Truyền thông

Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực

Trường Thanh 08:53 13/07/2023

Kinh tế - xã hội (KTXH) nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kì năm 2022.

Bức tranh sáng của nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê, trước những khó khăn, thách thức của KTXH toàn cầu, KTXH nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kì năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (cơ cấu tương ứng của cùng kì năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kì năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định do tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kì khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,61% so với cùng kì năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kì năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.

Trong tháng 6/2023, cả nước có 13,9 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng kí là 138,7 nghìn tỉ đồng và số lao động đăng kí 103,9 nghìn lao động, tăng 14,9% về số DN, tăng 33,7% về vốn đăng kí và tăng 39,2% về số lao động so với tháng 5/2023. So với cùng kì năm trước, tăng 4,8% về số DN, tăng 14,6% về số vốn đăng kí và tăng 34,7% về số lao động. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn DN đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 707,5 nghìn tỉ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỉ đồng, tăng 10,9% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kì năm 2022 (quý II/2023 ước đạt 1.520,2 nghìn tỉ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kì năm trước).

Trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỉ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kì năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỉ USD, giảm 15,2% so với cùng kì năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 12,25 tỉ USD.

2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Những kết quả nổi bật trong tháng 6 đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của quý II và 6 tháng đầu năm 2023, đạt được mục tiêu tổng quát đã đề ra: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình KTXH còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức; trong đó, cần lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, cần nỗ lực hơn; tình hình kỷ luật kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.

“Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời; đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó, dứt khoát không để bị động, bất ngờ. Yêu cầu đặt ra là phải linh hoạt có giải pháp đúng và tập trung thực hiện hiệu quả với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa và kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm

Trước bối cảnh khó khăn, thách thức Chính phủ đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất ngay với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, DN...

Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương...

Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất kinh doanh trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới (phấn đấu chỉ số PMI sớm tăng lên trên 50 điểm); yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ DN, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Thứ năm, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 4,5% và khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội) bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ sáu, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân.

Thứ bảy, thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ tám, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ chín, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh. Trong đó, đẩy mạnh và hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...

Đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Chính phủ cũng đã đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Các Bộ, cơ quan, địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ trọng điểm; công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, vùng, tỉnh và triển khai quyết liệt các quy hoạch đã được phê duyệt.

Đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế./.

Bài liên quan
  • Hà Nội khẳng định vị thế “đầu tàu kinh tế” 6 tháng đầu năm 2023
    Vượt lên trên nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền TP. Hà Nội đã ban hành, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều quyết sách quan trọng, qua đó giúp kinh tế Thủ đô từng bước phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO