Low-code giúp ngân hàng lâu đời nhất tại Romania chuyển đổi số thành công

Ngọc Diệp| 05/11/2021 17:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngân hàng CEC có trụ sở chính tại Bucharest, Romania gần đây đã trở thành ngân hàng đầu tiên ở Romania cho phép các doanh nghiệp (DN) nhỏ tạo tài khoản ngân hàng mới hoàn toàn trực tuyến nhờ vào việc ứng dụng low-code.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, lâu dài, chuyển đổi số (CĐS) trở thành yêu cầu tất yếu và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo khảo sát của McKinsey, 90% tổ chức cho rằng đại dịch làm thay đổi căn bản cách hoạt động của mình theo hướng đáp ứng môi trường làm việc không tiếp xúc. Áp lực phải làm việc từ xa khiến cần thêm rất nhiều ứng dụng số có tính chất "may đo" có thể thay đổi linh hoạt, nhanh chóng. 

Microsoft dự báo thế giới cần hơn 500 triệu ứng dụng số mới trong 5 năm tới - nhiều hơn tổng số ứng dụng làm ra trong 40 năm qua. Để đáp ứng nhu cầu này, năm 2020 đã bùng nổ các nền tảng, công cụ no-code (không cần lập trình/không viết mã lệnh) và low-code (lập trình tối thiểu/ít mã lệnh) để phát triển phần mềm trong thời gian cực nhanh so với cách truyền thống. Và CEC là một trong những ngân hàng đi tiên phong trong việc ứng dụng low-code để giải quyết các thách thức của mình.

Ngân hàng CEC được thành lập vào năm 1864 và là một trong những ngân hàng thống lĩnh tại Romania với mạng lưới rộng khắp hơn 1.000 chi nhánh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngân hàng đã chứng kiến thị trường của mình bị thu hẹp bởi các đối thủ cạnh tranh nhanh nhẹn hơn. Vào năm 2019, chính phủ Romania đã cung cấp một khoản ngân sách để tài trợ cho một kế hoạch mới, nhằm tập trung vào tăng trưởng và hiện đại hóa các ngân hàng.

Trong bối cảnh đó, Cristina Totu, Giám đốc ngân hàng CEC, nhận định: Công nghệ là trọng tâm của các kế hoạch đầu tư của ngân hàng.

"Chúng tôi đã bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong việc đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin/kỹ thuật số. Ngân hàng chủ yếu sử dụng các phần mềm cũ và lỗi thời, và điều này làm tăng thách thức về khả năng đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các nhu cầu cũng như thay đổi của thị trường của CEC".

Sử dụng low-code để phát triển các ứng dụng phần mềm nhanh chóng

Để đáp ứng những yêu cầu thay đổi của thị trường, CEC cần phải CĐS, bằng cách chuyển từ hoạt động kinh doanh truyền thống sang phương pháp tiếp cận đa kênh, nơi các sản phẩm và dịch vụ có thể dễ dàng được cung cấp thông qua các kênh vật lý và trực tuyến. Ban lãnh đạo CEC xác định rằng việc cần thiết là phải đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu hiện tại và phát triển các sản phẩm số mới.

Totu cho biết bằng các công nghệ hỗ trợ của mình, nền tảng low-code tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc nhanh chóng phát triển các ứng dụng giải quyết nhu cầu hiện tại của mình và thúc đẩy CĐS. Vì vậy, CEC quyết định triển khai low-code để phát triển các ứng dụng phần mềm mới với sự can thiệp mã tối thiểu, cũng như cung cấp kết nối giữa các ứng dụng mới, cơ sở dữ liệu và phần mềm hiện có.

Kể từ khi áp dụng tiếp cận này, những thay đổi lớn đã được tạo ra. CEC hiện là một trong những ngân hàng phát triển nhanh nhất trên thị trường Romania, và cũng là ngân hàng tiên phong tại quốc gia này trong lĩnh vực ngân hàng số.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ các cá nhân, gia đình và DN và chúng tôi coi công nghệ là công cụ quan trọng để phục vụ khách hàng hiệu quả hơn. Và việc ứng dụng low-code đã giúp chúng tôi có thể thực hiện các thay đổi cần thiết một cách nhanh chóng với chi phí thấp hơn so với việc thay thế toàn bộ hệ thống, đồng thời đẩy nhanh thời gian đưa sản phẩm ra thị trường", Giám đốc ngân hàng CEC cho biết.

CĐS các dịch vụ ngân hàng

CEC đã tạo ra một số hệ thống ngân hàng điện tử mới sử dụng low-code. Gần đây nhất là một ứng dụng kỹ thuật số hoàn toàn, không cần giấy tờ dành cho khách hàng DN vừa và nhỏ (SME). Thay vì điền vào các thủ tục giấy tờ và phải đến các chi nhánh, các SME có thể đăng ký và mở tài khoản ngân hàng trực tuyến bằng cách quét các tài liệu bắt buộc và xác thực tài liệu bằng video. Cái thủ tục giấy tờ cuối cùng cũng có thể được gửi và ký điện tử, giúp toàn bộ quy trình diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Kết quả, CEC hiện là ngân hàng duy nhất tại Romania hỗ trợ các SME tạo tài khoản trực tuyến, cho dù DN có cổ đông cư trú không phải tại Romania (ví dụ: cổ đông cư trú tại EU).

Cụ thể, CEC đã sử dụng nền tảng low-code Aurachain để phát triển một số ứng dụng kinh doanh, với sự hỗ trợ từ một tập đoàn tích hợp hệ thống. Ví dụ: ngân hàng đã tạo ra một hệ thống giám sát cho hệ thống máy ATM và POS của mình, cho phép các kỹ sư đánh giá tổng quan về tài sản theo thời gian thực. Ngoài ra, ngân hàng đã xây dựng hệ thống tiếp nhận - phân phối - xử lý - theo dõi - quản lý các yêu cầu của khách hàng cho bộ phận CNTT của CEC, cho phép nhân viên phản hồi các vấn đề nhanh hơn, giảm thời gian ngừng hoạt động và tăng cường tính khả dụng của toàn hệ thống. Một dự án thứ ba, hiện đang được thực hiện, tập trung vào số hóa các giải pháp tài chính thương mại trực tuyến dành cho SME.

Bằng cách tự động hóa các quy trình làm việc phức tạp và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số cho khách hàng SME, thời gian tiếp nhận khách hàng DN mới tại CEC đã giảm từ 3 ngày xuống còn 3 giờ.

"Giám sát tất cả các yêu cầu và phản hồi có nghĩa là không có gì bị bỏ lỡ hoặc bị đình trệ. Chúng tôi cũng có thể nhanh chóng sửa đổi giao diện và quy trình làm việc nếu các quy trình kinh doanh thay đổi, đồng thời chúng tôi có thể cấu hình lại hệ thống ngay trong ngày để phù hợp với các quy định thay đổi. Chúng tôi chắc chắn việc dự đoán điều này sẽ góp phần thu hút nhiều khách hàng giao dịch trực tuyến với CEC hơn, phù hợp với chiến lược CĐS của chúng tôi", Cristina Totu cho biết.

CEC tin rằng tương lai của mình nằm ở việc cung cấp đa dạng các dịch vụ trực tuyến cho những khách hàng ưu tiên kỹ thuật số (Digital First), những người coi trọng khả năng truy cập nhanh, từ xa và cần sự hỗ trợ cũng như tư vấn nhanh chóng của ngân hàng. Công nghệ số cũng đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, khi rõ ràng nhu cầu mua hàng trực tuyến và làm việc từ xa trở nên phổ biến.

Theo Cristina Totu, việc triển khai dự án này trong điều kiện đại dịch đã gây ra thêm nhiều thách thức cho CEC, nhưng chứng kiến những kết quả đạt được đã khiến tất cả những khó khăn này trở nên đáng giá.

Kinh nghiệm CĐS và ứng dụng low-code của CEC đã cho phép Totu và nhóm của cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá. Nhóm đã học được rằng đổi mới không phải lúc nào cũng là một quá trình dễ dàng, nhưng nó có thể thúc đẩy sự sáng tạo và giúp mọi người học hỏi bằng cách cộng tác với các nhóm mới theo những cách khác nhau.

"Chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về tính chuyên nghiệp và sự hợp tác giữa các nhóm kỹ thuật và kinh doanh có liên quan, điều cần thiết trong việc thiết kế và triển khai các quy trình ngân hàng số sáng tạo", Cristina Totu nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Low-code giúp ngân hàng lâu đời nhất tại Romania chuyển đổi số thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO