Metaverse: xu thế hay trào lưu nhất thời?

TH| 24/05/2022 20:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Tương tác là nhu cầu ngày càng phát triển trong thời gian tới mà các nền tảng hiện tại chưa đáp ứng được. Đó là lý do vì sao metaverse sẽ trở thành một trong những xu hướng tương lai của Internet và đang được quan tâm trên toàn thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Metaverse - xu thế của tương lai

Tại tọa đàm Leader Talks có chủ đề "Metaverse - xu hướng hay trào lưu nhất thời" diễn ra sáng 24/5, hai diễn giả tham gia chương trình là ông Đặng Khánh Hưng - Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab và ông Trần Dinh - CEO AlphaTrue, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam đều đánh giá metaverse không phải làm một trào lưu nhất thời, mà sẽ trở thành xu thế chung của tương lai.

Metaverse: xu thế hay trào lưu nhất thời? - Ảnh 1.

Các diễn giả tham gia tọa đàm

Theo ông Trần Dinh, đại dịch COVID-19 khiến nhiều người nhận ra nhu cầu tương tác của họ nhiều như thế nào, trong khi các phương thức hiện tại chưa thể thỏa mãn điều đó. Ví dụ, việc học qua Zoom chỉ có nghe và nhìn, hoặc xem phim trên màn hình 2D, các tương tác hiện tại không thỏa mãn được nhu cầu của họ.

Song song với đó là nhu cầu thể hiện. Ở thế giới thực, chúng ta có thể mua những món đồ đắt tiền nhưng chỉ những người xung quanh biết đến. Trong khi trên metaverse, một NFT giá trị có thể khiến người mua nổi tiếng toàn thế giới. Đó là một vài trong số rất nhiều lý do mà các doanh nghiệp (DN) đổ nhiều tiền vào để làm ra những mô hình tương tác mới, đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Metaverse đang giúp họ định hình thế giới số, nếu DN nào nắm bắt được nhu cầu này thì sẽ có nhiều cơ hội trong tương lai.

Với tiềm năng rất lớn, theo Bloomberg, tổng giá trị thị trường của metaverse đã đạt xấp xỉ 500 tỷ USD trong năm 2020 và có thể lên tới 800 tỷ USD vào năm 2024. Theo thống kê, số lượng người dùng tham gia vào các nền tảng vũ trụ ảo, tính đến hết tháng 3/2022 đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020 và lượng người dùng các thiết bị thực tế ảo đã đạt hơn 28 triệu người. Đây là những con số đầy hứa hẹn rằng metaverse sẽ tạo ra sự bùng nổ không chỉ về công nghệ mà còn tạo ra tác động lớn tới nền kinh tế thực.

"Đây là miếng bánh to, DN nào cũng có phần. Khi công nghệ mới ra đời, công ty nào tiếp thu được thì sẽ có lợi thế. Thị trường quá tiềm năng nên các công ty đều muốn đóng góp vào để sở hữu một phần thị phần", vị CEO AlphaTrue cho biết.

Hiện nay, nhiều tên tuổi lớn trên thế giới, trải dài ở nhiều lĩnh vực cũng đã tham gia vào vũ trụ ảo này, có thể kể đến như: Tập đoàn phần mềm Microsoft, Tổ chức tài chính Goldman Sachs, Công ty chứng khoán NH Investment & Securities, Hãng game Epic hay thậm chí là cả dịch vụ hẹn hò Match Group… Điều đó cho thấy công nghệ này đang ngày một phổ biến và được nhiều công ty từ khởi nghiệp đến truyền thống ủng hộ.

Tuy nhiên, ông Trần Dinh cũng nhận định hiện "chưa có nhiều sản phẩm thực thụ để người dùng trải nghiệm, hoặc chỉ có một số nhỏ người dùng được trải nghiệm nên họ không thấy thú vị". Để cải tiến điều này, nhiều công ty đã đầu tư vào các công ty giải trí để tăng cường trải nghiệm trong metaverse. Ví dụ, Microsoft chi 65 tỷ USD để mua công ty game. "Họ phải rất tự tin, nhìn thấy tiềm năng của thị trường mới làm lớn như vậy", ông đánh giá.

Phát triển metaverse tại Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Không nằm ngoài sự thay đổi gần như mang tính bắt buộc trên, một số DN của Việt Nam đã có những bước đi cụ thể nhằm tham gia vào metaverse.

Metaverse: xu thế hay trào lưu nhất thời? - Ảnh 2.

Chia sẻ về những lợi thế, tiềm năng của Việt Nam trong làn sóng công nghệ metaverse, ông Trần Dinh cho biết ngoài tỷ lệ dân số tiếp cận Internet cao, Việt Nam còn nằm trong top 10 quốc gia sở hữu tài sản số lớn nhất thế giới nhờ dân số trẻ, nguồn nhân sự dồi dào, lợi thế cạnh tranh, xu hướng GameFi,... Nhiều công ty đã có sẵn nền tảng để xây dựng metaverse như AI, nhận diện khuôn mặt, NFT... Đây là lợi thế để các DN có thể tiếp cận với người chơi, tiếp tục dẫn đầu trong tương lai.

Theo ông Đặng Khánh Hưng, Giám đốc nghiên cứu FPT Blockchain Lab, Axie Infinity, game metaverse nổi bật nhất 2021, là do đội ngũ người Việt phát triển. Trong năm qua đã có rất nhiều dự án metaverse ra đời tại Việt Nam, tập trung vào game, trong đó có những dự án đã gọi đầu tư được hàng triệu USD từ vòng hạt giống.

Đồng quan điểm, ông Trần Dinh, CEO AlphaTrue, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đánh giá Việt Nam có lợi thế lớn về xây dựng phần mềm với nguồn nhân sự dồi dào. Một trong những minh chứng là làn sóng GameFi đã nở rộ, có những game dẫn dắt cả thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên cũng có không ít khó khăn và thách thức. Theo ông Đặng Khánh Hưng, khó khăn về nội tại với những người làm metaverse đó là họ là những người dẫn đầu, nên phải khai phá, dấn thân. Thứ hai là yếu tố tâm lý thị trường, hay đầu cơ. Làn sóng đầu tư vào metaverse bùng nổ rồi đi xuống. Trong số những người đầu tư đấy, không chỉ có đầu tư, mà còn là đầu cơ, canh bạc, kiếm tiền nhanh. Đó là điều không thể phủ nhận. Chính việc đầu cơ đó trở thành sự khó khăn, ngăn trở các dự án, tổ chức muốn phát triển lâu dài, bởi sự cạnh tranh về nguồn lực, cạnh tranh phát triển đường dài.

Bên cạnh đó là những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến metaverse có thể kể đến như nguy cơ an ninh mạng, người dùng dễ dàng trở thành nạn nhân của deepfake hoặc avatar bị tấn công (hack) trong thế giới ảo. Theo ông Trần Dinh, an toàn trên không gian mạng là vấn đề tất cả người dùng Internet đều phải đối diện mỗi ngày. Đa số vấn đề an ninh khi có lỗ hổng bị khai thác rồi thì mới được sửa đổi. Nếu DN may mắn, tìm ra lỗ hổng từ hacker mũ trắng, còn nếu gặp hacker mũ đen thì chúng ta bị khai thác rất lâu.

Còn về deepfake, chúng ta đã gặp rất lâu, trước khi metaverse ra đời. Nhưng trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều phương án nhiều hơn để bảo vệ người dùng. Năm ngoái, thiệt hại từ các vụ hack đã lên đến hàng triệu USD, điều này khiến các công ty cảnh giác, đầu tư bảo mật nhiều hơn khi làm sản phẩm để thu hút người dùng.

"Tuy nhiên, nhìn về tương lai tôi có một quan điểm khác. Khi metaverse phát triển, chúng ta sẽ được bảo vệ an toàn hơn trên không gian mạng. Khi hệ thống KYC phát triển, kết hợp với hệ thống blockchain, mỗi giao dịch đều được ghi nhận, không thể làm giả. Nên tôi nghĩ, nếu hợp đồng thông minh (smart contract), NFT được phát triển trong tương lai, chúng ta sẽ được an toàn hơn. Nhưng trong tương lai, chính người dùng phải đầu tư, bảo vệ mình, trang bị kiến thức để mình được an toàn hơn", ông Dinh nhấn mạnh.

Trước vấn đề trên, ông Đặng Khánh Hưng khẳng định lời cảnh tỉnh vẫn là người dùng cuối nên thực sự cẩn trọng với công nghệ mình sử dụng. Theo đó, khi sử dụng sản phẩm, chúng ta phải chú ý nhiều hơn đến quyền riêng tư, bảo mật cá nhân. Việc khắc phục các lỗi trong an toàn thông tin cần nỗ lực truyền thông, nâng cao ý thức, hiểu biết của người dùng cuối, và cả nỗ lực từ các nhà phát triển, cần chú tâm nhiều hơn đến mã hóa, bảo mật thông tin./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Metaverse: xu thế hay trào lưu nhất thời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO