Mỹ và Trung Quốc chạy đua thống trị ngành robot toàn cầu
Tesla, Boston Dynamics và các công ty robot khác của Mỹ đang thúc đẩy việc ban hành một chiến lược quốc gia về robot nhằm củng cố vị thế lãnh đạo trong lĩnh vực này.

Trung Quốc sắp vượt Mỹ về ngành công nghiệp robot
Chính phủ Trung Quốc đã xác định ngành công nghiệp robot là một trong 10 công nghệ chiến lược trọng điểm và đang thúc đẩy các chính sách đầu tư thông qua kế hoạch "Made in China 2025". Đặc biệt, chính phủ nước này đã đầu tư mạnh vào robot hình người, coi đây là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo Nghiên cứu ngành công nghiệp robot hình người được công bố tại Hội nghị AI thế giới năm 2024, giá trị thị trường robot hình người của Trung Quốc dự kiến tăng gần gấp đôi từ 2,76 tỷ nhân dân tệ (3,79 tỷ USD) vào năm 2024 lên 5,3 tỷ nhân dân tệ (7,28 tỷ USD) vào năm 2025, sau đó tăng vọt lên 75 tỷ nhân dân tệ (10,3 tỷ USD) vào năm 2029, chiếm gần 1/3 thị trường toàn cầu.
“Trung Quốc coi đây là một công nghệ chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc tự chủ công nghệ. Nó là yếu tố thiết yếu để tăng năng suất và bù đắp sự suy giảm lực lượng lao động”, GS. Liang Yan tại Đại học Willamette cho biết.
Để ngăn chặn Trung Quốc thống trị ngành robot và duy trì khả năng cạnh tranh, các công ty robot của Mỹ đang thúc đẩy ban hành một chiến lược quốc gia về robot, bao gồm việc thành lập một văn phòng liên bang, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp này.
Đại diện của các công ty, bao gồm Tesla, Boston Dynamics và Agility Robotics, đã có cuộc gặp với các nhà lập pháp tại Washington vào ngày 26/3 để giới thiệu sản phẩm và thúc đẩy Chính phủ Mỹ thông qua các chính sách để duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghiệp robot.
Jeff Cardenas, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp robot hình người Apptronik, có trụ sở tại Austin, Texas, đã chỉ ra với các nhà lập pháp rằng chính hãng sản xuất ô tô Mỹ General Motors đã triển khai robot công nghiệp đầu tiên trên dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy của hãng ở bang New Jersey vào năm 1961. Tuy nhiên, sau đó Nhật Bản đã dần thống trị thị trường robot công nghiệp toàn cầu.
Theo hàng loạt báo cáo từ Robot Report, SCMP và Wall Street Journal, việc chạy đua sản xuất robot hình người là xu hướng công nghệ chính trong năm 2025, với hai quốc gia dẫn đầu là Mỹ và Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang có lợi thế lớn quan trọng về mặt chi phí và hiệu quả chuỗi cung ứng, do đó việc sản xuất thuận lợi hơn. Chẳng hạn, một cánh tay robot tạo ra ở Mỹ đắt hơn 2,2 lần so với ở Trung Quốc. Một bộ pin ở Trung Quốc có giá 127 USD nhưng tại Bắc Mỹ và châu Âu cao hơn lần lượt 24% và 33%.
Tuy nhiên, Kyle Chan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Princeton, Mỹ, cho rằng việc Trung Quốc sản xuất robot hiện mang tính "tượng trưng" hơn là ứng dụng thực tế.
Mặt khác, theo các chuyên gia, Mỹ vượt trội hơn về công nghệ AI - bộ não của robot.
“Tôi nghĩ Mỹ có cơ hội lớn để giành chiến thắng. Chúng ta đang dẫn đầu về AI và tôi nghĩ chúng ta đang chế tạo một số robot tốt nhất trên thế giới. Nhưng chúng ta cần một chiến lược quốc gia nếu muốn tiếp tục chế tạo và duy trì vị thế dẫn đầu”, Jeff Cardenas cho biết.
Hiệp hội Tự động hóa tiên tiến Mỹ cho biết việc ban hành một chiến lược robot quốc gia sẽ giúp các công ty Mỹ mở rộng quy mô sản xuất và thúc đẩy việc áp dụng robot. Hiệp hội này cũng đề xuất các ưu đãi về thuế để thúc đẩy việc áp dụng, cùng với các chương trình đào tạo do liên bang hỗ trợ và các tài trợ cho nghiên cứu học thuật và đổi mới thương mại.
Đại diện Raja Krishnamoorthi, một đảng viên Dân chủ của Illinois, cho biết ông tin rằng Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc chơi này nhưng các công ty Trung Quốc "rất giỏi" và Trung Quốc "đang tập trung rất nhiều nguồn lực vào ngành công nghiệp robot".
"Vì vậy, chúng ta cần liên tục đổi mới và duy trì văn hóa khởi nghiệp của mình", Krishnamoorthi cho biết.

Jonathan Chen, Giám đốc của Optimus Engineering thuộc hãng sản xuất ô tô Tesla, nơi đang phát triển một robot hình người mà CEO Elon Musk hy vọng sẽ đưa lên sao Hỏa vào cuối năm 2026, cho biết khả năng sản xuất sẽ là chìa khóa cho sự cạnh tranh quốc gia.
Cuộc đua khốc liệt
Theo Liên đoàn Robot quốc tế (IFR) có trụ sở tại Đức, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới về robot làm việc trong các nhà máy và các môi trường công nghiệp khác, với khoảng 1,8 triệu robot hoạt động vào năm 2023.
Cũng theo IFR, các hãng sản xuất robot ở Nhật Bản và châu Âu vẫn thống trị thế giới về robot nhà máy khổng lồ, mặc dù thị phần của các hãng sản xuất Trung Quốc trong thị trường nội địa đã tăng lên khoảng một nửa.
Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tích hợp robot với các công nghệ mới nổi khác như AI khi quốc gia này đang định vị robot hình người là công nghệ tiên phong và đã thành lập một quỹ đầu tư do chính phủ hậu thuẫn, trị giá 138 tỷ USD, nhằm thúc đẩy phát triển các công nghệ tiên tiến như điện toán lượng tử, AI, chất bán dẫn và năng lượng tái tạo. Động thái này có thể làm thay đổi cục diện cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ cao.
Đầu năm nay, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã phát sóng chương trình Gala Mừng Xuân Ất Tỵ của Trung Quốc với màn trình diễn ấn tượng robot. Theo đó, 16 robot hình người do công ty người máy Trung Quốc Unitree sản xuất và điều khiển chuyện động bằng AI, mặc áo khoác theo phong cách vùng Đông Bắc Trung Quốc, biểu diễn tiết mục múa dân gian cùng các vũ công đến từ Học viện Nghệ thuật Tân Cương.
Những chú robot hình người không chỉ có thể xoay eo một cách mềm mại và bắt chước các động tác đá chân của con người, mà còn có thể xoay khăn trên tay và trình diễn các động tác tương đối khéo léo.
Màn trình diễn ấn tượng, thu hút hơn 1 tỷ khán giả, cho thấy robot hình người Trung Quốc đã tiến bộ đến mức độ nào. Trong 2 tháng qua, có nhiều video về robot hình người Trung Quốc thực hiện những động tác như đi xe đạp, đá xoay và lộn nhào. Các video này đã gây bão trên mạng, thường được truyền thông nhà nước ca ngợi là động lực tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong báo cáo công tác thường niên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết nước này sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển các công nghệ cốt lõi, kết hợp với thế mạnh sản xuất và thị trường trong nước, bao gồm phát triển robot thông minh cùng với xe điện kết nối. Trong 3 năm qua, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã công bố hoặc triển khai các quỹ đầu tư vào lĩnh vực robot, trị giá tổng cộng ít nhất 10 tỷ USD.
Theo dự báo của Goldman Sachs, thị trường robot hình người toàn cầu sẽ đạt giá trị 38 tỷ USD vào năm 2035. Trong vòng 5 năm, họ ước tính 250.000 robot hình người, chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực công nghiệp, sẽ được xuất xưởng và khoảng 1 triệu robot sẽ được bán cho người tiêu dùng mỗi năm trong vòng một thập kỷ tới.
Trung Quốc, vốn đang tìm cách phát triển robot hình người thành công như lĩnh vực xe điện (EV), muốn dẫn đầu quá trình tăng trưởng này. Dù tham gia cuộc đua sau các đối thủ Mỹ như Tesla, Boston Dynamics và Figure AI, nhưng các chuyên gia cho rằng các công ty Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách nhanh chóng. Với khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm chi phí, họ cũng đang đẩy nhanh sản xuất hàng loạt robot hình người
Tại cả Mỹ và Trung Quốc, robot hình người kết hợp AI đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong những tháng gần đây, các công ty lớn từ cả hai quốc gia đã gia tăng đầu tư vào robot hình người, khi sự hào hứng với AI có thể tương tác vật lý ngày càng tăng. Tesla dự kiến sẽ sản xuất hàng nghìn robot hình người Optimus trong năm nay. Trong khi đó, một loạt công ty Trung Quốc, bao gồm tập đoàn điện tử gia dụng Midea, nhà sản xuất ô tô Chery và thương hiệu xe điện Xpeng, cũng đang tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực này
Nhưng điều đó cũng gây ra những hoài nghi từ một số người theo dõi ngành công nghiệp robot.
"Chúng tôi không thích robot hình người lắm vì chúng vụng về và ngớ ngẩn", Bill Ray, một nhà phân tích tại Anh cho nhóm nghiên cứu thị trường Gartner, cho biết. "Chúng trông tuyệt vời, nhưng không thực tế lắm".
Thay vào đó, Ray đang tìm kiếm loại robot có nhiều ứng dụng được ông mô tả là "robot đa năng" có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào trong mọi môi trường như máy có bánh xe có thể nhấc và mang các gói hàng nặng qua sân bay.
"Trong bối cảnh chính trị hiện tại, chúng tôi không mong đợi thấy các đội robot Trung Quốc làm việc trong các nhà máy của Mỹ hoặc các đội robot Mỹ làm việc trong các nhà máy của Trung Quốc”, Ray cho biết.
Hiện tại, Mỹ dường như đã nhận thức rõ về sự tụt hậu trong ngành robot và đã kêu gọi hợp tác giữa chính phủ, ngành công nghiệp và các viện nghiên cứu.
Ông Jeff Cardenas, Giám đốc điều hành của Apptronik, nhận định: "Robot sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Lúc này đã có những robot xuất hiện trong các địa điểm công cộng. Điều quan trọng là điều này sẽ tác động như thế nào đến các công nhân và chúng ta cần phải thúc đẩy việc ứng dụng robot vào trong hoạt động sản xuất như thế nào".
Các robot hình người được xem sẽ sớm trở nên phổ biến ở các nhà máy trên khắp thế giới và việc triển khai robot hình người có thể đẩy nhanh sự thay đổi mô hình sản xuất công nghiệp.
Theo ông Cardenas, để thống trị lĩnh vực này, Mỹ cần xây dựng một chiến lược quốc gia về robot phù hợp, tái cấu trúc sản xuất trong nước, củng cố chuỗi cung ứng cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển./.