Năm 2020, ngành BHXH giải quyết hơn 81 triệu hồ sơ giao dịch điện tử

Trường Thanh| 30/12/2020 15:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc hoàn thành cung cấp các dịch vụ công (DVC) mức độ 4 là một trong những thành tích nổi bật, thể hiện sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng CNTT... qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ số, quốc gia số.

BHXH Việt Nam vừa ban hành văn bản triển khai bổ sung 9 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân trên Cổng dịch vụ công (DVC) của ngành. Theo đó, BHXH Việt Nam hoàn thành việc cung cấp 100% các DVC mức độ 4 cho các thủ tục hành chính (TTHC) của ngành.

Trong năm 2020, toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết hơn 81 triệu hồ sơ giao dịch điện tử. Dự kiến trong quý I/2021, sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% DVC mức độ 4 của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động triển khai kết nối, tích hợp cung cấp 15 DVC của ngành và DVC liên thông trên Cổng DVCQG, gồm 10 DVC theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DVC tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG năm 2020; 3 DVC theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; 1 dịch vụ thanh toán trực tuyến đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); 1 thủ tục liên thông với Bộ LĐTB&XH hỗ trợ DN đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN và báo cáo tình hình sử dụng lao động.

Song song với đó, nhằm đẩy mạnh triển khai các DVCTT của Ngành trên Cổng DVCQG, ngày 8/10, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3187/BHXH-CNTT về việc triển khai thực hiện DVC của ngành trên Cổng DVCQG. Trong đó, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đăng ký tài khoản và sử dụng các DVC, dịch vụ thanh toán trực tuyến của ngành trên Cổng DVCQG đến các đơn vị trong ngành và đơn vị sử dụng lao động trên toàn quốc.

BHXH Việt Nam hoàn thành việc cung cấp 100% các DVC mức độ 4 - Ảnh 1.

BHXH Việt Nam vừa ban hành văn bản triển khai bổ sung 9 DVCTT mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của ngành

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 23/12, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 giao dịch trực tuyến trên Cổng DVCQG, trong đó, tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất cho 2.616 trường hợp; 5.859 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 4.022 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 1.706 trường hợp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN là 131 trường hợp); tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19.

Việc hoàn thành cung cấp các DVC mức độ 4 là một trong những thành tích nổi bật, thể hiện sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn với những lợi ích thiết thực, thân thiện; qua đó góp phần thực hiện Chính phủ số, quốc gia số.

Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp (DN). Người dùng chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng Internet là có thể thực hiện các DVC của ngành BHXH Việt Nam ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào.

Tổ chức, cá nhân có thể thông qua 11 nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH (IVAN) hoặc thực hiện thao tác trực tiếp trên Cổng Giao dịch điện tử của ngành BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn; giúp cắt giảm thời gian, chi phí của người dân, DN trong các giao dịch với cơ quan BHXH.

Cũng theo BHXH Việt Nam, trong những năm qua, BHXH Việt Nam đã tăng cường việc ứng dụng CNTT trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ của ngành và mang lại những hiệu quả thiết thực cho cả người dân, tổ chức, DN và ngay chính cơ quan BHXH. Bằng việc tích hợp các phần mềm nghiệp vụ, công bố các DVCTT cấp độ 3, cấp độ 4; cũng như phối hợp với ngân hàng tạo nên hệ thống thanh toán điện tử, cung cấp những tiện ích đa phương tiện, đa kênh thanh toán cho người dân, hướng tới việc phục vụ người dân ngày càng tốt hơn...

Trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019, BHXH Việt Nam là cơ quan giữ vị trí đứng đầu các cơ quan thuộc Chính phủ về ứng dụng CNTT. Đồng thời, việc đưa các tiện ích, thông tin đóng - hưởng BHXH, BHYT, tiến tới tích hợp, cung cấp các DVC, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng thiết bị di động là bước đi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, quốc gia số hiện nay.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020, ngành BHXH giải quyết hơn 81 triệu hồ sơ giao dịch điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO