Ấn phẩm được công bố chiều 10/7, tại Hà Nội, với sự tham dự của Phó Thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng và đại biểu các cơ quan Trung ương, địa phương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Sách Trắng là bức tranh toàn diện về DN Việt Nam giai đoạn 2016 - 2018
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Thời nào cũng vậy, doanh nghiệp (DN), doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trong việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là nơi sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. DN là khu vực quan trọng nhất, là xương sống của toàn bộ nền kinh tế, đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của đất nước và các địa phương.
Với tầm quan trọng như vậy, Phó Thủ tướng khẳng định: Trong những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành và các địa phương đặc biệt quan tâm đến DN với nhiều chính sách, Nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống, nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả khu vực này. DN Việt Nam đã và đang phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nhanh và ổn định của nền kinh tế.
DN ở đây không chỉ có DN Nhà nước mà là DN của mọi thành phần kinh tế. Có thể nói khu vực DN đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2018.
Sách Trắng DN Việt Nam năm 2019 cung cấp bức tranh khá đầy đủ, toàn diện về sự phát triển của DN nước ta năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2018. Đây là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các Bộ, Ngành và các địa phương có được thông tin phong phú với độ tin cậy cao để đánh giá sự phát triển DN theo ngành kinh tế, theo loại hình DN và theo địa phương. Những thông tin này giúp Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả DN trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019
Với ý nghĩa quan trọng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, Ngành sử dụng Sách trắng DN Việt Nam hằng năm, trước mắt là năm 2019, là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển DN thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để phát triển DN bền vững với mục tiêu trước mắt là đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020.
Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để phục vụ phát triển DN. Tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư; Luật PPP; Luật chứng khoán và nhiều văn bản pháp luật khác như Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, Ngành đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển DN thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển DN hiệu quả và bền vững.
Các Bộ, Ngành, địa phương phải thường xuyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn và hoàn thiện Sách Trắng DN hàng năm.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng Sách trắng DN Việt Nam hằng năm là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển DN trên địa bàn.
Đối với các cơ quan thông tin, truyền thông, Phó Thủ tướng đề nghị các biên tập viên, phóng viên sử dụng thông tin trong Sách trắng DN Việt Nam tích cực tuyên truyền cho công tác phát triển DN. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền những điểm sáng, tích cực trong phát triển DN cả nước và các địa phương nhằm tạo sự lan tỏa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Cũng tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Giai đoạn 2016 - 2018 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của DN trong lịch sử. Số lượng DN thành lập mới đã liên tiếp đạt mức kỷ lục. Trung bình mỗi năm có gần 123.000 DN gia nhập thị trường với số vốn đăng ký đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số DN và tăng 155,8% về số vốn so với giai đoạn 03 năm trước đó.
Nội dung “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” là bức tranh đầy đủ về bối cảnh, tổng quan sự phát triển của tất cả các loại hình DN tại Việt Nam: DN tư nhân, DN nhà nước, DN đầu tư nước ngoài trong năm 2018.
Cuốn sách cũng đề xuất một số giải pháp và bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển DN tại nước ta. Thông tin DN cũng được cung cấp và phân tích ở các góc độ khác nhau theo ngành kinh tế, theo loại hình DN, theo địa bàn,…
Toàn cảnh Lễ công bố
Để biên soạn cuốn sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để khai thác và sử dụng các nguồn thông tin phong phú, đầy đủ và đảm bảo độ tin cậy, gồm: Cơ sở dữ liệu DN; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN; Cơ sở dữ liệu thuế…
714.755 DN đang hoạt động
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được công bố trong Sách Trắng, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.
Theo địa phương, có 26/63 địa phương có tốc độ tăng DN đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân cả nước, trong đó: Bình Dương tăng 17,4%; Bắc Giang tăng 15,7%; Sóc Trăng tăng 15,4%; Bắc Ninh tăng 15%; Long An tăng 13,6%; Hưng Yên tăng 13,4%; Bạc Liêu tăng 13,2%; Vĩnh Phúc tăng 12,8%; Quảng Nam tăng 12,6%; Đồng Nai tăng 12,5%; Thanh Hóa tăng 12,2%…
Có 37/63 địa phương có tốc độ tăng DN đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó: Hà Giang tăng 0,3%; Bắc Kạn tăng 1,5%; An Giang tăng 1,9%; Cà Mau tăng 2,1%; Lai Châu tăng 2,6%; Hậu Giang tăng 3%; Nghệ An tăng 3,5%; Điện Biên và Vĩnh Long tăng 4%…
Năm 2018, bình quân cả nước có 14,7 DN đang hoạt động trên 1000 dân số trong độ tuổi lao động.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng số lao động đang làm việc trong các DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016.
Lĩnh vực TTTT có 13,5% DN đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm 2019
Theo Cục quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2019, số DN đăng ký thành lập mới là 66.958 DN, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Số DN quay lại hoạt động là 21.617 DN, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Lĩnh vực TTTT có tỷ lệ DN thành lập mới tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2018. DN TTTT quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Lĩnh vực TTTT cũng nằm trong top 5 lĩnh vực có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 với tỷ lệ 29,2%, xếp thứ 4.
Viettel đứng đầu 100 DN đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước năm 2017
Theo sách Trắng DN Việt Nam 2019, có 100 DN đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, trong đó có nhiều DN lĩnh vực TTTT.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đứng đầu danh sách. Tiếp theo là các công ty Samsung Electronics Việt Nam đứng thứ 8, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đứng thứ 13, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đứng thứ 28, Công ty cổ phần Viễn thông FPT đứng thứ 63, Tổng công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Viettel đứng thứ 67.