Lừa đảo chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng
Trong thời gian qua, dù đã được cảnh báo liên tục, song nhiều người vẫn không tránh khỏi thủ đoạn tinh vi và sập bẫy chiêu trò lừa đảo chuyển nhầm tiền. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chiêu trò này để lừa cho vay nặng lãi hay đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Anh Trần Hồng V ngụ tại Hoàng Mai, Hà Nội cách đây ít lâu bỗng nhiên nhận được gần 100 triệu đồng vào tài khoản. Chỉ chưa đầy một ngày sau khi nhận được số tiền, anh nhận được điện thoại từ một người lạ tự xưng là người chuyển nhầm tiền. Đồng thời người này thông báo đây là số tiền nợ cùng hơn 8 triệu đồng tiền lãi.
Khi khẳng định mình không hề vay nợ và sẽ liên hệ với lực lượng chức năng thì người kia đã liên tục nhắn tin, gọi điện đe dọa. Quá hoang mang, anh V đã đến công an trình báo, sau đó đến cả ngân hàng để yêu cầu được trợ giúp.
Vợ của anh V cũng nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn thông báo chồng mình nợ tiền và yêu cầu thanh toán. Tuy nhiên, mỗi cuộc gọi lại là một giọng nói khác nhau. Không dừng lại ở đó, những đối tượng này còn cắt ghép ảnh của 2 vợ chồng anh V và phát tán trên mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cả hai.
Tình huống mà một người phụ nữ khác gặp phải lại cho thấy một chiêu thức lừa đảo tinh vi khác. Chị kể lại, sau khi chuyển nhầm số tiền gần 3 triệu đồng, chị đã đăng tin lên mạng xã hội nhờ bạn bè tìm giúp. Ít ngày sau đó, chị đã nhận lại được số tiền mình chuyển nhầm qua tài khoản.
Tuy nhiên, sau đó có một người tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi điện, yêu cầu chị làm theo hướng dẫn để xác nhận về việc đã nhận lại được tiền.
"Tôi truy cập một đường link, sau đó nhập mã OTP để xác nhận là nhận được số tiền thì tài khoản của tôi bị trừ mất 50 triệu đồng. Lúc đó mình mới biết là mình bị lừa", nạn nhân cho biết.
Theo nhận định của cục an ninh mạng, việc người dân đăng tải lên mạng xã hội thông tin về việc mình chuyển nhầm tiền cũng chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Chuyển nhầm tiền là chiêu trò không mới nhưng chiêu thức các đối tượng áp dụng để thực hiện các màn kịch lừa đảo lại biến đổi khôn lường.
Phòng ngừa mắc bẫy chuyển "nhầm" tiền
Để không bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo, khi không may chuyển tiền nhầm cho ai đó, người dân không nên đăng tải thông tin về việc chuyển tiền nhầm lên mạng xã hội. Để lấy lại được tiền, cần xác định tiền bị chuyển nhầm trong tình huống nào?
Chuyển nhầm số tài khoản: Trong tình huống này, ngân hàng sẽ kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến ngân hàng chủ quản của tài khoản nhận được tiền chuyển nhầm. Theo quy định, chủ tài khoản biết là nhận được tiền chuyển nhầm nhưng không trả lại có thể bị xử lý hình sự.
Chuyển đúng số tài khoản nhưng sai người nhận: Khi sử dụng ngân hàng trực tuyến, chỉ cần nhập số tài khoản tên người sở hữu tài khoản sẽ hiện ra để đối chiếu thông tin. Khi chuyển tiền liên ngân hàng đôi khi sẽ không thấy tên người nhận vì thế nếu sai vẫn được hoàn về đủ số tiền.
Chuyển đúng số tài khoản nhưng sai tên ngân hàng: Với tình huống này, người chuyển sẽ không bị mất tiền, chỉ mất thời gian để chờ ngân hàng tra soát và làm thủ tục hoàn tiền.
Để tránh gặp phải những tình huống rủi ro phát sinh từ việc chuyển nhầm tiền, mỗi người dân, khi thực hiện chuyển tiền qua tài khoản cần ghi nhớ 2 lưu ý: Một là ưu tiên quét mã QR của người nhận rồi nhập số tiền là hoàn tất việc thanh toán nhanh; Hai là, khi nhập số tài khoản cần nhập mỗi lần 3 chữ số, kiểm tra lại tên và số tài khoản thật kỹ trước khi bấm chuyển.