Kỹ năng sử dụng mạng xã hội và truyền thông mạng với Tăng Ni trẻ

Thúy Hạnh| 22/03/2021 16:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay Ban Hoằng pháp Trung ương đã triển khai một số chủ trương, quan điểm về công tác hoằng pháp trong kỷ nguyên công nghệ để tạo sự nhất quán trong hoằng pháp - thuyết giảng, đặc biệt là khi tham gia thuyết giảng trên mạng xã hội (MXH), một số kỹ năng khi sử dụng MXH và truyền thông mạng.

Đẩy mạng Hoằng pháp online, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho tăng ni trẻ

Gần đây, chia sẻ với truyền thông về công tác thuyết giảng phật pháp online, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cho rằng: Để những nội dung thuyết giảng thực sự có ý nghĩa đến được với công chúng thì Ban Hoằng pháp T.Ư đã phối hợp cùng Phật sự online xây dựng đề án Hoằng pháp online, xây dựng phim trường ảo tại một số cơ sở của Phật sự online và tại cơ sở tự viện của quý Tăng Ni giảng sư ở các khu vực, cung thỉnh chư tôn đức giảng sư là hàng giáo phẩm, cây cao bóng cả của ngành Hoằng pháp nước nhà phát tâm thu hình thuyết giảng tại phim trường ảo hoặc tại tự viện của quý tôn đức giáo phẩm. Điều này nhằm tạo cơ hội thuận duyên cho quý tôn đức giáo phẩm niên cao lạp trưởng cũng có thể tham gia vào công tác hoằng pháp của thời đại kỷ nguyên số và truyền thông mạng.

Qua đó phát huy hiệu quả nghị quyết về phương hướng hoạt động Phật sự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII về nội dung: "Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử…" và "đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp". Hiện chương trình này đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội và truyền thông mạng với Tăng Ni trẻ - Ảnh 1.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN - Ảnh: Đăng Huy

Trước vấn nạn "nghiện" MXH của một bộ phận Tăng Ni trẻ, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng: nên có các giải pháp cho vấn đề này. Đó là tăng cường giáo dục, giúp Tăng Ni trẻ có nền tảng đạo đức, làm chủ bản thân, sử dụng MXH theo tinh thần chính niệm, góp phần quan trọng trong công tác hoằng pháp lợi sinh của thời đại công nghiệp 4.0 và tạo nên không gian mạng an toàn.

Tuy nhiên đòi hỏi phải có sự kiên trì, bền bỉ trong thực hiện, tránh tình trạng "đánh trống bỏ dùi", làm chiếu lệ, hình thức. Nếu giải pháp này được thực hiện đầy đủ sẽ mang lại kết quả lâu dài, bền vững hơn là cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng MXH.

Đặc biệt, sau Hội nghị Tăng sự toàn quốc ngày 25-7-2020 tại chùa Tam Chúc, Trung ương Giáo hội cũng đã ban hành Thông tư số 206/2020/TT-HĐTS của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ngày 19-9-2020 hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni, gửi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố; Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni và các nội dung có liên quan đến việc sử dụng không gian mạng. Đây cũng là một biện pháp hữu hiệu để hạn chế sự tiêu cực và phát huy tính tích cực về việc sử dụng MXH của Tăng Ni.

Quản lý và định hướng nội dung Hoằng pháp online

Trên thực tế trong công tác Hoằng pháp online, do thị hiếu của số đông, một số giảng sư đã vận dụng các câu chuyện cười, hài hước lồng vào nội dung thuyết giảng, thậm chí có người còn hát những bài nhạc chế… Ban Hoằng pháp T.Ư đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh và rất quan tâm về nội dung này. Việc đưa một số câu chuyện cười hay đàn hát… vào buổi giảng để tạo sự vui cười, tạo không khí thoải mái trong thuyết giảng trong một số trường hợp cũng cần thiết, nhưng phải biết khéo léo vận dụng nội dung của câu chuyện phù hợp với nội dung thuyết giảng (khế lý) và phù hợp thời điểm (khế thời), trình độ của hội chúng (khế cơ) cũng như không gian, địa điểm (khế xứ). Điều này sẽ góp phần tạo được hiệu quả chuyển tải nội dung đến hội chúng.

Tuy nhiên, hiện nay, do có nhiều vị giảng sư trẻ đã quá lạm dụng và đưa những nội dung chuyện cười hoặc trực tiếp đàn hát vào buổi giảng nhưng chưa đảm bảo được sự khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ, từ đó dẫn đến phản tác dụng.

Đặc biệt, một số vị giảng sư mang tính tự phát, chưa qua các khóa đào tạo giảng sư, đã tự livestream thuyết giảng trên MXH, chạy theo thị hiếu và mục đích "câu view". Trong hội nghị lần này, đây cũng là một trong những nội dung sẽ được triển khai thảo luận.

Chủ trương của Ban Hoằng pháp T.Ư từ trước đến nay và đặc biệt tại các khóa đào tạo giảng sư luôn đề cao tinh thần hòa hợp. Theo đó, nội dung thuyết giảng không được đả phá, phản bác giữa các tông phái cũng như cả với các tôn giáo khác. Khiến cho mất đoàn kết cũng như làm cho người nghe hoang mang, không biết phải nghe vị nào thuyết giảng mới đúng với Chính pháp. Ban Hoằng pháp T.Ư đã hình thành kênh Hoằng pháp online tại địa chỉ:

www.hoangphaponline.com để cung thỉnh chư tôn đức giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư và các tỉnh thành thuyết giảng để cung cấp địa chỉ đáng tin cậy đến cộng đồng, tạo thuận tiện cho việc nghiên cứu và tìm hiểu Phật pháp.

Ban Hoằng pháp T.Ư cũng xây dựng kế hoạch triển khai nội dung này tại buổi họp mặt và đến trước mùa An cư kiết hạ năm 2021, Ban Hoằng pháp T.Ư sẽ tổ chức tập huấn cho các vị giảng sư, triển khai quan điểm, chủ trương và những nội dung mang tính định hướng. Đồng thời, Ban Hoằng pháp T.Ư sẽ hướng đến việc tổ chức họp giao ban online định kỳ giữa chư vị giảng sư ở các khu vực khác nhau nhằm kịp thời triển khai các chủ trương của Trung ương Giáo hội và của ngành Hoằng pháp, đặc biệt là khi có sự cố, khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo.

Việc sử dụng MXH một cách thiếu kiểm soát là một mối nguy hiểm cho bản thân Tăng Ni trẻ và là thách thức lớn cho Giáo hội các cấp trong việc quản lý và giáo dục thế hệ kế thừa sự nghiệp hoằng dương Chính pháp sau này.

Ngày xưa, Đức Phật hằng dạy các đệ tử không nên sử dụng thần thông một cách bừa bãi, bởi Ngài biết thần thông sẽ làm thui chột các đức tính chân thiện mỹ của người xuất gia cầu giác ngộ giải thoát. Nhớ lời Phật dạy, Tăng Ni chúng ta cần sáng suốt và bình tĩnh để làm chủ khoa học, thay vì làm nô lệ cho nó. Đó chính là điều mà tất cả những ai có trách nhiệm và tâm huyết với tương lai Đạo pháp cần tư duy quán chiếu thường xuyên.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
  • AI, chuyển đổi số xoay chuyển lĩnh vực bán lẻ, người tiêu dùng
    Sự phát triển của AI, cùng với làn sóng chuyển đổi số (CĐS), đang cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm tại Việt Nam. Từ cá nhân hóa dịch vụ đến tối ưu hóa chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.
  • Ra mắt sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" của Đại tá, GS. Phan Phác
    Cuốn sách "Cuộc đấu trí bất ngờ" với những bài viết mang giá trị lịch sử và thực tiễn sâu sắc được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn biên soạn và ra mắt độc giả đúng dịp cả nước trong không khí kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng sử dụng mạng xã hội và truyền thông mạng với Tăng Ni trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO