của 3 nhà mạng VinaPhone, Viettel, MobiFone đã đảm bảo thông suốt 80% trên địa bàn toàn tỉnh. Trong ngày hôm nay, 12/9, Sở TT&TT cam kết với tỉnh đảm bảo thông suốt toàn bộ mạng lưới để phục vụ đời sống dân sinh cũng như hoạt động sản xuất.
Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh cũng thông tin trong cơn bão số 3, các doanh nghiệp (DN) viễn thông, bưu chính, truyền hình cáp, Trung tâm truyền thông, báo chí của tỉnh đã bị thiệt hại vô cùng nặng nề.
Mạng lưới viễn thông hiện vẫn đang được khắc phục và chưa thể đánh giá hết được mức độ thiệt hại. DN truyền hình cáp trên địa bàn thiệt hại khoảng 9,5 tỷ đồng. Thiệt hại của DN bưu chính ước tính là 3 tỷ đồng. Trung tâm truyền thông tỉnh thiệt hại lớn từ cơ sở vật chất, phương tiện cho đến các trạm phát sóng nhưng vẫn duy trì được các hoạt động thông tin tuyên truyền.
Từ thực tiễn mạng lưới viễn thông chống chọi với cơn bão số 3, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh kiến nghị Bộ TT&TT xem xét điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông để có thể ứng phó trước những tình huống thảm họa, thiên tai nghiêm trọng trong điều kiện biến đổi khí hậu thời tiết đang ngày càng phức tạp bởi các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện nay chỉ đáp ứng trong những điều kiện thông thường.
Lãnh đạo Sở TT&TT cũng đề xuất xây dựng các phương án đảm bảo TTLL trong các trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành như có các phương án thay thế thiết bị.
Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị Bộ TT&TT vào cuộc ngăn chặn tệ nạn tin giả, tin thất thiệt, các trang fanpage được thiết lập để lừa đảo bằng cách kêu gọi ủng hộ.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Sở TT&TT Hải Phòng cho biết, trước bão, Sở TT&TT cùng các DN viễn thông đã đi kiểm tra và hạ tải 87 trạm BTS. Khi bão xảy ra, TP. Hải Phòng đã có 48 trạm BTS bị gãy đổ, nặng nhất là trạm BTS ở đảo Cát Bà. Trạm BTS ở đảo Bạch Long Vĩ cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo TTLL cho UBND huyện với UBND Thành phố. Hải Phòng đã đảm bảo TTLL bằng điện thoại vệ tinh.
Sở TT&TT Hải Phòng đã phối hợp cùng với các nhà mạng Viettel, VNPT khắc phục được tuyến cáp quang ra đảo Cát Bà bằng cách "đi nhờ" hệ thống cáp của Tập đoàn Sun Group.
Theo Sở TT&TT Hải Phòng, đến trưa ngày 11/9, TTLL của hai đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ đã được khôi phục qua mạng VinaPhone. Tối ngày 12/9, 90% sóng di động của 3 nhà mạng sẽ được đảm bảo.
Các DN đang tiếp tục khắc phục và hiện vẫn chưa đánh giá được hết mức độ thiệt hại. Trong khi đó, hệ thống truyền thanh số vẫn đảm bảo phát đi được các công điện.
Qua thực tế của tình hình bão số 3, Sở TT&TT Hải Phòng kiến nghị triển khai hệ thống điện thoại vệ tinh để phục vụ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) TP. Hải Phòng.
Sở TT&TT Hải Phòng cũng kiến nghị các trung tâm huyện, xã cần có các trạm BTS kiên cố để đảm bảo TTLL trong PCLB. Sở TT&TT cũng đã lên phương án và đề xuất các DN viễn thông ngầm hoá các tuyến cáp quang.
Trong khi đó, Sở TT&TT Thái Nguyên cho biết, nước lũ đã rút và Thái Nguyên không có trạm BTS nào bị đổ. TTLL có lúc mất, gián đoạn nhưng đã được khôi phục. Đến nay hệ thống thông tin, truyền thông, báo chí không còn bị gián đoạn.
Chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống tương tự như bão số 3
Trước các báo cáo về tình hình triển khai PCLB của các Sở TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bão số 3 đã xảy ra, quan trọng là rút ra được bài học sau bão để có những chuẩn bị cho những tình huống tương tự nhằm đảm bảo hệ thống TTLL tốt hơn.
Đồng tình với các kiến nghị của các Sở TT&TT về việc phải kiên cố hoá trạm viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu, chính quyền địa phương và các nhà mạng phải chung tay thực hiện công tác này. “Kiên cố hoá mạng lưới viễn thông là một việc lớn. Việc này các Sở TT&TT phải chủ trì”.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo tổng hợp thông tin PCLB lĩnh vực TT&TT từ các địa phương vừa trải qua bão, lũ để ban hành hướng dẫn cho Sở TT&TT xây dựng kế hoạch cho những tình huống khẩn cấp.
Theo Bộ trưởng, điểm mấu chốt khi thiên tai xảy ra, điện sẽ bị mất. Điện mất thì TTLL cũng bị ảnh hưởng và chính quyền không có phương tiện để liên lạc cho nên mỗi huyện phải có trạm BTS có độ kiên cố cao, có cột vững chắc và có máy nổ dự phòng cho tình huống mất điện dài.
Truyền dẫn cáp quang phải tập trung. Khi làm xong trạm BTS kiên cố đến cấp huyện thì triển khai đến cấp xã.
Qua bão số 3, Bộ trưởng cũng cho biết việc chuyển vùng (roaming) đã được các DN viễn thông làm tốt nhưng nhiều người dân chưa biết cách sử dụng nên chưa đạt hiệu quả cao. Tình huống này cần phải dự liệu trước và phải hướng dẫn người dân trước khi thiên tai xảy ra.
“Trong những lúc thiên tai, các trạm BTS cần phải giảm công suát phát tiêu tốn ít năng lượng và nên duy trì trạm hoạt động trong diện hẹp đủ đảm bảo phục vụ cho chính quyền điều hành. Các nhà mạng cũng cần lên phương án chia tải”, Bộ trưởng cho biết.
Việc lên phương án phối hợp giữa các nhà mạng là nhiệm vụ của các Sở TT&TT. Các Sở TT&TT phải coi đây là nhiệm vụ của Sở tại địa phương, theo đó, cần lập kế hoạch duy trì trạm cơ động, lắp đặt trạm micro...
Về tiêu chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng giao Cục Viễn thông xem xét ban hành lại tiêu chuẩn mới, phải có tiêu chuẩn cho các trạm kiên cố cấp huyện, xã.
Bộ trưởng đánh giá cao TP. Hải Phòng đã làm tốt công tác làm ngầm hoá cáp viễn thông. Công tác này đã được đẩy mạnh trong thời gian dài nhưng gần đây bị chậm lại.
“Cần phải cấp ngân sách cho kế hoạch ngầm hoá bởi ngầm hoá là công tác cần phải được triển khai lâu dài và liên tục. Chỉ có ngầm hoá mới giải quyết được bền vững, giảm chi phí cơ động, nguồn, máy nổ”.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Từ cơn bão số 3, cần rút ra bài học cho những tình huống tương tự. Các tỉnh phải xây dựng kế hoạch cho phương án khẩn cấp, hằng năm rút kinh nghiệm, kiên cố hoá hạ tầng. Các nhà mạng phải ý thức chuyển từ hạ tầng “alô” sang hạ tầng số là quan trọng”.
Dịch vụ công trực tuyến là cái cốt lõi nhất của Chính phủ điện tử
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long lưu ý vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Theo đó các Sở TT&TT cần khẩn trương tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai các kết luận tại hội nghị này, đó là thực hiện thành công các nhiệm vụ đến năm 2025, 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lưu ý xong DVCTT tức là xong giai đoạn Chính phủ điện tử, để chuyển sang giai đoạn Chính phủ số. Xong tức là tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đạt trên 70%. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đối với các nước đã phát triển là 80%, nhưng đối với các nước đang phát triển thì mới được 30%.
Bộ trưởng cho biết bài học thành công về triển khai DVCTT đã có và giờ là thúc đẩy làm nhanh. Thủ tướng Chính phủ đã giao việc cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm. Các tỉnh có hệ thống dịch vụ công cũ, kém hiệu quả thì có thể xem xét và nghiên cứu dùng hạ tầng của VNPT iGate, đã có sẵn cổng dịch vụ công để có thể triển khai nhanh.
Bộ trưởng cũng đề nghị tổ chức hội nghị tổng kết về triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC), rút ra bài học kinh nghiệm và phổ biến rộng trong tháng 9/2024; triển khai đo sóng di động đến cấp xã.
Việc đo sóng di động của đến cấp xã phải được thực hiện ở 2 mức đo là 45Mbit/s và 60Mbit/s.
“Bộ TT&TT cung cấp công cụ, hướng dẫn, địa phương phải triển khai để có 'bức tranh' tốc độ sóng di động. Sóng di động hiện nay là hơi thở của cuộc sống, như là không khí”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, WiFi thế hệ mới giống như sóng di động, giảm tải cho di động nên phải có cáp quang, Internet đến hộ gia đình nên việc đưa cáp quang đến hộ gia đình là một chiến lược lớn. Theo đó, các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần ban bố tiêu chuẩn và tần số cho WiFi./.