“Muốn đất nước vươn mình phải nghĩ khác, làm khác”
TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông - người góp công lớn đưa internet về Việt Nam đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trao đổi chung quanh Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị vừa mới ban hành và những vấn đề mang tính chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Là một chuyên gia về công nghệ thông tin, từng có nhiều năm quản lý và dấn thân tiên phong trong đổi mới ngành bưu chính viễn thông, ông đánh giá thế nào về Nghị quyết 57-NQ/TW?
Với Nghị quyết 57, tôi liên tưởng tới Nghị quyết 10 (khoán 10) của Bộ Chính trị trong nông nghiệp, có thể xem đây như một đột phá cho công cuộc đổi mới lần thứ hai của đất nước. Trong bối cảnh điều kiện về khoa học công nghệ cũng như môi trường của thế giới hiện nay, Việt Nam phải làm cuộc đổi mới lần thứ hai với cái tên mới là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một slogan tôi cho là rất hay, khẳng định một giai đoạn giống như khi ra đời khoán 10 để chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng- bắt đầu của thời kỳ đổi mới. Cho nên tôi đánh giá rất cao Nghị quyết này và trong hoàn cảnh hiện nay, không làm một cuộc cải cách mạnh mẽ, có tính chất như một cuộc cách mạng về thể chế, về khoa học công nghệ, về cách thức quản trị quốc gia thì chúng ta chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu của năm 2030 và năm 2045. Đó là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Muốn đạt mục tiêu đó, Việt Nam phải tăng trưởng hai con số. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc sau chiến tranh đã liên tục tăng trưởng hai con số trong thời gian dài và đã vượt lên đẳng cấp mới của các nước phát triển. Khi thấy tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm dần qua các thập kỷ thì nguy cơ tụt hậu và nguy cơ bẫy thu nhập trung bình là khó tránh khỏi. Các nhà quản lý, doanh nhân, người dân đều lo lắng vì những tiềm năng của công cuộc Đổi mới lần thứ nhất đã cạn kiệt và chưa có hướng ra cho cuộc đổi mới tiếp theo.
Gần 15 năm trước, khi tham gia chuẩn bị Đại hội XI, tôi có bài góp ý trên một tờ báo là cần thiết phải có một cuộc đổi mới lần thứ hai. Ngay cả Nghị quyết 18 -NQ/TW ban hành năm 2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” cũng đã thể hiện sự cần thiết phải có những cải cách, cải tổ nhất định trong thể chế và bộ máy nhưng cũng chưa triển khai được bao nhiêu. Vì vậy, không có cách nào khác, đây là thời điểm “yes” (có) hoặc “no” (không) hoặc “now or never” (bây giờ hoặc không bao giờ), thực tế là như vậy. Nếu mà cứ túc tắc, cách làm như hiện nay thì chắc chắn là không đạt được mục tiêu đề ra. Thực ra trước khi có Nghị quyết 57 thì bài báo ngày 2/9/2024 của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” là những tiếng chuông đầu tiên chuẩn bị cho những cải cách, đổi mới tiếp theo. Nghị quyết 57 đã thổi một luồng sinh khí mới, trí thức, doanh nhân, người dân hồ hởi, hy vọng trong bối cảnh những năm gần đây nền kinh tế gặp khó khăn, một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, Nghị quyết 57 ra đời vào thời điểm không thể chậm hơn. Tôi cho rằng 10 năm vừa qua chúng ta lúng túng. Chúng ta đã lỡ một nhịp, năm 2020 không thể trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tôi nhớ đầu năm 1986, Tổng Bí thư Trường Chinh sang thăm và nói chuyện ở Bộ Tư lệnh tiền phương cùng Tổng đoàn chuyên gia của Việt Nam ở Campuchia. Đồng chí nói đất nước ta do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ vừa trải qua nhiều năm chiến tranh, cơ chế tập trung quan liêu, hành chính mệnh lệnh đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, kỳ này chuẩn bị Đại hội VI phải làm sao bứt phá ra, nếu không đất nước sẽ chắc chắn tụt hậu. Tôi và các chuyên gia khác rất vui, có người rơi nước mắt, vui vì Đảng đã nhìn ra những khuyết điểm, sai lầm và quyết tâm đổi mới.
Theo ông, giữa bộn bề những việc làm, phải đột phá vào đâu để tạo nên sự thay đổi, bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Chúng ta đã xác định thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Tôi đánh giá cuộc đổi mới lần này 70% là thể chế, 30% là công nghệ. Quyết định thành bại của chuyển đổi số không phải là những nhà công nghệ mà chính là những người đứng đầu quốc gia, những nhà hoạch định chính sách, doanh nhân.
Tôi tham gia công cuộc Đổi mới ngay sau Đại hội Đảng lần thứ VI, bắt tay ngay đổi mới công nghệ của ngành viễn thông, trước hết chuyển đổi từ công nghệ analog sang công nghệ số, đưa tất cả những gì mới nhất thế giới có về Việt Nam, từ thông tin di động, internet. Đó là giai đoạn đầu, đổi mới bằng công nghệ, bằng các giải pháp kinh tế, nhưng thể chế trong ngành viễn thông vẫn còn những điểm nghẽn, điển hình là cơ chế độc quyền. Ngành viễn thông đã mạnh dạn cải cách thể chế, chuyển từ thể chế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước sang mở cửa cạnh tranh cho nhiều doanh nghiệp cùng làm. Từ đó thị trường viễn thông đã có bước phát triển đột phá, nhờ có cạnh tranh, giá cả xuống nhanh, chất lượng phục vụ tốt hơn, và tốc độ sử dụng dịch vụ của người dân tăng rất nhanh. Đó có thể gọi là một cuộc cải cách lần thứ hai trong ngành bưu chính viễn thông: cải cách thể chể phá thế độc quyền doanh nghiệp của VNPT, mở cửa cho Viettel và nhiều doanh nghiệp viễn thông khác để Việt Nam bây giờ có môi trường internet vào loại thuận lợi nhất.
Tôi nhận thấy những mục tiêu chúng ta đặt ra cho mốc 2030 và 2045 rất cao và sẽ khó đạt được nếu suy nghĩ một cách thông thường, tuyến tính. Vậy thì để đất nước vươn mình, cần phải đổi mới tư duy hay nói ngắn gọn là nghĩ khác đi, làm khác đi. Tôi đọc nhiều kịch bản phát triển, thấy đa số vẫn cách làm cũ, chung chung theo kiểu “khoa học công nghệ là nòng cốt”.
Nội hàm của đổi mới tư duy chính là phải cải cách thể chế. Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế phải đi trước một bước, nhưng nếu cách làm như trước đây phải mất 5-10 năm. Cải cách thể chế trước hết là cải cách cách làm luật vốn đang rất lạc hậu. Luật chủ yếu để điều chỉnh hành vi, chứ không phải chính sách, vì chính sách tùy điều kiện sẽ thay đổi. Luật của Việt Nam đưa quá nhiều chính sách vào, khi thay đổi rất khó. Luật lại do cơ quan hành pháp soạn thảo nên trong nhiều trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đưa ra nhiều “cây gậy” để quản lý, cài cắm lợi ích cục bộ. Cần xử lý ngay rất nhiều luật đang cản trở sự phát triển, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo. Tôi cho rằng không cần quá nhiều luật, những bộ luật đã lạc hậu có thể bỏ, xử lý theo hướng một luật sửa nhiều luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định, dứt khoát từ bỏ tư duy: “không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm”. Trước đây, khi tôi quản lý ngành bưu chính viễn thông, đưa internet về Việt Nam, lúc đó Bộ Chính trị có chủ trương quản đến đâu, mở internet đến đó. Đó là năm 1997, suốt 3 năm không mở được internet công cộng vì ngành an ninh cho rằng “không quản được”. Tôi đã đấu tranh để thay đổi với tinh thần phải thay đổi phương châm quản lý, quản đến đâu mở đến đấy theo phương thức quản lý phải theo kịp yêu cầu phát triển. Từ đó, một nghị định mới về internet ra đời, tạo điều kiện để các tiệm internet công cộng nở rộ. Đó là kết quả việc thay đổi phương châm quản lý.
Một nguyên tắc là cán bộ, công chức nhà nước chỉ làm những điều Nhà nước cho phép, người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm, cái gì cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì phải tạo không gian cho sáng tạo, cái gì doanh nghiệp và người dân làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước dứt khoát không làm. Mà những gì người dân và doanh nghiệp không làm được rất ít.
Cách thức quản trị quốc gia phải khác trước, hãy để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Nếu không phân cấp thì các bộ sau sáp nhập phình to ra không thể nào làm được nếu quản lý theo cách cũ.
Quản lý phải theo mục tiêu chứ không phải quản lý theo quy trình. Cái quan trọng là kết quả cuối cùng, cách làm thì có thể tự đổi mới, sáng tạo. Chúng ta đã có nhiều bài học về quản lý đúng theo quy trình, có những dự án làm đúng quy trình vẫn thiệt hại thất thoát hằng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bổ nhiệm cán bộ cũng đúng quy trình, nhưng nhiều cán bộ dính vòng lao lý. Đổi mới sáng tạo mà theo quy trình thì làm sao đổi mới sáng tạo được.
Mục tiêu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đã rõ, chúng ta cần những giải pháp rõ ràng thực hiện mục tiêu đó.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Theo ông, công tác cán bộ cần thay đổi thế nào và cán bộ, công chức cần có những phẩm chất gì để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới?
Quốc gia nào có đội ngũ lãnh đạo mạnh, sạch và có tầm nhìn thì đất nước đó mới có thể phát triển vươn mình, một thí dụ điển hình là Singapore. Khi sáp nhập các bộ, các bộ trưởng quản lý những lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, nếu cứ “khề khà” thiếu khát vọng, thiếu hành động chỉ một nhiệm kỳ thôi thì đất nước mất cơ hội. Chọn người đứng đầu bộ, ngành, các địa phương phải thật sự xuất sắc, phải hội đủ tài năng và nhân cách. Tôi cho rằng đã làm lãnh đạo thì không được nói khó khăn, không được dùng từ “nhạy cảm” để né tránh trách nhiệm.
Muốn chọn được người tài thì phải chọn qua thực tiễn, để thực tiễn “chà đi xát lại”, “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”, không chỉ đơn thuần căn cứ vào bằng cấp. Kỷ nguyên mới cần những người dám dấn thân, có khát vọng, có tư duy đổi mới. Nhưng một điểm yếu của chúng ta là không chịu khó phát hiện cán bộ giỏi. Thường nhân tài lại không cầu cạnh, chạy chọt, nịnh hót. Với trí thức, cái quan trọng hơn lương bổng chính là được đánh giá đúng, sử dụng đúng. Dĩ nhiên, chúng ta phải tăng lương cho cán bộ, công chức, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho người tài, lương không đủ sống là lương “giả vờ”, từ đó phát sinh ra tham nhũng, tiêu cực./.