Truyền thông

Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn: Bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

Ngọc Anh 10/05/2023 09:30

Theo các tài liệu ghi chép lại, vào thế kỷ 17, Hải đội hùng binh Hoàng Sa vâng lệnh triều đình vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ để xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

chu-quyen-bien-dao-552023a.jpeg
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm 2023 được tổ chức vào ngày 5/5 (tức 16/3 âm lịch) tại đình làng An Vĩnh. Nguồn: TTXVN.

Bây giờ trên đảo Đảo Lý Sơn cứ vào tháng 3 âm lịch cư dân trên đảo lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân Đội hùng binh năm xưa đã tiến hành đo đạc hải trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Năm nay, Ban Khánh tiết đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng các tộc họ làng An Vĩnh sửa soạn tổ chức Lễ khao lề thế lính vào ngày 16/3 âm lịch tức ngày ngày 5/5 dương lịch.

Nghi lễ tổ chức tại đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa, giúp kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.

Sau phần tế lễ là nghi lễ thổi Ốc U hiệu lệnh cho những trai tráng rước thuyền và hình nhân thế mạng thả trôi ra biển hướng Hoàng Sa-Trường Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước và lễ đua thuyền truyền thống Tứ Linh.

Được các tộc họ trên đảo Lý Sơn duy trì hơn 400 năm qua, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.

Hiện nay, các tộc họ trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ các tài liệu Hán Nôm liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc… Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp".

Theo Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú: “Quần đảo Hoàng Sa ở ngoài khơi, các vua đời trước đặt ra quân giữ Hoàng Sa gồm 70 người, thường là lấy người xã An Vĩnh. Hằng năm cứ đến tháng 3 nhận lệnh mang lương thực trong 6 tháng rồi dùng 5 chiếc thuyền ra khơi, đi trong 3 ngày 3 đêm thì đến đảo, đến nơi vừa canh giữ vừa đánh cá mà ăn. Vật báu ở đó rất nhiều, nên đội quân này vừa làm nhiệm vụ canh giữ vừa khai thác vật báu. Đến tháng 8 thì về cửa Eo (Thuận An) lên tâu nộp ở thành Phú Xuân”.

Qua các nguồn sử liệu cho thấy, khi vào trấn nhậm vùng đất phía Nam, Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa để bảo vệ và khai thác biển Đông. Đội Hoàng Sa chính thức được thành lập từ năm nào chưa rõ, sử liệu cũ chỉ ghi “hồi đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước” và chấm dứt hoạt động vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

le-khao-le-the-linh-hoang-sa-552023a.jpeg
Lễ tế thần vào đêm trước cầu an cho các vong linh Hải đội Hoàng Sa. Nguồn: TTXVN.

Hồ sơ công nhận Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là Di sản cấp quốc gia khẳng định: Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải trong cửa biển Sa Kỳ và sau này là 2 phường An Vĩnh và An Hải trên đảo Lý Sơn.

Từ thực tiễn hoạt động của đội Hoàng Sa xưa, trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại trên biển thô sơ và luôn phải đối mặt với nguy cơ "một đi không trở lại", đã hình thành ở Lý Sơn những câu hát dân gian "Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn/Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây"; "Chiều chiều ra ngóng biển xa/Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về"…

Mỗi chuyến đi là "một đi không trở lại", nên người dân trên đảo lập các ngôi mộ kiểu “chiêu hồn nhập cốt”, hiện còn các mộ của Cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và một số "mã liếp" (mộ chiêu hồn) của các đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển cả. Đó là những ngôi mộ được làm bằng đất sét giả cốt người để con cháu tưởng niệm thờ cúng.

Ngoài ra, người dân Lý Sơn còn phối thờ Cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Chánh Thuỷ quân Suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa xưa tại di tích Âm linh tự, đình làng An Vĩnh và một số dinh, miếu thờ khác để ngàn đời nhớ đến công lao của họ.

Cho đến nay, người dân Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng hai/ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Tương truyền, mỗi người lính trong đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển.

Từ thực tiễn mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, ở đây đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán.

Vì vậy, hồ sơ công nhận Di sản Quốc gia khẳng định nguồn gốc sâu xa của “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” ngày nay là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi đội lên đường làm nhiệm vụ.

hoang-sa1.jpeg
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm diễn ra ở đình làng An Vĩnh là bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Theo quan niệm của nhân dân, đội Hoàng Sa khi làm nhiện vụ trên biển luôn gặp nhiều rủi ro, thường chỉ có đi mà không có về, nên trong buổi tế người ta làm những hình người bằng giấy hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính làm hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua.

Về sau, khi đội Hoàng Sa không còn nữa, các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa đã tự tổ chức tế lễ theo nghi thức xưa tại nhà thờ tộc họ của mình để tưởng nhớ và trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người Lý Sơn.

Để chuẩn bị lễ khao lề, người ta làm 5 mô hình thuyền, các phẩm vật tế lễ, bài vị của các Cai đội Hoàng Sa và những binh lính trong đội, bài vị của các vị thần cai quản biển cả. Trước khi tổ chức lễ khao lề, Ban tế tự đình làng tổ chức lễ tế thần vào đêm trước và tổ chức lễ cầu an cho vong linh các chiến sĩ đội Hoàng Sa.

Lễ khao lề được tổ chức ngoài sân đình và do các tộc họ cùng thầy pháp thực hiện. Ông Cả làng và các chức sắc trong làng tham gia làm bồi tế, với sự tham dự của hàng nghìn người dân trong huyện, du khách trong và ngoài tỉnh. Để thực hiện nghi lễ, người ta chuẩn bị 03 ban thờ đặt đồ tế như thịt heo, gà, muối, bánh khô…, bài vị các Cai đội và chiến sỹ Hoàng Sa.

Trước các ban thờ là 5 mô hình thuyền câu (loại thuyền đội Hoàng Sa dùng đi biển). Sau khi thầy pháp thực hiện các nghi thức bắt ấn trừ tà, làm phép để an vị các vong linh chiến sỹ Hoàng Sa, là nghi thức đọc văn tế.

Tiếp theo nghi thức tế tại sân đình là nghi thức thả thuyền tế ra biển. Các thuyền tế được đưa ra ngoài biển khơi để thả trôi theo dòng nước, cầu cho vong linh những người lính trong đội Hoàng Sa xưa được siêu thoát và cầu mong cuộc sống yên bình cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là bằng chứng phản ánh lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

Bài liên quan
  • Gắn mã QR cho các điểm du lịch tại huyện đảo Lý Sơn
    Nhằm hướng đến công nghệ số hóa trong lĩnh vực du lịch, góp phần quảng bá du lịch huyện đảo đến với du khách, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh và huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tổ chức gắn 28 mã QR cho các điểm du lịch trên đảo.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn: Bằng chứng khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO