Chuyển đổi số

Bưu điện Việt Nam: Hành trình chuyển đổi số, vươn mình trở thành doanh nghiệp bưu chính công nghệ

AD 18/02/2025 14:25

Để Bưu điện Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành doanh nghiệp bưu chính công nghệ, cần phát huy năng lực nội tại, cần có đội ngũ CNTT đủ mạnh, và một tinh thần sẵn sàng dám gánh vác sứ mệnh lớn, nhiệm vụ lớn để làm động lực phát triển và đóng góp cho cộng đồng, xã hội, người dân.

Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN/Vietnam Post) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số (CĐS), triển khai tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) quốc gia.
Hội nghị nhằm đánh giá quá trình CĐS của BĐVN giai đoạn 2019 - 2024, làm tiền đề cho chiến lược CĐS giai đoạn 2025 - 2030 theo tinh thần "đột phá" của Nghị quyết 57-NQ/TW.

Hòa cùng dòng chảy số, lấy công nghệ làm động lực phát triển

Là một trong những doanh nghiệp (DN) luôn chú trọng nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, BĐVN không ngừng cải tiến, tối ưu hóa và cập nhật các công nghệ mới để từng bước hiện thực hóa khát vọng chuyển dịch từ một DN bưu chính truyền thống sang một DN bưu chính công nghệ, lấy công nghệ làm động lực phát triển.

Qua đó, BĐVN đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, vận hành ổn định dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu, phát triển hạ tầng, đa dạng hóa dịch vụ và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Những nỗ lực này đã giúp BĐVN ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, cộng đồng và xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ bưu chính.

95947f83-3474-44bf-97cb-7a0646595110.jpg
Bưu điện Việt Nam đã sớm xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, kinh doanh.

BĐVN đã sớm xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, kinh doanh. Các nhóm giải pháp tổng quát được nghiên cứu, xây dựng, cùng với các chương trình và kế hoạch nhằm khai thác triệt để lợi thế về mạng lưới, quy mô, đồng thời từng bước ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, để CĐS thực sự tạo ra bước đột phá, cần có một cú hích mạnh mẽ, với định hướng công nghệ rõ ràng và lộ trình cụ thể. Mục tiêu là đẩy nhanh số hóa toàn bộ các công đoạn sản xuất, quản lý, vận hành, thanh toán và quản trị, đưa BĐVN trở thành DN bưu chính công nghệ, mở ra các không gian kinh doanh mới và nâng tầm quy mô. Từ đó, DN có thể tạo động lực và huy động nguồn lực để xây dựng các nền tảng công nghệ mang tính hạ tầng quốc gia, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Trong giai đoạn 2023 - 2024, với phương châm "Chuyển đổi công nghệ thông tin song hành và đồng nhịp với chuyển đổi DN", BĐVN đã triển khai đồng bộ các giải pháp CĐS trong các lĩnh vực như kế toán, quản trị nguồn nhân lực, quản lý tài sản, an toàn thông tin, các nền tảng giao hàng chặng cuối, quản lý chuỗi cung ứng, tài chính bưu chính mở, thương mại điện tử (TMĐT), dữ liệu và chăm sóc khách hàng... Đồng thời, BĐVN cũng chuyển đổi mô hình kiến trúc hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), thay đổi các công nghệ ứng dụng, và từng bước xây dựng, củng cố đội ngũ CNTT với chất lượng và số lượng đảm bảo, hướng tới tự phát triển và cung cấp các dịch vụ CNTT.

ac99150e-17c5-4806-aed5-08974f169f58.jpg
Gian hàng trưng bày các sản phẩm, ứng dụng khoa học, công nghệ của Bưu điện Việt Nam tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, các hệ thống công nghệ phục vụ công tác quản trị, vận hành và khai thác cũng được chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa. BĐVN đã bước đầu xây dựng kho dữ liệu (Data Warehouse) cho toàn Tổng công ty, phục vụ công tác điều hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu. Với quan điểm CĐS là việc ứng dụng KHCN hiện đại vào chuyển đổi hoạt động của DN theo hướng số hóa và tự động hóa, BĐVN đã ban hành danh mục 11 công nghệ tự động hóa và 4 nhóm dịch vụ số hóa trong lĩnh vực Bưu chính và Logistics - hai lĩnh vực trụ cột của Tổng công ty.

Sẵn sàng cho sự đột phá, chuyển mình quan trọng trong giai đoạn mới

Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, nhằm tạo xung lực thúc đẩy sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết xác định rõ vai trò then chốt của KHCN và ĐMST như động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, Nghị quyết đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá để ưu tiên và khuyến khích phát triển KHCN, ĐMST.

Trong đó, nhóm nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập, được sử dụng ngân sách Nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác với các tổ chức, DN... thực sự sẽ là động lực để phát triển KHCN, sớm đưa những kết quả nghiên cứu vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ này hướng tới việc tháo gỡ các rào cản tồn tại lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho DN và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định 2 mục tiêu với 7 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện kèm 41 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được giao nhiệm vụ chủ trì theo dõi, và đánh giá 15 chỉ tiêu.

Kế hoạch 286/KH-BTTTT của Bộ TT&TT về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ đã xác định rõ các mục tiêu về xếp hạng năng lực cạnh tranh số; xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; xếp hạng về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); DN công nghệ số ngang tầm quốc tế; phát triển hạ tầng số; an toàn thông tin,… cùng các nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện cụ thể.

Là một trong những đơn vị triển khai sớm và nghiêm túc tinh thần của các nghị quyết và kế hoạch trên, BĐVN đặt mục tiêu trở thành DN tham gia tích cực vào các đề án phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, BĐVN hướng tới trở thành DN công nghệ trong các lĩnh vực logistics, TMĐT, tài chính, và phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới trên nền tảng số, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu theo mục tiêu Chiến lược giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

ef5b0a6a-ff68-4ff8-8dbb-34cb1038c9e0.jpg
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số nhận định BĐVN có nhiều lợi thế để có thể tạo đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đánh giá cao sự chủ động trong triển khai tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn nhận định: BĐVN có nhiều lợi thế về mạng lưới, hạ tầng, và đặc biệt là vị thế DN duy nhất được chỉ định đại diện Việt Nam tham gia các tổ chức bưu chính quốc tế để tạo đột phá về KHCN, ĐMST, và CĐS. Với vai trò là đại diện quốc gia, BĐVN cần nhận sứ mệnh quốc gia, tham gia vào các đề án xây dựng nền tảng số quốc gia để đóng góp những lợi ích thiết thực nhất cho đất nước. Đây cũng là cơ hội để BĐVN khẳng định vững chắc vị thế và vai trò của mình.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS Quốc gia (Bộ TT&TT) cũng nhấn mạnh, toàn bộ nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đều xoay quanh “đột phá” và nội hàm về KHCN, ĐMST và CĐS. Khi gắn với DN, cụ thể là BĐVN, sự đột phá đó bao gồm đột phá về tổ chức thực hiện, đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng gắn với hiệu quả, đột phá về nhân lực gắn với nhân tài. Đồng thời, gắn việc CĐS DN với sự đóng góp cho sự phát triển chung của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Nếu 2019 - 2024 là giai đoạn chuyển đổi dần để thích ứng với sự thay đổi của kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên số, thì 2025 - 2030 sẽ là giai đoạn để BĐVN nắm nắm bắt thời cơ và bứt phá. Trong đó, tập trung vào việc CĐS theo hướng hiện đại hóa hạ tầng và tối ưu hóa hoạt động vận hành trên toàn bộ mạng lưới, thông qua ứng dụng sâu, rộng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, Big Data…

Đồng thời, triển khai áp dụng khung CĐS Logistics 4.0 để xác định mô hình, kiến trúc và công nghệ; chuyển đổi mô hình kinh doanh và vận hành các trụ cột dịch vụ; chuyển đổi mô hình quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, tập trung; chuyển đổi nền tảng công nghệ, dữ liệu, tích hợp và trợ lý ảo; chia sẻ các giải pháp số với các DN khác để tạo dựng hệ sinh thái công nghệ.

Bên cạnh đó, ĐBVN sẽ tiếp tục đồng hành và góp phần đẩy nhanh quá trình CĐS quốc gia thông qua 02 dự án lớn về xây dựng mạng lưới logistics số hỗ trợ các DN nhỏ và vừa cũng như triển khai TMĐT, CĐS tại địa bàn các xã thông qua hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, BĐVN đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 286/KH-BTTTT của Bộ TT&TT, với 8 nhiệm vụ chính như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế và chính sách thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS);

Thứ hai, đầu tư xây dựng hạ tầng và nền tảng số định hướng công nghệ Cloud Native;

Thứ ba, CĐS mô hình kinh doanh và vận hành, tự động hóa hoạt động quản trị và điều hành;

Thứ tư, cơ giới hóa, tự động hóa tối ưu hoạt động khai thác, cung ứng dịch vụ bưu chính và Logistics;

Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực số;

Thứ sáu, kết nối với chính quyền, tham gia các Hiệp hội, hợp tác xây dựng hệ sinh thái bưu chính và Logistics;

Thứ bảy, tham gia hợp tác quốc tế về CĐS, đặc biệt trong Liên minh Bưu chính thế giới (UPU);

Thứ tám, truyền thông, tuyên truyền, xây dựng văn hóa DN về CĐS.

Hoàn thành các nhiệm vụ trên sẽ là điều kiện quan trọng để BĐVN hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2030: BĐVN trở thành đơn vị đi đầu trong ứng dụng công nghệ và ĐMST, trở thành DN công nghệ trong lĩnh vực bưu chính, logistics...; đồng thời, trở thành thương hiệu mạnh của quốc gia và vươn tầm quốc tế, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, tích cực xây dựng và cải tạo môi trường sống, truyền tải các giá trị nhân văn của Việt Nam ra thế giới.

Với xung lực là sự đột phá về công nghệ, sự trưởng thành trong CĐS, sự đóng góp đối với đất nước, BĐVN kỳ vọng sẽ hình thành và phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số, với doanh thu số đạt 400 tỷ đồng vào năm 2027 (tăng trưởng trung bình 100%/năm); lợi nhuận từ dịch vụ số đạt 3-5% tổng lợi nhuận toàn Tổng công ty. Đến năm 2030, BĐVN sẽ tiếp tục vững vàng khẳng định vị thế DN Bưu chính quốc gia và vươn tầm quốc tế. Trong đó, việc hỗ trợ bưu chính các quốc gia có mức độ phát triển CNTT còn hạn chế giải bài toán CĐS sẽ là hướng đi khả thi và triển vọng.

Tiếp tục khẳng định vị thế của một DN bưu chính quốc gia, luôn tiên phong trong ĐMST

Khẳng định BĐVN đã và đang nỗ lực từng bước trong tiến trình CĐS, ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách HĐTV Tổng công ty BĐVN, tin tưởng với kiến trúc CNTT đã được định hình rõ ràng và lộ trình cụ thể, BĐVN sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của một DN bưu chính quốc gia và vai trò của một DN bưu chính công nghệ trong giai đoạn mới, luôn tiên phong trong ĐMST, đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước và trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế số và xã hội số.

c5383c30-d1aa-4cb4-ba43-c7d7cc525f8d.jpg
Ông Nguyễn Trường Giang, Phụ trách HĐTV Tổng công ty BĐVN: Để BĐVN CĐS thành công và trở thành DN bưu chính công nghệ, cần phát huy năng lực nội tại, cần có đội ngũ CNTT đủ mạnh, và một tinh thần sẵn sàng dám gánh vác sứ mệnh lớn, nhiệm vụ lớn.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, để BĐVN CĐS thành công và trở thành DN bưu chính công nghệ, cần phát huy năng lực nội tại, cần có đội ngũ CNTT đủ mạnh, và một tinh thần sẵn sàng dám gánh vác sứ mệnh lớn, nhiệm vụ lớn để làm động lực phát triển và đóng góp cho cộng đồng, xã hội, người dân. Trong đó, sự tốt lên dần dần, sự cải thiện theo từng ngày tuy có mang lại hiệu quả song chỉ ở mức nhỏ, không phải và cũng không thể là sự đột phá. Sự đột phá là khác biệt hoàn toàn, mang lại hiệu quả ở quy mô lớn hơn, có tác động lớn hơn.

“BĐVN sẽ trở thành một thành tố quan trọng, khẳng định được vai trò với đất nước, cộng đồng DN và người dân. Để làm được điều này, chúng ta cần định vị sự phát triển công nghệ trong tư tưởng, mục tiêu và sự nghiệp phát triển của BĐVN bằng lộ trình rõ ràng và những hành động thực chất, cụ thể, trước mắt là kết quả trong năm 2025”, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Theo đó, trong tháng 3/2025, BĐVN sẽ thể hiện rõ định hướng phát triển và lộ trình triển khai cụ thể; hoàn thiện phương án điều chỉnh rút ngắn thời gian triển khai các dự án CNTT, và ban hành cơ chế thu hút nhân tài với chế độ đãi ngộ cao, chính sách thưởng lớn, xứng đáng theo năng lực. Đồng thời, BĐVN sẽ rà soát, triển khai và công bố các chương trình, dự án kết nối với Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) về CĐS cho các DN bưu chính quốc gia.

Các nội dung về xây dựng kế hoạch CĐS chi tiết của năm 2025, tầm nhìn 2030; phương án phát triển, quản trị, khai thác và hướng tới kinh doanh dữ liệu; đưa vào áp dụng dự án SSC dành cho kế toán sẽ sớm hoàn thành trong Quý II/2025.

Tháng 7/2025, BĐVN sẽ tổ chức sơ kết và công bố các “tuyên ngôn” về CĐS của Tổng công ty. Theo đó, các ứng dụng sẽ được đưa vào ứng dụng, triển khai với đối tác, khách hàng theo cam kết cũng như khẳng định giá trị niềm tin, độ tin cậy của khách hàng với hệ thống quản trị số của BĐVN.

Phụ trách HĐTV cũng giao nhiệm vụ cho HĐTV, Ban Tổng Giám đốc chỉ đạo thực hiện sát sao, quyết liệt theo đúng tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả) của Thủ tướng Chính phủ.

8b4a9b0b-64e3-4f89-8d8c-b845e7ee1351.jpg
Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam nhấn mạnh vai trò của hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã trong việc đồng hành cùng chuyển đổi số khu vực thôn, xã, bản, làng.

Lưu ý các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai 5 định hướng, 8 nhóm nhiệm vụ về KHCN, ĐMST và CĐS đảm bảo tính khả thi, hiệu quả với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, Tổng Giám đốc Chu Quang Hào đặc biệt nhấn mạnh nội dung liên quan đến vai trò của hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã trong việc đồng hành với CĐS tại cấp xã.

BĐVN là DN duy nhất có hệ thống mạng lưới hơn 8.200 điểm Bưu điện - Văn hóa xã hiện diện tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… Đây là lợi thế quan trọng để BĐVN trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, các bộ ngành; đồng thời cũng là điểm đến cho hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là CĐS phường xã, khi trọng tâm của đổi mới đang hướng sát gần với người dân ở tất cả các hoạt động và nhiệm vụ này cũng rất phù hợp với sứ mệnh phục vụ cộng đồng.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã sẽ là thực thể quan trọng, mang CĐS, mang TMĐT đến với người dân khu vực thôn, xã, bản, làng. Do vậy, lộ trình CĐS của BĐVN cần được đẩy nhanh để đáp ứng được mô hình mới của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội,…

Bên cạnh 8 nội dung Hội nghị đưa ra cùng công tác quản trị xây dựng dữ liệu lớn, Tổng Giám đốc Chu Quang Hào cũng lưu ý cần đặc biệt quan tâm đến công tác an toàn thông tin để đảm bảo rằng, các dữ liệu được an toàn tuyệt đối trước các nguy cơ tấn công mạng, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ thành quả của CĐS và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Hội nghị tổng kết công tác CĐS, triển khai tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia là điểm nhấn đánh dấu sự chuyển mình quan trọng của BĐVN về lĩnh vực công nghệ. Trong thời gian tới, BĐVN sẽ có những “tuyên ngôn” khẳng định sự trưởng thành trong từng lĩnh vực, từng mảng dịch vụ về mặt công nghệ số cũng như khẳng định khát vọng được đóng góp vì sự phát triển kinh tế số, xã hội số, và quốc gia số./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu điện Việt Nam: Hành trình chuyển đổi số, vươn mình trở thành doanh nghiệp bưu chính công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO