Diễn đàn

Luân chuyển cán bộ để làm chuyển đổi số tốt hơn

Hoàng Linh 17:53 11/03/2024

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các Sở TT&TT cần phải lưu ý một số nội dung trọng tâm của chuyển đổi số (CĐS), trong đó lưu ý luân chuyển cán bộ để thực hiện các công việc được đổi mới, sáng tạo, nhất là công việc CĐS.

Tập trung làm hướng dẫn các lĩnh vực cho các địa phương

Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I năm 2024 ngày 11/3 của Bộ TT&TT với các sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lưu ý các đơn vị của Bộ cần tập trung làm các hướng dẫn triển khai thực hiện các công việc thuộc các lĩnh vực tại địa phương. Các văn bản, quy hoạch, chiến lược, kế hoạch do Bộ TT&TT xây dựng và trình các cấp ban hành, cũng như các văn bản của Bộ TT&TT ban hành… phải có hướng dẫn thực hiện.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: CĐS khác với CNTT. CĐS thì liên quan đến chuyển đổi là chính, chứ không phải công nghệ. CĐS thì chuyển đổi là căn bản.

Bộ trưởng chỉ đạo một số hướng dẫn các công việc cần phải làm ngay như hướng dẫn bộ, ngành, địa phương về bộ máy CĐS, phát triển kinh tế số, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), mô hình truyền thông chính sách cấp tỉnh, bộ ngành...

Các Sở TT&TT năm nay cố gắng kết thúc về đạt tỷ lệ DVCTT toàn trình ở mức cao là 100%. “Làm phải dứt khoát. Số liệu phải thật. Số không thật thì không điều hành được”, Bộ trưởng yêu cầu.

Luân chuyển cán bộ để có cách làm mới, sáng tạo

Bộ trưởng cũng lưu ý một số nhận thức đối với các đơn vị của Bộ quản lý ngành dọc có tác động toàn quốc như viễn thông, bưu chính, CĐS, an toàn thông tin (ATTT), báo chí… thì phải có đầu mối nhân sự đến cấp phòng của Sở TT&TT để kết nối, tạo mạng lưới nhân lực, từ đó các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tập huấn, cung cấp thông tin đào tạo, trao đổi công việc, luân chuyển vị trí. Nếu không kết nối thì lực lượng chuyên trách các lĩnh vực sẽ rất mỏng.

Cũng theo Bộ trưởng, các Sở TT&TT nghiên cứu việc luân chuyển cán bộ trong nội bộ cho các nhiệm vụ, công việc khác nhau để thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới.

Các Sở TT&TT có thể cử những cán bộ chưa làm CĐS đi học, bổ sung kiến thức về CĐS để có thể đảm nhiệm công tác CĐS, CNTT. Bộ TT&TT đã làm tốt việc này khi thực hiện luân chuyển một số cán bộ về địa phương và cơ bản đều đã trưởng thành. Bộ TT&TT cũng đã luân chuyển phụ trách các lĩnh vực giữa các Thứ trưởng để đẩy mạnh sự đổi mới cho các lĩnh vực”.

Bộ trưởng nhấn mạnh các Sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách CNTT là: “CĐS khác với CNTT. CĐS thì liên quan đến chuyển đổi là chính, chứ không phải công nghệ. CĐS thì chuyển đổi là căn bản”.

toan-canh-11032024.jpg

Bộ trưởng cũng trao đổi về cách làm CĐS nói riêng và cách làm những việc mới nói chung mà cả thế giới công nhận. Đó là làm thí điểm ở một diện nhỏ, đỡ tốn kém nhưng phải làm đến nơi, triệt để, làm đến kết quả cuối cùng để hiểu rõ các vấn đề sau đó hướng dẫn, nhân rộng trên toàn quốc.

Các đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, Sở TT&TT cùng tham gia làm thể chế

Bộ trưởng cũng lưu ý công tác thể chế cần mời các cơ quan chuyên trách CNTT, các Sở TT&TT tham gia vào xây dựng các thể chế do Bộ TT&TT chủ trì. Giám đốc các Sở TT&TT, phụ trách đơn vị cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất bởi vì địa phương là nơi áp dụng, thực thi các thể chế nhiều nhất.

“Các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị soạn thảo các văn bản mới, các đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ ngành, các Sở TT&TT cùng làm việc trực tuyến (online) trong xây dựng văn bản bởi không có tiếng nói từ cơ sở thì thể chế rất khó đi vào cuộc sống”.

Bộ trưởng cũng cho rằng thông qua việc làm thể chế, nhân lực của địa phương cũng sẽ tốt lên mà lại gần gũi với Bộ ngành, thậm chí một số tỉnh lớn có nguồn nhân lực có thể về Bộ TT&TT làm việc một thời gian.

Một công tác quan trọng khác cũng được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý là các Giám đốc Sở TT&TT có trách nhiệm đóng góp nội dung về đường lối, chính sách phát triển của ngành TT&TT trong giai đoạn tới vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Viện Chiến lược TT&TT được Bộ TT&TT giao đóng góp các nội dung phát triển Ngành vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 14. Theo đó, Viện Chiến lược TT&TT phải chuyển tư tưởng, nội dung phát triển Ngành trong giai đoạn tới về các đơn vị, Bộ, ngành, các Sở TT&TT để các đơn vị nắm bắt và đóng góp vào văn kiện Đại hội Đảng các cấp.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Năm 2024, Bộ TT&TT xác định các công tác của Bộ phải thiết thực, tạo ra những kết quả thiết thực, trọng tâm cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức, trong đó có việc rất tập trung là làm trợ lý ảo”.

truc-tuyen-11032024.jpg
Hội nghị trực tuyến của Bộ TT&TT với 63 Sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách CNTT các Bộ, ngành

Hiện, Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (đã đưa vào sử dụng). Ngoài ra, còn có các trợ lý tri thức cho một số lĩnh vực riêng để mỗi cán bộ có thêm 1 trợ lý giúp công việc giấy tờ, số liệu sẽ được hỗ trợ nhờ AI để năm 2024 tập trung vào các công việc thiết thực cho cơ quan.

Thúc đẩy sử dụng chữ ký số (CKS) cá nhân

Trước đó, cũng tại hội nghị, lưu ý các đơn vị về thúc đẩy CKS cá nhân, góp phần thúc đẩy giao dịch điện tử (GDĐT), CĐS, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT đề nghị giám đốc công nghệ (CTO), CNTT (CIO) của các bộ, ngành địa phương tích hợp, kết nối với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (eSign) của NEAC theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Theo thống kê của NEAC, hiện 4 Bộ đã triển khai gồm Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ TT&TT, còn 4 tỉnh chưa hoàn thành tích hợp là Hà Giang, Khánh Hoà, Bên Tre, Bạc Liêu.

Giám đốc NEAC cũng lưu ý Luật GDĐT sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024, các Bộ ngành địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách đặc biệt là ứng dụng các dịch vụ tin cậy vào trong các hoạt động GDĐT.

Về việc việc thực hiện Nghị định số 42, Bộ trưởng chỉ đạo NEAC triển khai gửi công văn trực tiếp lãnh đạo các Bộ, địa phương để đôn đốc. Bộ trưởng cũng lưu ý là CĐS khác với CNTT phải làm đạt 100% bởi nếu không sẽ không đạt hiệu quả. CKS phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

a58i1390.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý các địa phương, các cơ quan chuyên trách CNTT đóng góp các ý kiến cho các văn bản của lĩnh vực CNTT, CĐS để các văn bản đi vào thực tiễn.

Phụ trách lĩnh vực CĐS, Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết tỷ lệ DVCTT toàn trình tại các địa phương còn thấp cần thúc đẩy đo đạc. Bộ TT&TT có công văn gửi từng tỉnh về tỷ lệ DVCTT toàn trình. Bộ TT&TT sẽ lập danh sách về tỷ lệ DVCTT toàn trình của các bộ, ngành, địa phương và thông báo tại phiên họp Chính phủ và trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết Bộ TT&TT đang sửa đổi một số thể chế về đầu tư mua sắm trong lĩnh vực CNTT, CĐS như Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và văn bản liên quan, theo đó, các địa phương cần góp ý kiến cho các văn bản để văn bản đi vào cuộc sống.

Cùng với đó, Thứ trưởng lưu ý Bộ TT&TT vừa qua đã ban hành văn bản về định mức đơn giá chi cho đầu tư lĩnh vực CNTT, các địa phương áp vào dự án cụ thể và tiếp tục đóng góp ý kiến.

Bộ TT&TT cũng đã có văn bản yêu cầu đảm bảo an toàn an ninh mạng, đề nghị các địa phương sử dụng bộ tiêu chí, đánh giá tính khả thi, nếu thấy còn cần điều chỉnh, Cục ATTT sẽ làm việc với các địa phương để tiếp tục hoàn thiện.

Về CKS, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các Sở TT&TT chủ động nghiên cứu áp dụng CKS vào càng nhiều dịch vụ của địa phương càng tốt để qua đó thúc đẩy việc sử dụng CKS của người dân. Hàng tháng NEAC sẽ tổng hợp kết quả sử dụng các CKS và thông báo cho các địa phương để thúc đẩy phát triển./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Luân chuyển cán bộ để làm chuyển đổi số tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO