Phóng sự “Người Dao xóm nhỏ làm việc lớn” là đề tài về xây dựng Đảng hết sức gần gũi do Đài PTTH Cao Bằng thực hiện. (Ảnh: truyenhinhcaobang)
Nhận diện những đề tài báo chí xây dựng Đảng
Theo nhà báo Nguyễn Hồng Hải, xác định đề tài là bước quan trọng hàng đầu trong quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí. Nhiệm vụ ấy đòi hỏi nhà báo phải dấn thân vào cuộc sống, lặn ngụp với thực tế để kiếm tìm trong biển thông tin những đề tài nóng, những vấn đề có sức sống và sự lan tỏa...
Thực tế, một số tác phẩm báo chí đã đạt các giải báo chí thời gian qua có thể kể đến: "Chặt vòi bạch tuộc biến công thành của tư" của Báo Đầu tư - Giải A Búa liềm vàng năm 2020; "Thu hồi tài sản tham nhũng - Những vấn đề đặt ra" của Tạp chí Nội chính - Giải Búa liềm vàng năm 2021; "Phòng chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ" của Báo Quân đội Nhân dân, đoạt giải A Búa liềm vàng năm 2016; "Chuyện như đùa ở Hải Dương" của Báo Nhân dân đoạt giải A Búa liềm vàng năm 2016. Dẫn chứng từ những tác phẩm báo chí đạt giải báo chí trên, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân nhận định, đề tài báo chí về xây dựng Đảng là những vấn đề đặt ra trong thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất đa dạng và phong phú, không phụ thuộc vào phạm vi giới hạn rộng hay hẹp của vấn đề, sự kiện mà thường mang tính khách quan.
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của quá trình. Xây dựng là việc xác lập, hình thành đường lối, Cương lĩnh chính trị, các quy định, quy chế; làm cho tư tưởng của cán bộ, đảng viên phù hợp, thống nhất cao và tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng; là việc xây dựng tổ chức, cán bộ, là phương thức lãnh đạo,... Chỉnh đốn là việc uốn nắn, chấn chỉnh, sắp đặt lại cho đúng theo quy định, Điều lệ Đảng; xử lý đấu tranh chống tự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực,... Xây dựng và chỉnh đốn Đảng liên quan mật thiết với nhau, gắn liền với nhau, bổ trợ tác động đến nhau. Trong xây dựng có chỉnh đốn, trong chỉnh đốn có xây dựng.
Để đề tài xây dựng Đảng "trúng, đúng, hay" cần "3 nắm"
Theo kinh nghiệm tác nghiệp trong hoạt động báo chí của nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Báo Quân đội Nhân dân, để đề tài "đúng, trúng, hay" cần "3 nắm".
Thứ nhất, lựa chọn đề tài từ nắm chắc kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị hằng năm của Ban Tổ chức Trung ương. Ví dụ, Kế hoạch số 58-KH/BTCTW, ngày 28/2/2022 "Thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022". Trong đó, kế hoạch đề ra 5 nội dung tuyên truyền trọng tâm, 10 nội dung tuyên truyền thường xuyên. Đây là những vấn đề rất cụ thể, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng. Trên thực tế, các tác phẩm đạt giải cao đều bám sát các nội dung tuyên truyền hàng năm của Ban Tổ chức Trung ương. Bản thân tác phẩm của Báo Quân đội Nhân dân từng đạt giải A năm 2016 với loạt bài "Bảo vệ lõi vàng văn hóa Đảng" đều bám sát kế hoạch thông tin, tuyên truyền của Ban Tổ chức Trung ương.
Thứ hai, lựa chọn đề tài từ nắm cơ sở, phát hiện từ cơ sở. Ví dụ, phóng sự "Người Dao xóm nhỏ làm việc lớn" của nhóm tác giả Hoài Phương, Lầu Hải, Khánh Triều thuộc Đài PTTH Cao Bằng. Bắt đầu từ việc nhóm tác giả đến bản Rặc Rạy, xã Lương Thông, huyện Hà Quảng thì nghe người dân kể về con đường dài 3km do Bí thư chi bộ vận động người dân tự giác làm đường.
Theo kinh nghiệm của nhà báo thì việc đi cơ sở, phát hiện những vấn đề trong thực tiến cơ sở, từ đó hình thành ý tưởng, đề tài về xây dựng Đảng là phương pháp rất quan trọng, giúp cho tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng luôn ngồn ngộn chất liệu cuộc sống.
Thứ ba là lựa chọn, phát hiện đề tài từ các hội nghị, các cơ quan chuyên trách xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị - kinh nghiệm về bám nắm các cơ quan chuyên môn...
"4 biết" - kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng
Bên cạnh "3 nắm" thì "4 biết" - kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng cũng rất quan trọng bao gồm: Biết rút tít; biết thu thập, khai thác thông tin tư liệu; biết thể hiện tác phẩm hài hòa giữa nội dung và hình thức và biết làm nổi bật ngôn từ, thuật ngữ chuyên ngành xây dựng Đảng.
Một là, biết rút tít. Tít là kết cấu ngôn ngữ ngắn gọn được công chúng báo chí tiếp xúc đầu tiên khi đọc, xem, nghe một tác phẩm báo chí. Tít hay sẽ lôi cuốn độc giả tiếp tục đọc bài báo. Kinh nghiệm rút tít cần áp dụng riêng cho: báo in, báo điện tử, tạp chí khoa học, tác phẩm phát thanh, tác phẩm truyền hình.
Hai là, biết thu thập, khai thác thông tin, tư liệu. Theo nhà báo Nguyễn Hồng Hải, đây là quá trình đòi hỏi nhà báo phải có kỹ năng nghiệp vụ tinh thông để có thể khai thác thông tin một cách chính xác nhất, đầy đủ nhất. Thông thường, các nhà báo sử dụng 3 phương pháp cơ bản để có được thông tin, đó là: Đọc và nghiên cứu tài liệu - có thể đọc các bản báo cáo, kỷ yếu, tư liệu lịch sử, đọc và tìm kiếm trên mạng Internet. Đọc thường kết hợp với phân tích, so sánh... tìm hiểu bản chất của những thông tin sự kiện, vấn đề liên quan đến đề tài, chủ đề tác phẩm; Sử dụng phương pháp phỏng vấn thông qua hệ thống câu hỏi để tìm kiếm thông tin từ đối tượng và những nhân vật liên quan hoặc nhân vật nắm giữ thông tin. Nhà báo cần biết lựa chọn đối tượng, chuẩn bị hệ thống câu hỏi, các phương tiện kỹ thuật thích hợp để thu thập thông tin phục vụ cho chủ đề của tác phẩm; Quan sát. Khi quan sát, nhà báo có sự phân tích, thẩm định, nhận xét. Quan sát kèm theo sự cảm nhận của người quan sát sẽ quyết định việc thu thập thông tin và thẩm định thông tin chính xác hơn.
Ba là, biết thể hiện tác phẩm hài hòa giữa nội dung và hình thức. Đây là vấn đề quan trọng trong sáng tạo tác phẩm báo chí, bởi vì, tác phẩm có hấp dẫn công chúng hay không sẽ phụ thuộc vào những vấn đề đề cập và cách thức thể hiện.
Bốn là, biết làm nổi bật ngôn từ, thuật ngữ chuyên ngành xây dựng Đảng. Theo kinh nghiệm của Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân, đây là đề tài viết về thực hiện sinh động của cuộc sống, ngay cả các tác phẩm chính luận, với thông tin lý luận là chủ yếu nhưng cũng không được "khô, khó, khổ". Yêu cầu đặt ra là viết về đời sống chính trị của đất nước nhưng phải sinh động, hấp dẫn; đặt lên trên hết là quan điểm, thái độ của tác giả phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật nhà nước.
Điều quyết định nhất trong bài viết về đề tài xây dựng Đảng là tâm huyết của người làm báo (tác giả). Muốn viết đúng thì trước hết phải hiểu về Đảng, hiểu về bản chất Đảng, hiểu quy luật ra đời, phát triển của Đảng; hiểu quy trình lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiểu nguyên tắc sinh hoạt Đảng... Nhiều người viết mảng xây dựng Đảng thường mắc bệnh hoặc là "đao to, búa lớn"; hoặc sính chữ, giáo điều; hoặc lười nên cóp nhặt báo cáo, xào xáo thành tin, bài rồi đổ thừa cho đề tài "khô, khó, khổ".
Cùng với phân tích trên, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội Nhân dân cũng nhấn mạnh, "nếu có tâm huyết với đề tài thì mới say mê học hỏi nâng cao nhận thức về Đảng, từ đó mới bám chắc thực tiễn, phát hiện được đề tài hay và tìm tòi ra cách thể hiện sao cho dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người".