Linh hoạt các giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành Dệt may
Hiên nay, để các doanh nghiệp có thể tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may trong nước đang trông chờ vào nguồn vốn lớn cùng cơ chế vay vốn thông thoáng nhằm thu hút đầu tư. Vì vậy, việc cần có thêm những chính sách đủ mạnh, thực sự hiệu quả để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá hàng dệt may xuất khẩu trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn này.
Áp lực lớn từ nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể vượt 45 tỷ USD. Tuy vậy, khả năng nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu dệt may của Việt Nam chưa lớn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa. Trong giai đoạn vừa qua, tỷ lệ nội địa hóa ngành dệt may đạt khoảng 46 - 47%.
Theo Bộ Công thương, mặc dù là ngành xuất khẩu có trị giá lớn, hàng năm mang về kim ngạch trên 40 tỷ USD, nhưng ngành dệt may đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các quốc gia có nguồn nhân công và nguyên phụ liệu giá rẻ như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Trong đó, đặc biệt là các nước thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may nói riêng đang rất nhiều hạn chế.
Theo ông Lạng, hiện việc phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may có thể nói là đang bị “bỏ trống” khi có đến 80% nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu. Con số hơn 2 tỷ USD mà các doanh nghiệp phải chi ra mỗi tháng để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày…cho thấy miếng bánh thị trường rất lớn.
Để sản xuất được vải cần có ngành dệt nhuộm, nhưng đây là ngành đòi hỏi công nghệ và vốn lớn. Chưa kể, doanh nghiệp dệt nhuộm cũng vấp phải rào cản từ các địa phương do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường. Được biết, để đầu tư một dây chuyền sản xuất bông tấm, doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 2 triệu USD.
Các doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn tìm nguồn nguyên, phụ liệu trong nước để đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, khi xuất khẩu sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Nhất là việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp họ chủ động được sản xuất, giảm bớt được chi phí và những rủi ro về thời gian vận chuyển.
Điều quan trọng là cần giải toả được “cơn khát” về nguồn vốn lớn, cũng như có thêm các chính sách đủ mạnh, thực sự hiệu quả hơn nữa nhằm thu hút đầu tư vào mảng này, cũng như tạo sân chơi bình đẳng để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá hàng dệt may xuất khẩu.
Linh hoạt thực hiện các giải pháp tự chủ nguồn nguyên liệu
Theo giới chuyên gia, để hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng như hạn chế tối đa các cú sốc từ bên ngoài thì việc chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước là cực kỳ quan trọng với ngành dệt may.
Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt với mục tiêu tổng quát nhằm phát triển hai ngành trở thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy hàng đầu thế giới.
Đến năm 2035, ngành Dệt may và Da giày Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần bảo đảm các vấn đề sau: các khu công nghiệp tập trung sản xuất nguyên phụ liệu phải có đường giao thông thuận lợi, đồng thời gắn với hệ thống cảng biển; tạo liên kết chuỗi trong dệt nhuộm gắn với các nhà máy may trong khu vực, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm giá thành sản phẩm; cần có cơ chế về tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải.
Để tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập, theo TS Vũ Đình Ánh- Chuyên gia kinh tế: “Về lâu dài nhà nước cần hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cần tập trung ngay từ khâu vật tư cung ứng nguyên phụ liệu “xanh” cho đến khâu sản xuất phân phối. Trong đó, phải có định hướng quy hoạch cụm công nghiệp hỗ trợ với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, tập trung vào các công đoạn có lợi thế cạnh tranh rõ rệt để thu hút đầu tư FDI”.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phát tuyệt đối tuân thủ các cam kết về môi trường như là một phần trong chiến lược phát triển được quy định ở các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Bởi vì hiện nay các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Hàn… có yêu cầu rất cao về vấn đề môi trường, các yêu cầu đó không chỉ đến từ Chính phủ, mà còn đến từ yêu cầu của chính người tiêu dùng hiện nay.