Xã hội @

Lừa đảo chứng khoán quốc tế, tiền ảo

PV 28/11/2023 11:43

Đầu tư chứng khoán hay tiền ảo không còn mới mẻ ở Việt Nam. Cách đây gần 10 năm những cơn sóng đầu tư rộ lên và thu hút được nguồn tiền của nhiều người dân. Trong đó không ít người đã dính cạm bẫy. Sau đại dịch, cơn sóng này lại trở nên nở rộ với những cách thức tinh vi hơn nhiều.

Bị dụ dỗ ‘lợi nhuận lớn’ nhiều người dính bẫy

Trót tin những lời hứa hẹn lợi nhuận cao, rủi ro thấp, rút tiền dễ và phí môi giới không đáng bao nhiêu… của những chuyên gia “chứng khoán quốc tế”, nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ hàng trăm triệu đồng, thậm chí “tán gia bại sản” trước khi giấc mơ làm giàu thành hiện thực.

people-with-infographic-financial-recovery-computer_24877-63666.jpg

Chị N.T.H., 45 tuổi sống tại Hà Nội, cho biết, mình đã vừa trở thành nạn nhân của một sàn giao dịch "chứng khoán quốc tế" với số tiền thiệt hại gần 700 triệu đồng.

Chị kể, cách đây vài tuần, chị liên tục nhận được điện thoại của người xưng tên M. T., giới thiệu là nhân viên của "sàn chứng khoán quốc tế SM" và mời chị tham gia. Lúc đầu chị nói không quan tâm và từ chối, nhưng nhân viên môi giới vẫn tiếp tục gọi điện, nhắn tin và thêm chị vào một nhóm chat Zalo do người này làm trưởng nhóm, trong đó nhiều thành viên thường xuyên đăng hình ảnh “chốt lời” giao dịch cổ phiếu, ngoại tệ, vàng với lợi nhuận rất "khủng".

Nạp lần đầu 5.000 USD vào tài khoản, tương đương hơn 110 triệu đồng, chị A. được sàn kết nối với nữ “chuyên gia đọc lệnh” H. giúp chị “đi lệnh”. “Mình phải lướt sóng một chút để kiếm lời cho tài khoản”, H. chèo kéo chị.

Ngày đầu giao dịch theo, chị H. được khoản lãi hơn 6 triệu đồng và rút ngay được về tài khoản ngân hàng. Sang ngày thứ hai, chị H. tiếp tục “lãi” hơn 11 triệu, vẫn rút được. “Thấy vậy nên tôi rất tin tưởng”, chị H. kể và cho biết, sau ba ngày tham gia giao dịch, chị quyết định nạp thêm 15.000 USD nữa để 'hưởng ưu đãi" theo đề nghị của H.

Chuỗi thời gian đen tối với chị A. bắt đầu từ đây. Sau khi nạp tiền "khủng", chị A. được chuyên gia H. hướng dẫn “đi lệnh” mua bán dồn dập mà bản thân chị cũng không hiểu mình đang giao dịch cụ thể thứ gì.

Đến tối ngày giao dịch thứ tư, chị H. được nhân viên môi giới bất ngờ thông báo mình đang thua lỗ lớn và cần nạp khẩn trương thêm 5.000 USD nữa để “trợ giá cho tài khoản an toàn”, tránh mất trắng. Sau chừng hai lần nạp tiền thêm, tài khoản của chị A. vẫn âm.

“H. bảo tôi nạp tiếp 30.000 USD và cam kết gỡ nhưng tôi không tin. Tôi hỏi những người từng làm bên công ty chứng khoán thì họ cho rằng sàn này lừa đảo. Lên mạng tìm hiểu, tôi biết có rất nhiều người cũng bị lừa và tình huống xảy ra cũng giống như tôi với số tiền rất lớn. Số tiền mà tôi bị lừa là cả tài sản của tôi tích cóp và đi vay nợ, trong tình hình dịch bệnh, gia đình tôi đều không tạo ra thu nhập nên tình hình sẽ rất khó khăn”.

Trường hợp của chị A. không hiếm. Phần lớn các nạn nhân đều bị dụ dỗ bởi một chiêu trò: Các môi giới trẻ có avatar rất đẹp "add" Zalo, Facebook làm quen hoặc gọi điện thoại để mời gọi tham gia "chứng khoán quốc tế". Những môi giới này chia sẻ câu chuyện thành công của nhiều nhà đầu tư khi bỏ ra vài ngàn USD và đã thắng lớn, mua nhà, đổi xe.

Được biết, trong số các nhà đầu tư - nạn nhân, không ít người đã cầm tiền ủy thác của bạn bè, người thân. Có người làm kinh doanh, nhưng cũng có người là giáo viên nghỉ hưu, là công nhân hoặc thất nghiệp do dịch bệnh. Việc thiệt hại số tiền quá lớn có thể khiến họ ngập trong vòng xoáy nợ nần, buộc phải tìm đến "tín dụng đen" hoặc những con đường cực đoan khác.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thời gian qua xảy ra hiện tượng một số tổ chức, cá nhân đặt biển tên công ty chứng khoán khi chưa được cấp phép, tổ chức vận hành các ứng dụng, sàn giao dịch chứng khoán trái phép (Gate.io, GoldFinger Finance, Vietdiamondstocks, bawallet9.com, Londonex.com, ZenoMarkets.com, CHMarkets.com, JASS.com, DEXDN.com, LPL.com, TradeTime.com…)

Thông qua mạng xã hội, các sàn giao dịch kêu gọi nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại tiền mã hóa (Pi, USDT, BUSD…) trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tổ chức, vận hành.

default-collapse-stock-market-exchange_107791-85.jpg

Nhận diện dấu hiệu lừa đảo

Để rơi vào bẫy và nguy cơ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo Cục An toàn thông tin, các nhà đầu tư nên tìm hiểu về hệ thống bảo mật, đặc biệt là đối với các sàn giao dịch và công ty trực tuyến. Theo đó, hãy tìm hiểu về hệ thống bảo mật và cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản của người dùng.

Đồng thời, có thể tham khảo đánh giá từ người dùng khác để tìm hiểu và đánh giá về trải nghiệm của họ với sàn giao dịch hoặc công ty. Người dân cũng cần phải cảnh giác với mức phí và chi phí, đặc biệt cần cẩn trọng với các khoản phí và chi phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.

Các lời mời giới thiệu cũng là một mối nguy hại đến từ các đối tượng lừa đảo. Hãy cẩn trọng khi người khác đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư mà chưa có thông tin gì rõ ràng. Nếu nhà đầu tư không chắc chắn về một sàn giao dịch hoặc công ty, hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia tài chính hoặc luật sư để tham khảo.

"Lưu ý rằng việc nhận diện và phòng ngừa lừa đảo là rất quan trọng. Hãy luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực", Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo chứng khoán quốc tế, tiền ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO