Truyền thông

Làm gì để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số

Hoàng Hà 28/11/2024 14:43

Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện có hơn 45 nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11,2 nghìn doanh nghiệp làm phần mềm.

Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có trên 1,5 nghìn doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm tiêu thụ trên thị trường thế giới, ước tính doanh thu đạt khoảng 7,5 tỷ USD.

Vai trò cốt yếu của doanh nghiệp công nghệ số

Chuyển đổi số đang tạo không gian phát triển mới và đem lại cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển. Chính vì vậy, phát triển doanh nghiệp công nghệ số để ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo được coi là nhiệm vụ quan trọng trong hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại.

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Chỉ thị 01/CT-TTg), đã nhấn mạnh tới vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số trong việc góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu là nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo các chuyên gia dự báo đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, có 4 loại doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung phát triển là: Các tập đoàn, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; Các doanh nghiệp CNTT đã khẳng định được thương hiệu, đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất; Các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội; Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.

anh-bai-ttcs-2.jpg
Viettel Digital Finance Platform (VDFP) - Bộ giải pháp nền tảng tài chính số có hơn 52 triệu thuê bao, doanh thu 360 triệu USD năm 2023 đã khẳng định được trí tuệ, bản lĩnh của người Việt với những sản phẩm Make in Vietnam – Make by Viettel.

Năm 2023, Việt Nam đạt ngưỡng 100 triệu dân, quy mô thị trường tăng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia được tích cực triển khai trên tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường... đã tạo tiền đề thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số phát triển lớn mạnh và vươn ra thế giới.

Năm 2019 ghi dấu sự ra đời của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kể từ năm 2019 đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%.

Đến thời điểm này các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từng bước khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công, mà còn là sáng tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt, thậm chí đưa sản phẩm vươn ra thị trường toàn cầu.

Điển hình như: Sản phẩm Chip quản lý nguồn cho các ứng dụng di động của FPT; Dịch vụ Tự động hóa quy trình bằng robot của CMC; Nền tảng Tài chính số của Tập đoàn Viettel… Qua đó, mở ra thị trường tiềm năng, giúp tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của sản phẩm cũng như vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Tập trung chính sách để phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, Chỉ thị 01/CT-TTg đề ra một số giải pháp cụ thể, trong đó tập trung trọng điểm vào xây dựng chính sách, thể chế; triển khai Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm trọng điểm quốc gia; tôn vinh doanh nghiệp nỗ lực, đóng góp; tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam…

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định doanh nghiệp số, trong đó bao gồm doanh nghiệp công nghệ số là một trong những nền móng cơ bản để phát triển kinh tế số và xã hội số. Các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm “Make in Việt Nam”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; Xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Xây dựng và triển khai Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp trên cả nước; Xây dựng và vận hành Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp; Xây dựng và triển khai Chương trình phát triển mạng lưới chuyên gia, tổ chức tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp; Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở, cửa hàng bán lẻ, hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã… chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nền tảng quản trị tổng thể, nền tảng kế toán dịch vụ, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nền tảng thương mại số nông nghiệp, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng trợ lý ảo, nền tảng thiết bị IoT của Việt Nam.

Một trong những mục tiêu ưu tiên trong Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là thúc đẩy phát triển 48 nghìn doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương; 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải. Theo đó sẽ xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số để phát triển sản xuất thông minh giai đoạn đến năm 2030; Thúc đẩy, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại khu công nghiệp, khu chế xuất; Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; Thúc đẩy, kết nối các doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào quá trình chuyển đổi số các ngành/lĩnh vực.

Dự thảo Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030 do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề xuất một số giải pháp phát triển gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách kiến tạo môi trường phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Đẩy mạnh năng lực nghiên cứu công nghệ số, trong đó doanh nghiệp là lực lượng tiên phong; Hỗ trợ hiệu quả, tạo lập thị trường năng động cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Phát triển ngành công nghiệp dữ liệu và hệ sinh thái công nghệ số tiên tiến; Đổi mới mô hình phát triển nhân lực, phương thức sử dụng lao động chuyên ngành công nghệ số; Hình thành các định hướng phát triển đột phá thông qua các nhiệm vụ, dự án có tác động lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
  • FPT hợp tác cùng Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI
    FPT đã ký kết hợp tác cùng Sở TT&TT TP Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và nguồn lực trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đưa Đà Nẵng trở thành một trong những “địa hạt” công nghệ tại Việt Nam.‏
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO