Truyền thông

Kinh tế số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Hoàng Hà 26/11/2024 15:00

Cùng với cả nước, Vĩnh Long đã và đang bước vào công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Theo kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trong đó ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến.

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động, tích cực chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thay đổi cách thức làm việc phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh đã tổ chức triển khai học tập và quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chương trình hành động số 26-CTr/TU đến 100% cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành 02 Nghị quyết về phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ban hành 170 văn bản triển khai, thực hiện công nghệ thông tin, chuyển đổi số của tỉnh và nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phối hợp thực hiện để cụ thể hóa các văn bản do Trung ương ban hành và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số tại địa phương.

anh-bai-vinh-long-5.jpg
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao truy xuất nguồn gốc nông sản sạch ở Vĩnh Long nhờ các giải pháp như blockchain, QR code, IoT và AI giúp theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất đến phân phối.

Công tác tuyên truyền về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thường xuyên qua cổng, trang thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số với cuộc sống nói riêng và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung.

Với việc ban hành Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long; Công bố, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã giúp cho các cấp, các ngành, địa phương tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm, có giải pháp tích cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính những năm tiếp theo. Đến nay 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng được tỉnh trang bị đồng bộ hệ thống tường lửa bảo đảm an ninh trật tự mạng; 100% Đảng ủy và UBND cấp xã triển khai thống nhất sử dụng chung hạ tầng mạng LAN kết nối mạng TSLCD và mạng Internet; phối hợp Cục Bưu điện Trung ương thực hiện chuẩn hóa mạng TSLCD của tỉnh; có 100% kênh mạng TSLCD của cơ quan nhà nước đã được Cục Bưu điện Trung ương - Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối giám sát đến thiết bị mạng quản lý kênh truyền.

Triển khai ứng dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ phục vụ cho hoạt động, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ và cung cấp thông tin khoa học công nghệ cho các điểm mô hình ở các địa phương trong tỉnh thông qua môi trường mạng; Trang “Thông tin khoa học công nghệ Quốc gia” (VinaREN) (http://ttkhcn.vista.gov.vn); Phần mềm đánh giá trình độ công nghệ sản xuất doanh nghiệp (http://trinhdocn.vinhlong.gov.vn); Xây dựng các website cung cấp thông tin về hoạt động khoa học và công nghệ, mô hình… phục vụ công tác nghiên cứu và tham khảo.

Đạt được kết quả trên là nhờ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các ngành, địa phương chủ động, tích cực, cụ thể hóa các văn bản của trung ương và địa phương trong việc lãnh, chỉ đạo đơn vị mình thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thay đổi cách thức làm việc phù hợp với tình hình thực tế; Bước đầu đã cơ bản hình thành một số nền tảng dữ liệu dùng chung, các hệ thống dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được kết nối và chia sẻ trong và ngoài tỉnh; Công tác chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin được sự quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện.

Chuyển đổi số là bước đi quan trọng góp phần từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Để xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số thành công cần hoàn thiện hạ tầng số, công nghệ số và kết nối cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; Lấy người dân, là trung tâm của chuyển đổi số, được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số; Hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế số

Thời gian qua, Vĩnh Long xác định phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng suất lao động; Thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới có hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, các hoạt động thúc đẩy kinh tế số không ngừng được chú trọng, mang đến nhiều kết quả thiết thực.

Năm 2023, tỉnh cũng đã hỗ trợ 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ứng dụng chữ ký số và 1 hợp tác xã ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; Có 71 website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; có 260 sản phẩm được lên Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh. Đến nay, có khoảng 370 doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh với 1.700 sản phẩm, tỷ lệ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia sàn đạt 94% và tỷ lệ các sản phẩm OCOP tham gia sàn đạt 96%.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ chuyển đổi số truy xuất nguồn gốc trên phần mềm cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 7.000m2; Sản phẩm, hàng hóa ứng dụng các công nghệ số truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Có 37 cơ sở, 61 sản phẩm (bưởi, rau củ quả, cam sành, sầu riêng, thanh trà, bánh, cốm, thủy sản…) được cập nhật lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Vĩnh Long... Triển khai 21 đề tài nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 12 đề tài cấp cơ sở, 09 đề tài cấp tỉnh đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng; Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội nghị, diễn đàn thương mại điện tử trong và ngoài tỉnh; tham gia hợp tác quốc tế đồng thời triển khai ứng dụng eTax Mobile với hệ thống các chức năng, dịch vụ, hỗ trợ dành cho người nộp thuế là cá nhân trên phạm vi toàn quốc; hóa đơn điện tử; văn bản điện tử (TaxOffice) cho công chức, người nộp thuế…

Mặc dù vậy hoạt động kinh tế số trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định. Theo kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của UBND tỉnh, Vĩnh Long sẽ tiếp tục triển khai phát triển kinh tế số; hỗ trợ DN nhỏ và vừa; hỗ trợ DN, hộ gia đình đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn và các sàn thương mại điện tử khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024. Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO