Meta bắt đầu thử nghiệm các công cụ kiếm tiền trên metaverse

TH| 12/04/2022 09:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, cho biết đang bắt đầu thử nghiệm các công cụ để bán các tài sản số và trải nghiệm trên nền tảng thực tế ảo Horizon Worlds của mình, một phần quan trọng trong kế hoạch xây dựng một vũ trụ ảo metaverse của Meta.

Trong một tuyên bố, Meta cho biết các công cụ này ban đầu sẽ được triển khai cho một nhóm người dùng hạn chế và được lựa chọn cẩn thận, những người đang xây dựng các lớp học, trò chơi và phụ kiện thời trang ảo trong nền tảng nhập vai của công ty thông qua tai nghe thực tế ảo (VR).

Theo đó, những người dùng này sẽ có thể bán các vật phẩm hoặc cung cấp quyền truy cập có trả phí vào các không gian số riêng mà họ xây dựng để người khác khám phá.

Theo Meaghan Fitzgerald, giám đốc tiếp thị sản phẩm của Horizon, ý tưởng là những người sáng tạo có thể bán mọi thứ, từ quyền truy cập vào khu vực VIP trong thế giới của họ đến các mặt hàng ảo như đồ trang sức hoặc một quả bóng rổ đặc biệt.

Những người tham gia ở Mỹ cũng sẽ có thể kiếm tiền từ quỹ người sáng tạo trị giá 10 triệu USD mà Meta thành lập gần đây để thưởng cho những người sáng tạo có thế giới hấp dẫn nhất.

Meta cũng đang triển khai "chương trình tiền thưởng" để khuyến khích những người sáng tạo sử dụng các công cụ và tính năng mới của công ty và xây dựng thế giới của họ. Các khoản thưởng này sẽ không phải trả phí và sẽ được thanh toán đầy đủ. Chúng được xác định phần lớn dựa trên sự tương tác mà thế giới của người sáng tạo nhận được, theo Sharma.

Horizon Worlds được giới thiệu cho người dùng tai nghe Oculus Quest VR ở Mỹ và Canada vào đầu tháng 12 năm ngoái. Dịch vụ này gần đây đã được giới thiệu trong quảng cáo của Meta tại Super Bowl, và CEO Meta Mark Zuckerberg gọi đó là "cốt lõi cho tầm nhìn metaverse của chúng tôi".

The Verge đưa tin hồi tháng 2, kể từ khi Horizon Worlds được triển khai cho người dùng Quest ở Mỹ và Canada vào đầu tháng 12/2021, số người dùng hàng tháng của nền tảng này đã tăng mạnh lên 300.000, với hơn 10.000 thế giới riêng đã được xây dựng bên trong Horizon Worlds.

Mark Zuckerberg đang quyết tâm tiến vào metaverse sau khi đổi tên công ty mẹ Facebook thành Meta cuối năm ngoái. Gần đây, ông gọi nhân viên của mình là Metamate, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm theo đuổi vũ trụ ảo. Ông cũng hứa hẹn phát hành một phiên bản Horizon cho thiết bị di động vào cuối năm nay để mang lại trải nghiệm metaverse sớm cho nhiều người dùng hơn.

Theo Bloomberg, năm 2020, trị giá thị trường của metaverse đã đạt gần 500 tỷ USD, và có thể tới 800 tỷ USD vào năm 2024. Trong thị trường này, mảng game online đóng góp nhiều nhất - chiếm tới một nửa thị phần, và nửa thị phần còn lại thuộc về truyền thông xã hội, các hình thức giải trí trực tuyến khác như âm nhạc.

Báo cáo của hãng đầu tư Grayscale cũng cho biết, số lượng người dùng tham gia các nền tảng metaverse hiện đã tăng gấp hơn 10 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Đây là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực này. Sức hút của vũ trụ ảo được thể hiện ngay từ các thiết bị thực tế ảo VR và AR - dụng cụ cho phép người dùng giao tiếp trong metaverse.

Theo các chuyên gia, tiếp đà phát triển của năm 2020 và 2021, năm 2022 sẽ là năm mà những tên tuổi công nghệ sẽ vào cuộc, kiến tạo một không gian vũ trụ ảo riêng theo tầm nhìn của mình.

Điền hình là việc CEO Mark Zuckerberg của công ty Meta đã cam kết một khoản đầu tư 10 tỷ USD trong những năm tới, chủ yếu phát triển tai nghe, kính thực tế ảo và công nghệ thực tế ảo tăng cường, với hy vọng sẽ cung cấp thiết bị truy cập tối ưu cho metaverse. 

Trong khi đó, Microsoft cũng bắt đầu đặt chân vào metaverse, nhưng vẫn gắn chủ yếu với đối tượng khách hàng doanh nghiệp truyền thống của hãng. Hồi tháng 11/2021, Microsoft đã công bố nền tảng mang tên Mesh như một phần tích hợp bên trong ứng dụng làm việc trực tuyến Teams.

Mesh dự kiến có thể trình làng trong nửa đầu năm nay với tính năng tạo hình đại diện avatar, tạo phòng họp ảo cho các nhân viên cũng như chia sẻ các tệp văn bản sử dụng Microsoft Office. Một sản phẩm metaverse khác mang tên Dynamics 365 Connected Spaces, cũng đã được hãng giới thiệu, cho phép người dùng di chuyển và tương tác trong các không gian bán lẻ và nhà máy.

Không chỉ các ông lớn, mà những nhà phát hành trò chơi điện tử cũng được kỳ vọng sẽ có bước đột phá với metaverse, sau khi chứng kiến thành công từ nhà sản xuất trò chơi điện tử của Mỹ Fortnite và Roblox./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Meta bắt đầu thử nghiệm các công cụ kiếm tiền trên metaverse
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO