TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc cho phép người dùng tạo ra những video ca nhạc ngắn, hát nhép, hài kịch, thể hiện tài năng nhằm tìm kiếm sự chú ý và nổi tiếng trên nền tảng này.
Khác với các nền tảng video như YouTube hay Instagram, TikTok thông thường có độ dài chỉ từ 3 - 15 giây, chứa nhiều hiệu ứng đẹp mắt kết hợp với nhạc nền hấp dẫn; tối giản việc chỉnh sửa, biên tập video. Do đó, bất kỳ ai có điện thoại thông minh cũng đều có thể tạo ra được sản phẩm mang dấu ấn sáng tạo của riêng mình.
Với những tính năng hấp dẫn và thu hút người dùng, không khó hiểu khi nền tảng này ngay lập tức đứng đầu danh sách các ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Đầu tháng 1/2020, TikTok trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất toàn cầu.
(Ảnh minh họa: AFP)
Thoạt nhìn, đây là một ứng dụng vô hại và tương đối thú vị. Tuy nhiên, cũng giống như rất nhiều mạng xã hội khác, với số lượng người dùng khổng lồ và kho nội dung vô hạn thì đi kèm với đó cũng là rất nhiều mặt trái như việc xuất hiện ngày càng nhiều những video xấu độc, video bạo lực hay video mang tính kích động phân biệt tôn giáo, đặc biệt là các trào lưu ngày càng biến dị và nguy hiểm… đã và đang tác động không nhỏ đến người dùng.
Thời gian vừa qua, hàng loạt video những cô gái trẻ vạch áo khoe ngực liên tục xuất hiện tràn ngập trên khắp nền tảng TikTok như một trào lưu. Không ít người xem đã cảm thấy vô cùng hoang mang, khi những clip khoe ngực phản cảm này không khác gì các bộ phim dành cho người lớn. Điều đáng nói ở chỗ, nhiều chủ tài khoản TikTok chỉ là những cô gái có tuổi đời còn rất trẻ, một số trong đó thậm chí vẫn đang ở độ tuổi đi học.
Một loạt những thử thách nguy hiểm vẫn tràn lan trên nền tảng này như Penny Challenge (tạm dịch: Thử thách đồng xu): người tham gia sẽ sử dụng đồng xu để thả vào khe hở được tạo ra giữa sạc điện thoại và ổ điện. Mục đích cuối cùng là để tạo ra tia lửa; Thử thách Benadryl khuyến khích người tham gia uống nhiều thuốc dị ứng Benadryl để có ảo giác;...
Hay các trào lưu chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe cũng vô cùng phong phú, tuy nhiên rất nhiều trong số đó chỉ mang tính câu view, tự phát và thiếu kiểm chứng khoa học.
Chưa kể đến những video mang tính bạo lực, kích động thù hận… cũng đang gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với người dùng. Sẽ thật sự nguy hiểm nếu những video này tiếp tục thả nổi và không được kiểm soát chặt chẽ với việc ngày càng có nhiều trẻ nhỏ tham gia nền tảng mạng xã hội này.
Trong nỗ lực nhằm "quét sạch" những nội dung xấu độc, ngày 21/10, TikTok đã công bố một số quy định mới về việc cấm đăng tải các video chứa thông tin sai lệch và kích động tư tưởng hận thù trên ứng dụng này.
Trong báo cáo minh bạch phản ánh về việc xóa các video xấu độc trong nửa đầu năm 2020, TikTok cho biết công ty này đã xóa hơn 104 triệu video trên toàn cầu do vi phạm điều khoản dịch vụ. Con số này cao gấp đôi so với 6 tháng cuối năm 2019, nhưng vẫn chiếm chưa đến 1% số video được đăng trên ứng dụng.
Theo đó, gần 97% video đã bị TikTok chủ động xóa, với 90,32% bị xóa trước khi nhận được bất kỳ lượt xem nào. Trong số các video bị xóa trong 6 tháng đầu năm nay, khoảng 31% bị xóa vì hiển thị nội dung khiêu dâm hoặc ảnh khỏa thân, 22,3% vì lý do bảo mật thấp và khoảng 19,6% vì nội dung hiển thị các hoạt động bất hợp pháp. Các video còn lại bị xóa vì thể hiện các hành động nguy hiểm, tự sát, nội dung bạo lực, bắt nạt hoặc lời nói mang tính kích động sự hận thù.
Tik Tok tích hợp tính năng gia đình thông minh (Family Pairing) giúp bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung xấu độc.
Hiện tại, TikTok vẫn chưa thể đưa ra được biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết triệt để hoặc hạn chế những video với nội dung xấu độc. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là người dùng nên tự bảo vệ mình.
Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh nên dành sự chú ý và kiểm soát nhất định đối với con cái thông qua tính năng Gia đình thông minh (Family Pairing). Tính năng này cho phép cha mẹ giới hạn thời gian xem của con, lọc và loại bỏ các video có nội dung không phù hợp, các bình luận xấu, kiểm tra video mà con đăng lên có nội dung lành mạnh hay không nhằm hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với những nội dung xấu độc có thể ảnh hưởng đến tâm lý não bộ của trẻ, tác động đến kết quả học tập và có thể dẫn tới lệch lạc về suy nghĩ.