Web 3.0: tương lai của Internet?
Internet chắc chắn là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của hầu hết mọi cá nhân. Nhờ vào Internet, chúng ta có thể truy cập và trao đổi thông tin dù ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Vào cuối những năm 1980, khi Internet mới được giới thiệu dưới phiên bản web 1.0, các trang tin mà chúng ta có thể tiếp cận ở thời kỳ này hầu hết là các trang thông tin "tĩnh". Với web 1.0, chỉ người sở hữu trang web mới có thể cập nhật bằng những ngôn ngữ đơn giản, và họ là người có toàn quyền quyết định loại hình thông tin nào sẽ được gửi đến người xem. Người dùng hầu hết chỉ là những người tiêu thụ thông tin (consumers) và không thể tương tác với nội dung mình đọc được. Việc sáng tạo nội dung để đăng lên web cũng rất bị hạn chế vào thời điểm đó.
Khi công nghệ tiếp tục phát triển, phiên bản web 2.0 xuất hiện, cho phép người dùng có thể tự tạo tài khoản và đóng góp thông tin, phát triển danh tính cá nhân trên mạng. Web 2.0 đã đem đến một cuộc cách mạng về tương tác, từ đơn giản trên những những diễn đàn theo chủ đề, đến những cách thức phức tạp hơn trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Những trang web 2.0 tiêu biểu nhất có thể kể là Facebook, Twitter và Youtube… vốn đã trở nên quá quen thuộc với chúng ta ngày nay.
Tuy nhiên, giống như bao phát minh khác, mạng Internet mà chúng ta đã quen thuộc cũng có những ưu khuyết điểm riêng. Trong vòng 30 năm kể từ khi Internet ra đời, cách mà dữ liệu và thông tin được truy xuất chưa bao giờ thay đổi: dữ liệu được lưu trữ và quản lý tập trung trên một máy chủ độc lập, được gửi hoặc truy xuất bởi một máy khách. Nói cách khác, một hoặc một nhóm "quản trị viên" sẽ toàn quyền quản lý dữ liệu và chịu trách nhiệm cho mọi ảnh hưởng đến cơ sở dữ liệu của tất cả những người dùng. Điều này đã tạo ra một vấn đề nhức nhối của thời đại: thông tin cá nhân bị khai thác như "mỏ vàng", và các mạng xã hội thao túng người dùng thông qua thông tin mà họ đề xuất tiếp cận. Việc lưu trữ và chuyển giao thông tin qua nhiều máy chủ cũng tạo cơ hội cho sự thiếu minh bạch, tăng chi phí và giảm tốc độ xử lý.
Trước thực tại đó, việc sáng tạo ra công nghệ blockchain được nhiều người ví như việc "phát minh ra Internet lần thứ 2". Blockchain là một hệ thống lưu trữ dữ liệu phi tập trung, không có điểm trung gian kiểm soát dữ liệu. Do đó, người dùng có toàn quyền sở hữu và quyết định chia sẻ thông tin của mình, và họ cũng không cần phải lo lắng về việc thông tin của mình bị xâm phạm hoặc khai thác.
Sau đó, web 3.0 được ra đời dựa trên blockchain, về cơ bản là thừa hưởng những đặc tính từ "anh chị" web 1.0 và 2.0. Thế nhưng, so với các phiên bản trước, "người em" web 3 vượt trội hơn ở việc các giá trị, nội dung, hay sản phẩm chất xám của người dùng Internet sẽ thuộc quyền sở hữu của chính họ, thay vì là của các đơn vị cung cấp dịch vụ như Facebook, Amazon, Google, Twitter,…
Song song đó, một số đặc điểm nổi bật và vượt trội của web 3.0 phải kể đến như: loại bỏ hoàn toàn các bên trung gian; dữ liệu sẽ không bị sửa đổi và thao túng; hoạt động không ngừng nghỉ suốt 24/7 do các dịch vụ trên web 3.0 không có một máy chủ cố định; kết nối thông minh giữa IoT và công nghệ AI; người dùng có thể sử dụng các thiết bị kết nối Internet được gắn thẻ ngữ nghĩa chung để cung cấp các website phù hợp, trực quan và cá nhân hóa trải nghiệm.
Nhiều người cho rằng, web 3 là tương lai của Internet, sẽ dần thay thế web 1.0 và web 2.0. Rõ ràng, web 3.0 là một ý tưởng tràn đầy tiềm năng. Trên thực tế, nhiều công ty lớn đã bắt tay vào phát triển web 3.0 ở nhiều khía cạnh: từ cơ sở hạ tầng cho đến theo hướng ứng dụng. Theo tạp chí Fortune, chỉ trong năm 2021, các nhà đầu tư đã chi khoảng 27 tỷ USD để đầu tư vào các dự án web 3.0 tiềm năng.
Thậm chí, CEO và nhà sáng lập Facebook (nay đã đổi tên thành Meta) Mark Zuckerberg từng phát biểu: "Cũng giống như NFT, nền tảng web 3.0 và metaverse là sự phát triển tự nhiên tiếp theo trong cách mà chúng ta tương tác, liên hệ và giao tiếp với nhau".
Có nhiều quan điểm và nhận định trái chiều về web 3.0
Đồng Sáng lập và CEO của BHO - một nền tảng blockchain cung cấp cơ sở hạ tầng cho các dự án web 3.0 và metaverse, ông Phan Đức Nhật chia sẻ thêm: "Có nhiều quan điểm và nhận định trái chiều về web 3.0, cũng như với bất kỳ ứng dụng nào của blockchain. Tuy nhiên, trong năm 2021 dòng tiền đầu tư trị giá hàng tỷ USD vẫn tiếp tục đổ về các dự án này. Do đó, việc cập nhật các xu hướng công nghệ sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt được các cơ hội mới một cách hiệu quả, và các lập trình viên và những nhà sáng tạo nội dung có thể bắt tay vào việc xây dựng một thế giới mới".
Tuy vậy, triển khai ý tưởng thay đổi toàn bộ Internet không phải là một câu chuyện "cổ tích". Chỉ riêng vấn đề cơ sở hạ tầng để đáp ứng cho trải nghiệm người dùng có thể mất đến hàng thập kỷ. CEO của Tesla - tỷ phú Elon Musk bày tỏ: "Tôi không nói rằng web 3.0 không khả thi. Tôi cho rằng hiện tại khái niệm này đang được người ta thổi phồng quá mức. 10, 20 hay 30 năm nữa thì điều này thật sự đáng chờ đợi. 2051 có thể sẽ là giai đoạn tuyệt vời nhất".
Một số chuyên gia còn bày tỏ sự quan ngại về tính phi tập trung của web 3.0, như cựu CEO của Twitter Jack Dorsey. Trong ngày 21/12, ông đã đề cập đến điều này trên một tweet của mình: "Bạn không hề sở hữu web 3.0. Các quỹ đầu tư và công ty công nghệ mới là chủ nhân của nó. Chúng ta không bao giờ thoát khỏi vòng lặp này. Web 3.0 vẫn tập trung giống hiện tại, chỉ được dán nhãn khác đi".
Dẫu vậy, sự phát triển của thế giới vẫn là một cuộc vận động không ngừng nghỉ. Các mảnh ghép của web 3.0 đang dần hoàn thiện và phần nào xây dựng được tập người dùng của riêng mình. Một số dự án web 3.0 nổi tiếng đang thu hút sự quan tâm có thể kể đến là ChainLink, nền tảng kết nối và truyền dữ liệu từ bên ngoài vào trong các hệ thống blockchain hay Filecoin, mạng lưới lưu trữ dữ liệu phi tập trung lớn nhất hiện nay.
Với những thông tin như trên, các bạn đánh giá web 3.0 chính là xu hướng tương lai hay thông tin đồn thổi? Có lẽ chính người dùng Internet trong tương lai mới có thể trả lời chính xác câu hỏi này./.