Tiên phong ĐMST nhờ sản phẩm "người nhân tạo" trong lĩnh vực nông nghiệp
Theo thông tin từ Công ty PVCFC, trong thời đại mà công nghệ chiếm lĩnh, lĩnh vực nông nghiệp cũng rất cần chuyển đổi số (CĐS) để phù hợp với yêu cầu cấp thiết và chiến lược phát triển bền vững.
PVCFC được đánh giá là một trong số những DN phân bón tiên phong áp dụng công nghệ và CĐS, khi ngay từ năm 2015, công ty đã bắt đầu triển khai hệ thống Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Đây được xem là khởi đầu sớm về ứng dụng công nghệ số của PVCFC. Đến thời điểm hiện tại, PVCFC đã sở hữu hệ sinh thái số rất đa dạng, có thể kể đến như hệ thống ERP, hệ thống văn phòng điện tử (e-Office), hệ thống số hóa hoạt động kinh doanh, dịch vụ khách hàng (DMS), Hệ thống quản lý nhân sự (HRM), hệ thống số hóa hoạt động tiếp thị truyền thông (CRM)…
Các thành tựu CĐS này cho phép PVCFC xử lý công tác chuyên môn, ra quyết định và quản trị chung một cách nhanh nhất, chính xác, góp phần tiết giảm thời gian thủ tục, mang lại hiệu quả xử lý cao, nâng dần chất lượng công việc. Với bà con nông dân, ứng dụng 2Nông và trang web 2Nông đã trở thành công cụ hỗ trợ thiết thực, tiếp cận các giải pháp thông tin hữu ích, cập nhật kiến thức nhanh chóng. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng giúp bà con chọn đúng phân bón chất lượng với giá thành hợp lý, đảm bảo mùa màng tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, nông thôn Việt Nam trải dài và có những vùng sâu vùng xa khó có điều kiện tiếp cận cái mới. Điều đó đã tạo động lực để PVCFC nỗ lực tìm kiếm, kết hợp nghiên cứu, đầu tư các giải pháp công nghệ mới đáp ứng yêu cầu: Hiện đại thông minh nhưng thân thiện dễ sử dụng; đảm bảo Tính khả thi. "Đó là tiền để để dự án "người nhân tạo" (digital human) do PVCFC tài trợ ra đời", thông tin từ PVCFC khẳng định.
Được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) trong hình ảnh 3D mô hình chuyển động chân thực, người nhân tạo của PVCFC được kỳ vọng sẽ trở thành người bạn thông minh, thân thiết của mọi nhà nông, khi có tính cách cụ thể, có thể học và trả lời tiếng Việt với những câu hỏi đơn giản. Sản phẩm tương tác bằng giọng nói với nhà nông giống như như một "kỹ sư" chuyên nghiệp để tư vấn kiến thức về vật nuôi, cây trồng, tình hình dịch bệnh, thời tiết…
Thời gian tới, PVCFC sẽ tiến tới tích hợp người nhân tạo vào ứng dụng 2Nông nâng cao trải nghiệm, tạo ấn tượng công nghệ, đem lại trải nghiệm tiện lợi nhất cho người sử dụng.
Sự khác biệt về tư duy khi ĐMST sẽ đem lại thành công cho các DN
Khi được hỏi về quá trình ĐMST của PVCFC, thông qua việc tìm kiếm, hợp tác với các đối tác nước ngoài có nền nông nghiệp công nghệ cao như Israel, ông Trần Ngọc Trung - Trưởng phòng Marketing - Công ty PVCFC cho biết, công ty rất may mắn khi có đội ngũ lãnh đạo qua các thế hệ có tầm nhìn, xác định mục tiêu rõ ràng cho DN. Chính vì vậy, cách đây 4-5 năm, dù là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng công ty lại thành lập ra một ban dự án về dữ liệu lớn (big data).
Điều này cho thấy, tư duy ĐMST của PVCFC đã hình thành từ lâu. Để rồi, ban lãnh đạo cùng các cố vấn đã đi sang các nước phát triển triển để học hỏi, cùng với thách thức để trở thành người dẫn đầu, để tìm kiếm các giải pháp phù hợp.
Trong quá trình tìm kiếm các đối tác nước ngoài đồng hành liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh… và nghe họ chia sẻ về cách triển khai, thực hiện và thành công như thế nào. Để rồi, đội ngũ ban lãnh đạo công ty thấy rằng, để có được những kết quả như vậy thì cần phải có những DN tiên phong dẫn đầu và đầu tư mạnh mẽ.
Trong quá đồng hành cùng những đối tác nước ngoài, do có tư duy tiến bộ nên họ luôn sẵn sàng chia sẻ, hay huy động nguồn lực để hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển với nền nông nghiệp Việt Nam, không chỉ vì lợi ích kinh doanh mà còn vì nền nông nghiệp phát triển của thế giới. "Họ mong muốn Việt Nam cũng như PVCFC trở thành thành viên trong hệ sinh thái để cùng nhau phát triển", ông Trung chia sẻ.
Về khả năng ứng dụng thực tiễn của các xu hướng ĐMST, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Trung, các DN không nên lo lắng việc các đơn vị khác áp dụng trước thì sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của đơn vị mình, bởi vì vấn đề nằm ở tư duy, nhất là về hệ thống
Khó khăn khi triển khai ĐMST của DN, đặc biệt trong ngành nông nghiệp, đó là việc các đơn vị vẫn đang loay hoay trong "ao làng" với những tư duy đóng khung, không có định hướng, bức tranh toàn cảnh để biết con đường sẽ đi như thế nào, đi tới đâu… Chính vì vậy, mặc dù DN biết sẽ phải đầu tư, ứng dụng công nghệ, hợp tác, phát triển hệ sinh thái nhưng bắt đầu từ đâu, như thế nào, và làm với ai thì không phải ai cũng xác định được. Đây cũng là yếu tố quyết định thành công của các DN. Chưa kể, sự khác biệt giữa các DN còn ở chỗ có dám làm, dám đầu tư, dám bước ra khỏi "vùng an toàn" của đơn vị mình hay không.
"Giống như việc đi lạc được trong một khu rừng khi không có la bàn và định hướng, họ có thể đi bất cứ con đường nào vì nó đều giống như nhau, để rồi lạc lối trong chính tư duy của mình", ông Trung dẫn chứng.
Vì vậy, theo ông Trung, để ĐMST thành công, cần có tư duy về hệ thống, sự quyết tâm và bức tranh rõ ràng để các DN, mỗi cá nhân có thể huy động nguồn lực, tin tưởng vào kết quả sẽ đạt được. Từ đó mới tin tưởng con đường đã chọn sẽ đi tới đích và thành công, khi đó nội lực cũng như ngoại lực mới đủ để giúp DN vượt qua khó khăn, tạo nên thành công trong tương lai.
Chương trình Góc nhìn chuyên gia của dự án Báo cáo toàn cảnh ĐMST mở 2021 về Hệ sinh thái ĐMST và hệ sinh thái ĐMST mở, được phát tại đây Link Spotify./.