Lạng Sơn: Tập trung mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc
Là địa phương có bề dày lịch sử, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn xác định công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài.
Nội lực dồi dào
Lạng Sơn là tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc có cộng động nhiều dân tộc cùng sinh sống (chủ yếu là các dân tộc: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông). Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hoá riêng, thể hiện qua các phong tục, tập quán, tín ngưỡng.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lạng Sơn hiện có 8 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (thực hành Then của người Tày, Nùng). Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 330 di tích nằm trong danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có hơn 110 di tích lịch sử, trên 160 di tích kiến trúc nghệ thuật, 37 di tích khảo cổ, hơn 22 di tích danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có 280 lễ hội, trong đó, 247 lễ hội truyền thống.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh chia sẻ, Lạng Sơn là nơi hội tụ nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào. Hệ thống các di sản không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn đó chính là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất xứ Lạng. Đây là nguồn sức mạnh nội sinh chứa đựng những giá trị to lớn mà tỉnh Lạng Sơn đang sở hữu, nếu phát huy tốt thì sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Để bảo tồn tốt nguồn di sản này cần phát huy triệt để vai trò của cộng đồng và các chủ thể sáng tạo, nắm giữ di sản.
Tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy
Xác định công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai, thực hiện một cách có hiệu quả.
Theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, với vai trò là cơ quan chuyên môn đầu tỉnh về lĩnh vực văn hoá, hằng năm, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, đồng thời hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật về lĩnh vực văn hoá, để người dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa. Đồng thời thành lập các mô hình, ban quản lý di tích mang tính cộng đồng tự quản, do Nhân dân tự trông nom hoặc kết hợp vai trò tự quản của cộng đồng với sự trợ giúp của Nhà nước.
Ngoài ra, các hoạt động tổ chức, phục dựng lễ hội truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh hàng năm vẫn được duy trì thường xuyên, trong đó 90% số lễ hội trong tỉnh đều huy động từ nguồn lực xã hội hóa.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, sự phát triển của mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa được triển khai mạnh mẽ tại địa bàn nhiều huyện của tỉnh Lạng Sơn, qua đó góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, củng cố khối đại đoàn kết, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời có những giải pháp cụ thể, thiết thực. Cùng với đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý chính quyền các cấp nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn lưu ý việc tổ chức bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống cần kết hợp khai thác hợp lý, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân, tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa của người dân, nhất là dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.